Sẽ tăng tổng công suất thủy điện lên gấp 1,5 lần trong vòng 6 năm tới
Thông tin được Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng xác nhận tại Hội thảo Việt Nam – Na Uy về thủy điện và cải cách thị trường điện diễn ra sáng 19/3.
Thứ trưởng Hưng cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng phong phú như than, dầu khí, thủy điện và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên các nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, các nguồn thủy điện lớn đã được khai thác gần hết.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét tới năm 2030, Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển các nguồn thủy điện, đưa tổng công suất các nguồn thủy điện từ 14.000MW hiện nay lên 21.300MW vào năm 2020.
Bộ Công Thương đang nghiên cứu đưa nhà máy thủy điện tích năng vào vận hành phù hợp với sự phát triển của hệ thống điện nhằm nâng cao hiệu quả và tối ưu vận hành của hệ thống. Năm 2020, thủy điện tích năng dự kiến có tổng công suất 2.400MW, nâng lên 5.700 MW vào năm 2030.
Hiện nay, phần lớn các nguồn năng lượng thủy điện cơ bản đã được khai thác hết, Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ; tối ưu vận hành các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang thủy điện để đạt tối đa khả năng khai thác.
Thứ trưởng Hưng cho biết, tỷ trọng thủy điện trong cơ cấu nguồn của Việt Nam hiện nay tương đối lớn lên tới khoảng 40% và dự kiến đạt tương ứng khoảng 36% và 25% vào các năm 2015 và 2020. Vì vậy, công tác vận hành hệ thống điện sẽ phải đối mặt với những khó khăn và thách thức liên quan tới công tác quản lý, phối hợp hài hòa và vận hành tối ưu các nhà máy thủy điện, đặc biệt là các nhà máy thủy điện trên cùng bậc thang nhằm đáp ứng các mục tiêu phát điện, tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống lũ hạ du đồng thời đáp ứng các tiêu chí liên quan tới môi trường.
Năng lượng hiện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia. Tại Việt Nam, mức tiêu thụ năng lượng năm 2013 khoảng 57 triệu tấn dầu qui đổi (Mtoe) và dự báo mức tiêu thụ năng lượng sẽ tiếp tục gia tăng ở mức cao, khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2020 và xấp xỉ 5% trong giai đoạn 2020-2030. Trong đó, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện, mặc dù có chậm lại do ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng từ 12%-15% trong giai đoạn 2011-2020 và khoảng 10% trong giai đoạn 2021-2030.
Uyên Lê