MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Samsung “rót” thêm 3 tỷ USD, vốn ngoại vào Việt Nam 8 tháng bật tăng mạnh

Việc "gã khổng lồ" Samsung rót thêm 3 tỷ USD vào KCN Yên Phong (Bắc Ninh) đã nâng tổng vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng bật tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014.

Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch Đầu tư) vừa công bố tình hình đầu tư nước ngoài 8 tháng năm 2015. Theo đó, tính chung trong 8 tháng năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam đạt 13,33 tỷ USD; tăng 30,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Trước đó, số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm vào Việt Nam mới đạt 8,8 tỷ USD, bằng 92,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Như vậy, việc "gã khổng lồ" Samsung rót thêm 3 tỷ USD vào KCN Yên Phong (Bắc Ninh) đã nâng tổng vốn FDI vào Việt Nam 8 tháng bật tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2014.

Về vốn thực hiện, trong 8 tháng năm 2015, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,5 tỷ USD; tăng 7,6% với cùng kỳ năm 2014.

Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 20/8/2015, cả nước có 1.219 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,87 tỷ USD; tăng hơn 8,7% so với cùng kỳ năm 2014; có 389 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,46 tỷ USD; tăng 82,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Phân theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 634 dự án đầu tư đăng ký mới và 290 lượt dự án tăng vốn, với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 10,35 tỷ USD; chiếm 77,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với 18 dự án đăng ký mới và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,82 tỷ USD, chiếm 13,7% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ sửa chữa với 157 dự án đầu tư mới và 26 lượt dự án tăng vốn, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 311,08 triệu USD.

Theo đối tác đầu tư, đã có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 5,26 tỷ USD; chiếm 39,5% tổng vốn đầu tư tại Việt Nam.

Vương quốc Anh đứng vị trí thứ 2 với số vốn là 1,25 tỷ USD chiếm 9,39% tổng vốn đầu tư. British VirginIslands đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 973,6 triệu USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư. Hồng Kông đứng vị trí thứ 4 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 876 triệu USD; chiếm 6,6% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, trong 8 tháng năm 2015, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 49 tỉnh thành phố, trong đó Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,33 tỷ USD, chiếm 25% tổng vốn đầu tư đăng ký.

TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,42 tỷ USD, chiếm 18,2%. Đồng Nai đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,13 tỷ USD, chiếm 8,5%.

Một số dự án lớn được cấp phép trong 8 tháng năm 2015 bao gồm:

- Dự án Cty SamSung Display Việt Nam với số vốn đầu tư tăng thêm là 3 tỷ USD. Dự án này được cấp phép năm 2014 với số vốn đầu ban đầu là 1 tỷ USD; dự án được đầu tư tại KCN Yên Phong 1, Bắc Ninh với mục tiêu sản xuất, lắp ráp, gia công, tiếp thị hoặc bán các loại màn hình.

- Dự án Cty TNHH liên doanh thành phố Đế Vương với tổng vốn đầu tư là 1,2 tỷ USD do Cty cổ phần bất động sản Tiến Phước và Cty TNHH bất động sản Trần Thái Liên doanh với nhà đầu tư Denver Power Ltd - Vương quốc Anh.

- Dự án Cty TNHH Hyosung Đồng Nai tổng vốn đầu tư 660 triệu USD do nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ đầu tư tại Khu công nghiệp Đồng Nai với mục tiêu sản xuất và gia công các loại sợi.

- Dự án Cty TNHH Worldon (Việt Nam) tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư BritishVirginIslands đầu tư tại TP Hồ Chí Minh với mục tiêu sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp.

 

Hồng Lam

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên