Sếp Toyota: Trong dài hạn, Việt Nam vẫn là thị trường ôtô tiềm năng
Theo ông Yoshihisa Maruta - Tổng Giám Đốc Toyota Việt Nam, nếu nhìn về tương lai dài hạn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn hết sức tiềm năng...
Chia sẻ tại tọa đàm về chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam mới đây, ông Yoshihisa Maruta - Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) kiêm Tổng Giám Đốc Toyota Việt Nam cho biết, vấn đề của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là những vấn đề rất rõ ràng.
Theo đó, ông Maruta nhận định, vấn đề của Việt Nam ở đây là ngành sản xuất trong nước chưa kịp phát triển, chưa đủ sức cạnh tranh đã gặp vấn đề về nhu cầu. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần đặt mục tiêu bảo vệ ngành sản xuất trong nước phát triển cho đến khi đạt được quy mô thị trường.
Kinh nghiệm đã cho thấy, để mở rộng thị trường, trước tiên cần phải có biện pháp kích cầu. Sau khi thị trường đã phát triển, Chính phủ mới áp dụng các chính sách thuế để duy trì cạnh tranh.
“Làm thế nào để thị trường phát triển ổn định và bền vững? Điều này cần thời gian, sự kiên trì và tránh nóng vội. Cần ưu tiên bảo vệ ngành sản xuất trong nước cho đến khi thị trường phát triển” – ông Maruta nói.
Theo ông Maruta, nếu nhìn về tương lai dài hạn, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn hết sức tiềm năng. Điểm mạnh của Việt Nam là quốc gia có kết cấu dân số vàng với quy mô dân số khoảng 90 triệu người và đang hướng đến gần 100 triệu người.
Toyota hi vọng, trong giai đoạn từ 2025-2030 có thể phổ cập ô tô tại Việt Nam. Về lâu dài, thị trường ôtô Việt Nam có thế phát triển với quy mô tương đương thị trường ôtô Thái Lan.
Theo lộ trình, để thị trường phát triển được như mong muốn, đến năm 2018 Việt Nam phải đưa thuế nhập khẩu ôtô về 0%. Trong đó, những chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển trong nước đóng vai trò quan trọng.
Trong khối ASEAN, Thái Lan, Malaysia cũng có những chính sách như vậy. Chẳng hạn, Chính phủ Thái Lan ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt để hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô. Tại Việt Nam, nhờ những chính sách của Chính phủ trong thời gian qua, thị trường ô tô đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Trong khi đó, đánh giá về mức độ cạnh tranh của ôtô trong nước so với các nước lân cận, TGĐ Toyota Việt Nam cho rằng, chi phí sản xuất sẽ quyết định sản lượng. Sản lượng ở đây không phải là sản lượng chung của tất cả các mẫu xe mà là sản lượng của từng dòng xe một có ảnh hưởng đến chi phí sản xuất. Bởi mỗi mẫu xe khác nhau có nguyên liệu phụ tùng khác nhau.
Lời giải chung cho bài toán công nghiệp ôtô là giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, tăng dung lượng thị trường, qua đó tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm.
“Tại sao các nhà sản xuất tại Việt Nam chưa nâng cao được tỷ lệ nội địa hóa? Thị trường ô tô là thị trường cạnh tranh rất gay gắt, từng nhà sản xuất đều đang nỗ lực giảm chi phí, giảm giá thành thông qua nâng tỷ lệ nội địa hóa. Tuy nhiên, với sản lượng hiện tại, rất khó cho doanh nghiệp nâng được tỷ lệ nội địa hóa” - ông Maruta chia sẻ.
Cũng tại tọa đàm, thay mặt Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, ông Maruta cho biết, các nhà sản xuất VAMA đều mong muốn tiếp tục duy trì sản xuất xe tại Việt Nam. Dự kiến trong tháng 5 tới, VAMA sẽ gửi một số kiến nghị về chính sách của các thành viên VAMA lên chính phủ Việt Nam.
Nêu quan điểm về những kiến nghị của ông Yoshihisa Maruta, Thứ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là những kiến nghị về chính sách và sẽ được Bộ Công thương nghiên cứu một cách chi tiết và kỹ lượng.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ, việc điều chỉnh chính sách cần tôn trọng nguyên tắc thị trường và các yếu tố phát triển dung lượng thị trường; cũng như tác động đến các ngành công nghiệp khác.
“Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh gay gắt của ngành ôtô toàn cầu thì những chính sách của Chính phủ là rất quan trọng trong việc quy hoạch chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam” – Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
>>>Q&A: Toàn cảnh bức tranh ngành công nghiệp ôtô Việt Nam
Nguyệt Quế