"Số liệu về XNK của Trung Quốc không hẳn là đúng"
Số liệu XNK của Việt Nam có sự chênh lệch lớn với thống kê của phía Trung Quốc là chủ đề làm nóng nghị trường và dư luận thời gian qua.
-
VND mất giá 2% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng và chỉ số giá sản xuất (PPI) ở chu kỳ đầu tiên tăng lên 0,45%, chu kỳ sản xuất tiếp theo tăng lên 0,65%, tổng ảnh hưởng 1,1% và tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế có thể bị giảm 1,2-1,6%.
-
Có nên học tập Hàn Quốc, dân góp tiền xử lý nợ xấu?
Một số ý kiến tỏ ra nghi ngờ số liệu được cơ quan thống kê Việt Nam công bố, thậm chí “đổ tội” cho hàng nhập lậu. Phóng viên đã phỏng vấn chuyên gia thống kê Bùi Trinh xung quanh vấn đề này.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc, năm 2014 thâm hụt thương mại Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỉ USD, cao hơn so với con số 29,8 tỉ mà chúng ta công bố (chênh lệch gần 15 tỉ USD). Thưa ông, số liệu thống kê từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc có đáng tin?
Tôi muốn nói rõ số liệu về thống kê XNK của Việt Nam hoàn toàn thu thập từ cơ quan Hải quan, cơ quan thống kê không “chế” ra những con số này. Số liệu về XNK giữa 2 quốc gia luôn luôn có sự vênh nhau, bất kỳ là quốc gia nào, đặc biệt số liệu giữa Trung Quốc và các nước ASEAN. Số liệu XK, NK giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có những năm sự chênh lệch còn lớn hơn nhiều, nhưng theo xu hướng ngược lại (báo cáo của Trung Quốc nói thấp, phía Hoa kỳ nói cao hơn nhiều, đến 75 tỉ USD).
Ngay cả số liệu GDP của Trung Quốc cũng luôn luôn có 2 con số là GDPe (GDP tính theo phương pháp chi tiêu) và GDPp (GDP tính theo phương pháp sản xuất). Như vậy nếu coi con số của phía Trung Quốc là hoàn toàn chính xác cũng không hẳn đúng.
Trong cả giai đoạn 2001-2012, số liệu về cán cân thương mại giữa 2 quốc gia luôn rất khác nhau. Sự chênh lệch này chủ yếu là do số liệu từ Trung Quốc công bố cao hơn của Việt Nam. Ví dụ năm 2010 chênh 3,6 tỉ USD và năm 2011 là 4,7 tỉ USD. Nhưng năm 2014 chênh lêch giữa báo cáo của Trung Quốc và Việt Nam lên đến 20 tỉ USD là một hiện tượng đột biến cần được lý giải.
Về nguyên tắc cả XNK của Trung Quốc và Việt Nam đều đã bao gồm cả XK, NK chính ngạch và tiểu ngạch với nguyên tắc theo nước xuất xứ, hoặc chứng nhận xuất xứ. Cơ quan thống kê Việt Nam cũng như Trung Quốc đều thu thập số liệu chính thức từ cơ quan Hải quan, riêng phía Việt Nam trước khi công bố số liệu ước tính, số liệu sơ bộ hay số chính thức đều có thống nhất giữa Tổng cục Thống kê, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước...
Việc chênh lệch số liệu này không hoàn toàn do xuất lậu hay nhập lậu mà còn do nguyên tắc xác định xuất xứ của mỗi nước không hoàn toàn giống nhau. Nhưng nguyên nhân lớn hơn cả, theo tôi, là do sự áp giá của mỗi nước khác nhau, có nhiều vấn đề mà hầu như người ta tránh không đề cập đến khiến giá trị NK của một nước bị làm giảm đi và giá trị XK của nước khác được làm tăng lên. Những mặt hàng NK chịu thuế NK khá cao hoặc chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt có thể được làm giảm giá trị chăng.
