MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rắc rối thuế trước bạ xe ngoại giao

Không nên tiếp tục tạo ngoại lệ cho xe núp bóng biển kiểm soát ngoại giao, vừa gây mất công bằng vừa làm thất thu ngân sách nhà nước

Theo quy định của Bộ Công an, cá nhân, tổ chức đang quản lý, sử dụng xe mang biển kiểm soát (BKS) nước ngoài và ngoại giao (gọi chung là ngoại giao) không đúng quy định phải làm thủ tục thu hồi giấy đăng ký, BKS và sang tên, đổi chủ. Trường hợp không làm thủ tục, khi bị phát hiện sẽ bị thu giữ xe.

Chưa xác định được mức thuế trước bạ

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh vướng mắc về mức phí trước bạ chủ xe phải nộp khi thực hiện sang tên, đổi chủ. Theo chính sách phí trước bạ mới, ô tô dưới 10 chỗ ngồi đăng ký lần đầu có mức thu chung là 10% và các địa phương được điều chỉnh tăng không quá 50%. Nhưng đối với xe đăng ký lần thứ 2 trở đi, phí trước bạ chỉ còn 2%, áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Nhiều ý kiến cho rằng đối với xe ngoại giao đã sang tên đổi chủ, người ngoại giao không còn sử dụng nữa, thì cần phải coi chiếc xe đó như đăng ký lần đầu nên phải đóng thuế trước bạ 10% chứ không phải 2%.

Do quy định không rõ ràng nên đến nay các địa phương không xác định được đây là xe đăng ký lần đầu hay đăng ký lần thứ 2, dẫn đến cách thu thuế không thống nhất. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 28-8, nhiều ý kiến thảo luận còn khác nhau, vì vậy Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu lại, tham khảo thêm các góp ý để báo cáo Thủ tướng kỹ hơn.
 
Xe ngoại giao đã sang chủ, nếu đánh thuế trước bạ thấp sẽ tạo điều kiện cho nhiều người núp bóng kiếm lời.
 (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Nguồn: Internet

Không nên có ngoại lệ

Một chủ salon ô tô ở Hà Nội cho rằng nếu thu phí trước bạ 2% đối với tất cả xe BKS ngoại giao đăng ký lại là không công bằng. Khi xe đã được bán lại ra thị trường thì người thụ hưởng không còn là đối tượng được miễn trừ nên phải chịu mức thuế đăng ký lần đầu như đối với những chủ xe khác.

Vì đa số xe BKS ngoại giao chuyển nhượng đều là xe siêu sang nên có giá trị rất lớn, nếu mức phí trước bạ thấp sẽ làm mất nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước. Ví dụ, một chiếc xe BKS ngoại giao có giá trị 2 tỉ đồng thì đăng ký lần đầu có mức phí trước bạ phải nộp là 200 triệu đồng (10% giá trị xe).

Nhưng nếu được coi là đăng ký lần 2 thì mức phí trước bạ phải nộp chỉ 40 triệu đồng (2%). Người mua xe BKS ngoại giao trước đây vốn đã được hưởng lợi rất nhiều từ chính sách thuế so với người mua xe lắp ráp trong nước hoặc xe nhập khẩu, nay trong quá trình xử lý rốt ráo, xe "núp bóng" BKS ngoại giao lại tiếp tục được hưởng lợi trong chính sách phí trước bạ, như vậy là bất công.

Theo TS Lê Đăng Doanh, không nên tiếp tục tạo ngoại lệ cho xe núp bóng BKS ngoại giao, vừa gây mất công bằng vừa làm thất thu ngân sách nhà nước. Việc quản lý xe BKS ngoại giao trước đây có lỗ hổng khiến một bộ phận lợi dụng kiếm lời. "Không phải trong tình hình thu ngân sách khó khăn như hiện nay mới phải thu đúng, thu đủ phí trước bạ đối với xe BKS ngoại giao mà chính sách thuế phải bình đẳng, công bằng với tất cả mọi người. Không phải người có nhiều tiền, xài xe sang, xe tốt thì ít phải nộp thuế" - TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh. 
 

Cả nước có 4.366 xe ngoại giao

Số liệu của ngành tài chính cho thấy tính từ năm 1988 đến hết tháng 5-2012, cả nước có 4.366 xe ngoại giao. Trong đó, 230 xe đã làm thủ tục tái xuất, 1.758 xe đã làm thủ tục chuyển nhượng hoặc tiêu hủy, còn lại 2.378 xe chưa hoàn tất thủ tục và ước tính có khoảng 1.200 chiếc sử dụng sai mục đích.

Trong đợt tổng kiểm tra, xử lý xe có BKS ngoại giao mới đây, Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ - Đường sắt đã phát hiện 317 xe mang BKS ngoại giao, BKS nước ngoài không đúng quy định. Phần lớn số xe này có đăng ký hết hạn, chưa làm thủ tục gia hạn hoặc thu hồi đăng ký, BKS theo quy định của pháp luật.

Theo Gia Linh

cucpth

Người lao động

Trở lên trên