MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quýt làm Cam hưởng

Chuyện lương thưởng “trên trời” của lãnh đạo các tổng công ty NN vốn đã là chuyện cũ, thế nhưng, con số 80triệu/ng/tháng mà lãnh đạo 2 tổng công ty lương thực nhận được thực sự khiến hàng chục triệu người dân bức xúc.

Theo Báo cáo kiểm toán 2012 của Kiểm toán Nhà nước, tại Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) thu nhập bình quân của lãnh đạo là 56,5 triệu đồng/người/tháng;  khối văn phòng cao nhất là 28,4 triệu đồng/người/tháng. Tại Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2), thu nhập bình quân của lãnh đạo gần 80 triệu đồng/người/tháng; khối văn phòng gần 33 triệu đồng/người/tháng. 

Trước sự chất vấn của báo giới, ông Trần Bá Hoàn – Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) thừa nhận số liệu từ báo cáo của Kiểm toán nhà nước, tuy nhiên ông “cải chính” rằng đó là thu nhập “các khoản”, còn “lương của chúng tôi chỉ chưa đầy 32 triệu đồng/người/tháng thôi”. Ông Hoàn còn cụ thể hơn: “Tổng thu nhập thì gộp nhiều khoản như: Quỹ khen thưởng về công tác điều hành, Quỹ hoàn thành kế hoạch của một nhiệm kỳ…”

Chưa vội nói phải trái trong lời vị quan chức ngành gạo này, chỉ cần nhìn vào thực tế đang diễn ra của ngành lúa gạo hiện nay dư luận xã hội đã nhiều tranh cãi.

Thực tế đang diễn ra là hạt gạo Việt Nam chất lượng không đồng đều, không có thương hiệu nên phải lấy số nhiều làm lãi, bán với giá rẻ nhất so với gạo của các nước khác. Cụ thể tại thời điểm tháng 4, giá gạo 5% tấm của Thái Lan bán ra ở mức 530 USD/tấn, Ấn Độ bán ra ở mức 445 USD/tấn, Pakistan ở mức 430 USD/tấn, trong khi Việt Nam chỉ bán được ở mức 395 USD/tấn. 

Chưa kể việc có đọc báo cáo mới nhất của Hiệp hội lương thực Việt Nam mới thấy, từ trước đến nay, gạo Việt Nam chủ yếu được bán theo các hợp đồng tập trung, đàm phán giá ở cấp nhà nước với nhau, thì nay nhu cầu mua gạo của các thị trường hầu như không có, hợp đồng tập trung ký giữa các chính phủ giảm mạnh nên các doanh nghiệp phải tự tìm đầu ra, vừa không ký được hợp đồng mới đáng kể nào lại vừa bị đối tác nước ngoài ép giá nên phải bán tháo để quay vòng vốn. Trong khó khăn mới lộ ra, rằng từ trước đến nay các công ty xuất khẩu lúa gạo đa phần sống khỏe nhờ vào việc bao nhiêu khó khăn thì nhà nước và nông dân gánh cho hết cả!

Đấy là “đối ngoại”, còn về “đối nội”, chưa bao giờ hạt gạo Việt Nam thoát khỏi kiếp bấp bênh được mùa mất giá, còn người nông dân, lực lượng chính làm ra giá trị cho hạt gạo, nhưng lại hưởng lợi ở mức thấp nhất trong chuỗi giá trị đó. 

Chuyên gia về lúa gạo Phạm Quang Diệu, trong một nghiên cứu về vấn đề này đã chỉ ra rằng: “Chủ thể hưởng lợi nhiều nhất là hệ thống bán lẻ gạo nội địa kể cả khi giá tăng cũng như giảm. Trong khi đó, khi giá gạo lên nhà xuất khẩu hưởng lợi lớn khi giá lúa thu mua chưa kịp tăng cùng nhịp với giá xuất, còn khi giá gạo giảm nhà xuất khẩu ngưng hoặc hạn chế mua vào nhằm giảm thiểu rủi ro. 

“Chỉ có người nông dân là gánh chịu rủi ro nhiều nhất khi giá gạo tăng mà giá lúa không tăng cùng nhịp, không được hưởng lợi một cách công bằng trong toàn bộ chuỗi giá trị, khi giá gạo giảm thì giá lúa giảm cùng nhịp, hàng tồn kho khó tiêu thụ, chịu lãi vay cao.” - Ông Diệu nhấn mạnh.

Chi phí mà người trồng lúa bỏ ra chiếm hơn 63% tổng chi phí xuất khẩu gạo, lợi nhuận họ thu được chiếm 10% chuỗi giá trị hạt gạo. Thu nhập mỗi tháng 400.000 đồng/người.

(Nguồn:  Oxfam & Ipsard

Số liệu mới nhất trong điều tra nghiên cứu “Ai được lợi từ việc tăng giá gạo?” do Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp nghiên cứu với Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard)  cũng cho thấy, mặc dù chi phí mà người trồng lúa phải bỏ ra là lớn nhất, chiếm 63% tổng chi phí xuất khẩu gạo (chưa tính đến công lao động), gồm: Vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Thế nhưng so sánh mức lợi nhuận mà người trồng lúa nhận được với tổng lợi nhuận từ sản xuất, con số còn bất ngờ hơn: Nếu năm 2006 dù giá gạo còn thấp, nhưng người nông dân vẫn có thể thu được 70% tổng lợi nhuận từ sản xuất- kinh doanh lúa gạo, thì đến năm 2008 con số này đã giảm xuống còn 23% và năm 2010, thậm chí chỉ còn 10%.

Trên thực tế, hiện nay tình hình có thể còn đáng buồn hơn nữa. Lấy một ví dụ cụ thể tại Long An, số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh này cho biết  thu hoạch 1 ha lúa nếu bán được giá nông dân chỉ đạt lợi nhuận 16-19 triệu đồng/năm. Nếu tính nhân khẩu bình quân một hộ nông dân sống bằng nghề trồng lúa là bốn người/hộ/hecta đất lúa thì thu nhập chỉ 330.000-400.000 đồng/người/tháng, thấp hơn chuẩn hộ nghèo bình quân chung của cả nước.

Trong khi người nông dân đổ mồ hôi sôi nước mắt, còng lưng trên đồng nhưng làm không đủ ăn, không biết mỗi tháng cầm 80 triệu đồng trên tay, lãnh đạo các tổng công ty lương thực có bao giờ so sánh?

Hồng Anh

uyenlt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên