Sôi động các thương vụ M&A trong lĩnh vực bán lẻ
Thị trường bán lẻ Việt Nam từ cuối năm 2015 đến nay sôi động bởi các thương vụ mua bán, sáp nhập lớn (M&A) thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
- 27-01-2016Hoạt động M&A bất động sản sôi động đầu năm 2016
- 27-01-2016Đằng sau các vụ M&A tỷ đô của ngành dược phẩm
- 14-01-2016Quyền lợi của khách hàng được bảo vệ đến đâu khi ngân hàng M&A?
- 13-01-2016Bloomberg: M&A ở Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm 2016 nhờ doanh nghiệp ngoại
- 12-01-2016Cổ phiếu ngành nhựa sẽ "phất" nhờ M&A?
Theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, kể từ tháng 1/2015, Việt Nam chính thức cho phép thành lập các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài.
Thêm vào đó, việc Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức đi vào hoạt động kể từ 2016 sẽ cho phép các dòng tài nguyên, hàng hóa, vốn, nhân lực… di chuyển tự do và thuận lợi trong khối. Chưa kể tới việc Hiệp định TPP sẽ được ký kết trong năm 2016 với hơn 10.000 loại hàng hóa trong 12 nước thành viên sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan đã tạo điều kiện cho thị trường bán lẻ Việt Nam cạnh tranh và phát triển.
Hiện các kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam chỉ chiếm 25% thị phần, thấp hơn các nước trong khu vực như Philippines 33%, Thái Lan 34%, Trung Quốc 51%, Malaysia 60% và Singapore lên đến 90%.
Dự kiến đến năm 2020 Việt Nam sẽ nâng tỉ lệ kênh bán lẻ hiện đại lên mức 45%. Chính vì vậy mà thị trường bán lẻ Việt Nam là “mảnh đất màu mỡ” để đầu tư.
Mới đây, tập đoàn bán lẻ của Thái Lan Berli Jucker (BJC - đơn vị đã mua lại hệ thống Metro Cash&Carry cuối năm 2015) tuyên bố dự định sẽ mua tiếp bộ phận kinh doanh của tập đoàn bán lẻ Pháp Groupe Casino tại Việt Nam - đang sở hữu hệ thống hơn 30 siêu thị Big C trên cả nước. Điều này cho thấy sự kỳ vọng và tham vọng "cắm rễ" sâu của người Thái vào thị trường bán lẻ của Việt Nam.
Trong khi đó, Tập đoàn Dairy Farm của Singapore và Lotte Shopping của Hàn Quốc sẽ tham gia vào cuộc đua để sở hữu hệ thống Big C tại Việt Nam và Thái Lan của Tập đoàn Casino (Pháp).
Cả 2 nhà đầu tư tiềm năng mới xuất hiện đều được đánh giá cao về tiềm lực tài chính. Dairy Farm là tập đoàn bán lẻ lớn thứ 2 tại Singapore và Hong Kong với việc sở hữu hàng loạt thương hiệu như 7-Eleven, Cold Storage, Guardian, Wellcome Giant, Hero... Doanh thu năm 2014 của đơn vị này vào khoảng 13 tỉ USD. Trong khi đó, Lotte Shopping là chuỗi trung tâm mua sắm tổng hợp lớn nhất Hàn Quốc cũng đạt doanh số 23 tỉ USD với mức lợi nhuận 509 triệu USD trong năm 2014.
Một nguồn tin khác cho biết, Tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Aeon Co Ltd cũng đang cân nhắc đề nghị về việc tham gia cuộc đua này.
Các DN bán lẻ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hiện chiếm khoảng hơn 40% trong số hơn 800 siêu thị tại Việt Nam.
Điểm mặt hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, bán lẻ của Việt Nam, đáng kể có: Co-opmart với 77 siêu thị, Fivimart với 20 siêu thị tại Hà Nội, Citimart có 27 siêu thị chủ yếu tại TPHCM, hệ thống Hapro với hơn 20 cửa hàng…
Vinmart “sinh sau đẻ muộn”, nhưng lại có tốc độ phát triển nhanh chóng, nhất là sau thương vụ mua lại Ocean Retail của Tập đoàn Đại Dương, đã nâng số siêu thị của Vinmart lên con số 19 và 56 cửa hàng tiện ích trên khắp cả nước.
Trong khi đó, ở phân khúc các DN nước ngoài đang hoạt động thành công tại Việt Nam có thể kể đến hệ thống siêu thị bài bản và khá hút khách như Big C, Lotte Mart, Metro Cash&Carry, Aeon… và chuỗi các cửa hàng tiện lợi như Circle K của Mỹ với hơn 100 cửa hàng, Shop&Go của Singapore với hơn 120 cửa hàng, B’s mart của Thái Lan với khoảng 100 cửa hàng…
Không chỉ những đại gia bán lẻ ngoại mới sử dụng M&A để thâm nhập thị trường, mà trong nước, Vingroup cũng đang thông qua M&A để nhảy vào thị trường bán lẻ.
Vừa qua, vụ việc Vingroup mua lại 100% cổ phần của hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị Maximark thuộc CTCP Đầu tư An Phong đã thu hút sự quan tâm của dư luận, nhất là khi thời gian đàm phán và hoàn tất thương vụ này chỉ kéo dài trong 2 tuần.
Tính đến thời điểm này, Vingroup đã liên tiếp thực hiện các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực bán lẻ. Trước đó, CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) chính thức công bố bán 70% cổ phần mảng bán lẻ và quản lý bất động sản cho Vingroup và đổi tên chuỗi siêu thị từ Ocean Mart thành Vinmart.
Tiếp đó, Vingroup tiếp tục mua lại 100% cổ phần của Vinatexmart thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) với giá trị 229,5 tỉ đồng. Với thương vụ này, Vingroup đã sở hữu toàn bộ hệ thống chuỗi siêu thị Vinatexmart với 39 cửa hàng.
Vingroup còn thực hiện thương vụ mua lại 80% cổ phần (tương đương 245 tỉ đồng) Công ty Hợp Nhất và đổi tên thành công ty Vinlinks, với mục đích cung cấp dịch vụ giao nhận và chuyển phát nhanh cho Vingroup, nhất là các đơn vị hoạt động trong mảng bán lẻ.
Báo Chính Phủ