Sau Hòa Phát, đến lượt VNSteel gửi đơn “kêu cứu” Thủ tướng
Phôi thép giá rẻ nhập về Việt Nam tăng chóng mặt trong năm 2015 và đầu năm 2016 đã khiến cho hàng loạt các ông lớn trong ngành thép liên tục gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ.
- 26-02-2016Phôi thép nhập khẩu ồ ạt, Hòa Phát gửi đơn khẩn thiết kêu cứu Thủ tướng
- 30-12-2015Áp thuế tự vệ phôi thép nhập khẩu không ảnh hưởng đến giá thép trong nước
- 26-12-2015Điều tra áp dụng biện pháp tự vệ với phôi và thép dài nhập khẩu
Thông tin mới đây nhất được Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) gửi lên Thủ tướng Chính phủ một lần nữa bày tỏ sự quan ngại khi lượng phôi thép nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam trong thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Tiếp tục dẫn ra số liệu về lượng phôi thép giá rẻ nhập về Việt Nam lên tới gần 1,9 triệu tấn, tăng hơn 300% so với năm 2014, VNSteel cho biết tình trạng nhập khẩu tiếp diễn trong đầu năm 2016 càng đáng lo ngại.
Theo đó, mức nhập khẩu đã tăng đột biến trong tháng 12/2015 và tháng 1/2016, với mức tương ứng là 317.000 tấn và 340.000 tấn. Riêng trong tháng 1/2016, mức nhập khẩu tăng cao gấp 3 lần so với cùng kỳ.
Trong khi đó, mức giá bình quân nhập khẩu liên tục giảm mạnh, từ mức 451 USD tấn (tháng 1/2015) giảm xuống mức 269 USD/tấn (tháng 1/2016), đã gây khó khăn lớn cho các nhà sản xuất phôi thép trong nước.
Văn bản này được đưa ra ngay sau khi trước đó Công ty CP Thép Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) cũng có đơn kiến nghị khẩn thiết lên Thủ tướng Chính phủ để có giải pháp phù hợp trong việc bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước tình trạng phôi thép giá rẻ nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.
Cùng với đó, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cũng có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. VSA cho biết với lượng phôi thép nhập khẩu tăng cao đột biến, giá phôi thép nhập khẩu cũng giảm mạnh, thì nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, lượng phôi thép nhập khẩu vào Việt Nam sẽ lên tới 4 – 5 triệu tấn trong năm 2016.
“Với lượng nhập khẩu này, các nhà sản xuất phôi thép của Việt Nam sẽ không chỉ tạm dừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng như đã xảy ra trong năm 2015, mà thậm chí phải đóng cửa”. VSA cảnh báo.
Thực tế, sản xuất phôi thép trong nước cả năm 2015 đã giảm 4% so với năm 2014 khi đạt 5,6 triệu tấn. Trong khi sản xuất thép tăng 21% thì sản xuất phôi thép lại giảm do nhập khẩu phôi tăng 214% so với năm 2014.
Nguyên nhân là do lượng phôi thép nhập khẩu ồ ạt với giá thấp hơn rất nhiều nên các nhà sản xuất phôi thép trong nước bị thu hẹp thị phần, chỉ vận hành được khoảng 50% công suất. Tính đến 31/12/2015 thì năng lực sản xuất phôi thép trong nước lên tới hơn 11 triệu tấn. Giá thành sản xuất phôi thép trong nước còn cao nên không thể cạnh tranh với phôi nhập khẩu.
Trước tình hình trên, cùng với CP Cổ phần Thép Hòa Phát, Công ty CP Thép Việt Ý thì các đơn vị trực thuộc VNSteel là Công ty CP Gang thép Thái Nguyên và Công ty Thép Miền Nam đã gửi hồ sơ đề nghị xem xét áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với mặt hàng phôi thép, thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Bộ Công Thương đã ra quyết định khởi xướng điều tra, song tình trạng phôi thép vẫn ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam và ngày càng gia tăng. Đáng chú ý là các doanh nghiệp nhập khẩu đang có tình trạng trữ hàng hóa để tranh thủ đầu cơ khi cơ quan quản lý áp dụng biện pháp tự vệ, nên càng làm cho lượng nhập khẩu gia tăng.
Do đó, VSA kiến nghị các cơ quan Nhà nước cần thực hiện nghiêm chỉ đạo liên quan đến quản lý nhập khẩu các sản phẩm thép. Bộ Công Thương sớm xử lý và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với ba vụ kiện liên quan sản phẩm phôi thép và thép dài; thép mạ kẽm; thép mạ lạnh và thép mạ màu…
Đặc biệt cần giám sát chặt việc kê khai các mã HS của phôi thép nhập khẩu và sớm ban hành tiêu chuẩn về phôi thép để làm căn cứ giám sát việc nhập khẩu sản phẩm này…
Trí Thức Trẻ