Rục rịch FDI vào ngành điện
FDI đang chảy vào ngành điện, nhưng liệu nó có đổi dòng hay không, câu trả lời phụ thuộc vào hành lang pháp lý thông thoáng, hiệu quả, sớm ban hành trong thời gian tới.
Nhu cầu điện của Việt Nam rất lớn trong khi các nhà máy trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất điện. Vì vậy, đang bắt đầu có làn sóng mới trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào ngành điện khi một số dự án mới đang rục rịch để được khai sinh.
Theo thông tin từ Tata Power, một công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ), công ty này vừa nhận được thư từ Chính phủ Việt Nam về việc cho phép nghiên cứu khả thi dự án nhiệt điện Long Phú 2 (công suất 1.200 MW) tại Sóc Trăng. Với sự chấp thuận về nguyên tắc này từ Chính phủ Việt Nam, Tata Power cho biết sẽ nhanh chóng thực hiện các bước tiếp theo để chuẩn bị đầu tư dự án này.
Hiện dự án nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1
(công suất 2.640 MW) tại Khánh Hòa cũng đang trên bàn đàm phán với chủ
đầu tư. Theo thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo tỉnh vừa làm
việc với tổ hợp nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) và CTCP Đầu tư công
nghiệp – xây dựng Hà Nội (Hanoinco) về tiến độ thực hiện dự án.
Đại diện Sumitomo cho biết, đang gấp rút triển khai đàm phán hợp đồng BOT với Bộ Công Thương, dự kiến quý I/2014 sẽ ký hợp đồng BOT. Các kế hoạch khác bao gồm quý II/2014 hoàn thành các thủ tục và được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tháng 7/2015 hoàn thành nghĩa vụ tài chính và tháng 8/2015 sẽ khởi công dự án có vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD này. Dự kiến, tháng 10/2019, nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động.
Mới đây, Tập đoàn sản xuất thiết bị công
nghiệp đa quốc gia Howden Group đã chính thức mở văn phòng đại diện tại
TP. Hồ Chí Minh. Là tập đoàn chuyên cung cấp các thiết bị ngành điện,
Howden Group đã cung cấp cho các dự án điện ở Việt Nam lên tới hơn 1,5
tỷ USD thông qua việc cung cấp thiết bị gồm hệ thống quạt gió, quạt
khói, gia nhiệt và hóa nhiệt… cho một số dự án điện như Mông Dương 2,
Vũng Áng 1, Nghi Sơn 1, Vĩnh Tân 1 và Thái Bình 2.
Giám đốc Kinh doanh toàn cầu của Howden Group, ông Ken Robinson cho rằng, cơ hội đầu tư vào ngành điện Việt Nam trong tương lai rất lớn, vì vậy Tập đoàn tích cực đầu tư các thiết bị hiện đại và mở rộng đầu tư vào ngành điện Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, ngành công nghiệp điện Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển tốt nhất, đây cũng là thời điểm cần huy động vốn FDI để giúp ngành công nghiệp điện Việt Nam tiếp tục phát triển hơn nữa.
Tuy nhiên, nhiều dự án FDI vào ngành điện đang gặp khó khăn trong triển khai bởi một số chính sách chưa phù hợp đang cản trở tiến độ. Ví như dự án nhiệt điện Vân Phong 1, vẫn còn một số vấn đề tồn tại trong việc thực hiện hợp đồng thuê đất với tỉnh Khánh Hòa, hợp đồng mua bán điện với EVN… Ông Nguyễn Chiến Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc ký kết hợp đồng thuê đất. Nhưng yêu cầu của tỉnh Khánh Hòa là chủ đầu tư phải nhất quán trong các đề xuất về việc thực hiện dự án, không để thời gian kéo dài.
Bên cạnh đó, là sự yếu và thiếu các quy định về quản lý tiến độ thực hiện các dự án. Trong khi nhiệt điện Mông Dương 2 của AES (Mỹ), Posco Energy (Hàn Quốc) và CIC (Trung Quốc) đang tích cực được triển khai thì nhiệt điện BOT Hải Dương sau khi được động thổ khởi công vào tháng 9/2011 hiện lại đang dậm chân tại chỗ, do chưa giải quyết được các vấn đề liên quan đến thỏa thuận đầu tư giữa các đối tác.
Với thực tế chậm trễ của nhiệt điện BOT Hải Dương, các quy định đối với chủ đầu tư về cam kết tiến độ trong một dự án có vốn đầu tư lớn như xây dựng nhà máy điện cũng phải rõ ràng.
FDI đang chảy vào ngành điện, nhưng liệu nó có đổi dòng hay không, câu trả lời phụ thuộc vào hành lang pháp lý thông thoáng hiệu quả, sớm ban hành trong thời gian đến.
Theo Nguyễn Minh