Sóng M&A sẽ “quét” mạnh vào ngành bán lẻ và tiêu dùng
Nhiều đại gia ngoại đang tiếp tục nhòm ngó các DN bán lẻ và sản xuất hàng tiêu dùng. Dự báo trong thời gian tới, đây vẫn sẽ là hai ngành hàng có sức hút mạnh mẽ nhất trong làn sóng M&A.
- 25-07-2015Ngành bán lẻ sẽ dẫn dắt thị trường M&A 2015
- 23-07-2015Doanh nghiệp nhỏ trên thị trường M&A: Sức hút mới với DN nội
- 23-07-2015M&A nửa đầu 2015: Kẻ ồn ào, người kín tiếng
- 16-07-2015Thị trường M&A Việt Nam 2015: Chờ đón sự bùng nổ!
Nội dung nổi bật:
- Hoạt động mua bán, sáp nhập nửa đầu năm 2015 được “dẫn dắt” bởi các thương vụ đình đám trong ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng.
- Các nhà đầu tư nhắm vào hai lĩnh vực này để “đón đầu” cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN.
- Dự báo thời gian tới, M&A bán lẻ và hàng tiêu dùng tiếp tục đón nhận những “cá mập” với các nhà đầu tư đến từ Mỹ, Nhật Bản.
Nửa đầu năm 2015, thị trường bán lẻ và tiêu dùng dậy sóng khi hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập diễn ra. Trong đó, nổi lên là những thương vụ mua bán hệ thống các siêu thị có trị giá hàng triệu USD, được xem là dẫn dắt thị trường M&A năm 2015.
Dồn dập sóng lớn
Các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc nổi lên với hàng loạt thương vụ. Điển hình là việc Aeon cùng lúc mua lại 30% cổ phần Fivimart và 49% của Citimart. Hay Lotte đến từ Hàn Quốc cũng đã bất ngờ công bố nắm quyền điều hành Trung tâm thương mại Diamond Plaza khi sở hữu 70% cổ phần.
Mảng bán lẻ điện máy cũng sôi động không kém, khi Power Buy thuộc Tập đoàn bén lẻ Central Group của Thái Lan đã mua lại 49% lợi ích của hệ thống điện máy Nguyễn Kim.
Không dừng lại ở đó, Central Group được cho là đã mua lại hệ thống siêu thị điện máy Pico. Mặc dù những người trong cuộc chưa lên tiếng chính thức, hoặc thậm chí là phủ nhận. Song theo thông tin từ giới kinh doanh điện máy “bật mí” với phóng viên, thì Pico đã “về tay” Central.
Tại điện máy Trần Anh, tập đoàn Nojima đến từ Nhật Bản cũng nâng sở hữu lên 31% sau khi mua lại từ một quỹ nước ngoài khác.
Tập đoàn Phú Thái cũng đang tiến hành thương lượng để bán 19% của công ty bán lẻ thời trang Kowil (sở hữu các thương hiệu Owen, Winny) cho một đối tác Nhật Bản,
Cùng với đó, thị trường M&A còn có sự góp mặt của các DN nội. Vingroup tiếp tục có thêm nhiều động thái để gia tăng vị thế trong ngành bán lẻ cũng như mua lại một số doanh nghiệp sở hữu mặt bằng đăc địa.
Sau khi mua lại hệ thống Ocean Mart và đổi tên thành VinMart, Vingroup tiếp tục mua lại hệ thống bán lẻ Vinatex Mart đồng thời cho ra mắt hệ thống bán lẻ điện máy mang tên VinPro.
Mặc dù không sôi động như bán lẻ, song hoạt động M&A trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng cũng có nhiều thú vị. Câu chuyện xoay quanh thương hiệu bánh kẹo Bibica hấp dẫn không kém, khi PAN Food dù đang giữ 21,13% cổ phần, vẫn tiếp tục mua thêm để nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%.
Trong ngành sữa, VinaCapital và Daiwa PI Partners mua 70% cổ phần của Sữa Quốc tế (IDP) với giá 45 triệu USD. Một doanh nghiệp của Indonesia cũng đang thương thảo để mua lại một doanh nghiệp sữa trong nước.
Cuối tháng 6 vừa qua, Kinh Đô đã hoàn tất bán lại 80% cổ phần của mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mondelez, thu về gần 7.800 tỷ đồng.
Trao đổi riêng với phóng viên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho rằng sóng M&A “quét” mạnh vào hàng tiêu dùng và bán lẻ, là nhằm “đón đầu” cơ hội khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do, và sự hình thành Cộng đồng kinh tế Asean vào cuối năm nay.
Sẽ bùng nổ nhờ “hàng khủng”?
Với một thị trường có tới 90 triệu dân, đa phần là dân số trẻ với thu nhập ngày càng tăng, Nielsen đánh giá ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam có tốc độ tăng trường nhanh nhất châu Á.
Đáng chú ý, có tới hơn 80% doanh số bán hàng tiêu dùng vẫn đến từ kênh thương mại truyền thống. Do đó, bán lẻ hiện đại vẫn luôn được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Tuy nhiên, những rào cản để thâm nhập vào thị trường khiến các nhà bán lẻ gặp không ít khó khăn.
Với yêu cầu kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT), ông Phú cho rằng các ông lớn ngoại dù có nhiều tiềm lực tài chính, kinh nghiệm, song ENT đã hạn chế khả năng mở chuỗi của nhà đầu tư ngoại.
“Tiêu chuẩn ENT khắc nghiệt nên các nhà đầu tư nước ngoài tìm cách lách bằng M&A. Đây là lựa chọn thông minh khi nhảy vào Việt Nam, vừa tránh rào cản, vừa không phải tốn nhiều nguồn lực mở chuỗi mà vẫn có thể thâm nhập sâu vào thị trường”- Ông Phú bình luận.
Cũng theo thông tin từ vị này, sắp tới sẽ có nhiều nhà bán lẻ “khủng” sẽ nhảy vào thị trường.
Riêng với bán lẻ điện máy, M&A trong thời gian tới sẽ còn sôi động hơn theo ý kiến của ông Ngô Thành Đạt, Giám đốc Marketing hãng điện máy Trần Anh.
Bởi để tồn tại, các nhà bán lẻ điện máy đều muốn bắt tay với hãng ngoại để nâng sức cạnh tranh, nên chuyện M&A chỉ là một sớm một chiều.
Cũng theo thông tin mà vị này chia sẻ với phóng viên, thì M&A trong thời gian tới sẽ là sự góp mặt của nhiều “hàng khủng”. Đáng chú ý là sẽ có những nhà đầu tư tư đến từ Mỹ, Nhật Bản để tận dụng Hiệp định TPP.