Nếu thật sự có chênh lệch lớn số liệu XNK giữa cơ quan thống kê hai nước thì kinh tế Việt Nam đang gặp những vấn đề gì, thưa ông?
Chênh lệch số liệu XNK cần có một nhóm công tác giữa hai nước để xem xét vì từ những số liệu này có thể dẫn đến những đánh giá sai lệch về nền kinh tế thực sự của mỗi nước. Chẳng hạn nếu năm 2014 Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc thêm 15 tỉ USD thì năm đó Việt Nam không thể có xuất siêu và cũng không thể có tăng trưởng và như vậy bức tranh về kinh tế vĩ mô hoàn toàn khác.
Nhưng nhìn nền kinh tế từ phía cung có thể thấy việc tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2014 rõ ràng là tích cực. Chứng minh bằng phản chứng như vậy có thể thấy số liệu về XNK của Trung Quốc cũng không hẳn đã đúng.
Gần 15 năm nay, Việt Nam liên tục nhập siêu với Trung Quốc với tốc độ nhập siêu tăng rất mạnh. Ông bình luận gì về vấn đề này?
Trong quan hệ thương mại giữa hai nước, Việt Nam luôn nhập siêu từ Trung Quốc suốt từ năm 2001 đến nay và ngày càng lớn. Năm 2001 nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc chỉ là 189 triệu USD, đến năm 2013 nhập siêu đã xấp xỉ 24 tỉ USD. Việt Nam NK từ Trung Quốc gần 60% nguyên vật liệu cho sản xuất, hơn 30% cho máy móc thiết bị, khoảng 10% cho tiêu dùng cuối cùng.
Với nền kinh tế cơ bản là gia công mà các chính sách vẫn hướng vào công nghiệp thì việc phụ thuộc vào NK nguyên vật liệu đầu vào và máy móc thiết bị là không thể tránh khỏi. Phát triển công nghiệp phụ trợ dường như vẫn chỉ là khẩu hiệu, hầu như chưa có một chính sách nào cụ thể thực sự khuyến khích cho vấn đề này.
Điều cần phải tính tới là khi Việt Nam tham gia hội nhập sâu với thế giới có thể chính Trung Quốc lại là nước hưởng lợi từ vấn đề này. Chẳng hạn hàng hóa Trung Quốc được nhập bởi các DN FDI của Trung Quốc, sau một hồi những hàng hóa này có xuất xứ Việt Nam và XK sang nước thứ 3 với mọi ưu đãi như Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại.
Với cơ cấu NK lớn như vậy, liệu Việt Nam có tránh được việc lệ thuộc vào Trung Quốc, thưa ông?
Nhiều ý kiến đầy cảm xúc cho rằng cần tránh lệ thuộc vào Trung Quốc, nhưng với cấu trúc và định hướng kinh tế như hiện nay, nếu không NK từ Trung Quốc thì cũng phải nhập từ một nước khác nếu muốn sản xuất. Tại sao lại NK từ Trung Quốc? Cơ bản có hai lý do: Một là do giá rẻ, hai là do chi phí vận chuyển thấp do khoảng cách địa lý gần.
Đầu ra của những sản phẩm được sản xuất bởi đầu vào nhập từ Trung Quốc có thể được bán trong nước hoặc XK. Nếu những sản phẩm này được bán trong nước, các DN có thể có lợi nhuận và góp phần làm giá thành sản xuất thấp do giá đầu vào thấp, điều này cùng với NK trực tiếp cho tiêu dùng góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hạ nhiệt trong những năm qua.
Nhưng khi người tiêu dùng trong nước mua những sản phẩm này thì thực chất cũng là sử dụng hàng NK trá hình do giá trị của phía Việt Nam trong sản phẩm chỉ là giá trị gia công. Nếu những sản phẩm này được XK thì phía Việt Nam cũng đóng góp vào chuỗi giá trị của sản phẩm rất ít (chỉ là phần gia công) và bản chất XK những sản phẩm này cũng là XK hộ Trung Quốc (hoặc nước khác).
Xin cảm ơn ông!