Sửa Hiến pháp là cơ hội lịch sử
Chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục thảo luận về tất cả vấn đề, kể cả những nội dung lâu nay bị coi là nhạy cảm.
Hôm nay 27-5, QH sẽ thảo luận tại tổ về kết quả tổng hợp, tiếp thu ý kiến nhân dân góp ý cho dự thảo Hiến pháp (HP).Pháp Luật TP.HCMghi nhận góc nhìn của một số đại biểu QH về vấn đề này.
Chúng ta có bốn bản HP và kèm theo đó là nhiều lần sửa đổi nhưng có lẽ chưa bao giờ người dân lại tham gia ý kiến về HP nhiều như lần này. Trong quá trình xây dựng bản thảo, là người trong cuộc (ĐBQH Dương Trung Quốc là thành viên Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi HP 1992 - PV), tôi thấy Ban Biên tập với thành phần gồm nhiều chuyên gia, học giả ở nhiều ngành, lĩnh vực đã rất tích cực, cố gắng tiếp thu tối đa các luồng quan điểm lớn của người dân về những vấn đề lớn của HP. Điều đó thể hiện ở dự thảo tháng 4 mà báo chí đã giới thiệu, phản ánh. Lần đầu tiên, nhiều vấn đề quan trọng, từ tên nước, chuyện nền tảng liên minh giai cấp, đến bảo đảm thực thi quyền con người... đã thể hiện thành các phương án với lập luận khá chặt chẽ.
Tuy nhiên, đến dự thảo mới nhất trình QH, đã bỏ bớt phương án trong một số vấn đề.
Cá nhân tôi, trong lần sửa đổi HP này có tham gia vào tổ biên tập Lời nói đầu. Ý kiến của tôi có một số nội dung không cần nhắc lại trong bản HP, chẳng hạn như bản thân Chủ nghĩa Mác-Lênin đã nằm trong nội hàm về nền tảng tư tưởng của Đảng rồi, không cần thiết đưa vào HP. Những ý kiến như vậy, mới đầu khi thảo luận trong Ban Biên tập, anh em cho rằng quá nhạy cảm, khó được chấp thuận. Thế mà đến dự thảo tháng 4, quan điểm ấy đã được thể hiện như một phương án Lời nói đầu. Dự thảo mới nhất đang trình QH, phương án ấy không còn mà chỉ được coi là “ý kiến khác” nhưng tất cả cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục thảo luận về tất cả vấn đề, kể cả những điều lâu nay bị coi là nhạy cảm.
Tôi nhận thức rằng sửa đổi HP là một cơ hội lịch sử, ít nhất như lần sửa lớn này hơn 20 năm mới có và sẽ tác động tới vài chục năm tới. Coi đó là cơ hội thì phải tận dụng nó, để nhân dân được thảo luận tất cả vấn đề của HP một cách rộng rãi nhất, dân chủ nhất.
Để làm được như vậy, có lẽ nên khắc phục ba vấn đề - đều là quyền của người dân đang bị treo. Một là quyền tự do hội họp, biểu tình - để người dân được bộc lộ hết quan điểm của mình. Hai là quyền tự do lập hội, để mọi người chia sẻ suy nghĩ, tình cảm với nhau, qua đó phản ánh nguyện vọng của từng nhóm xã hội. Ba là quyền được trưng cầu dân ý, để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và để Nhà nước định lượng được tâm tư nguyện vọng người dân trước những vấn đề hệ trọng của đất nước.
Cần kiên trì thảo luận, thuyết phục… Tham gia Ban Biên tập, tôi thấy cải cách HP ở ta là quá trình tranh luận, thuyết phục khó khăn, cần sự kiên trì. Đã có lúc, những vấn đề rất lớn như xác định lại vị trí của Ủy ban Thường vụ QH để chuyển quyền giải thích luật sang tòa án, giải thích HP sang Hội đồng HP được đưa ra như một phương án chính thức. Nhưng đến nay dự thảo mới nhất lại giữ nguyên về cơ bản cơ chế vận hành quyền lực nhà nước của HP 1992. Thực tế, những vấn đề như thế, nếu thảo luận chỉ dưới góc độ khoa học về tổ chức quyền lực thì dễ thống nhất. Nhưng đặt vào thể chế chính trị đặc thù Việt Nam thì lại cần xem xét lại tổng thể các nguyên tắc vận hành của nền chính trị. Ngay như ba nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp, Đại hội XI đã nhấn mạnh là cần phân công rạch ròi hơn, phối hợp tốt hơn và có kiểm soát quyền lực. Nhưng từ đó đến nay, quan điểm mang tính định hướng ấy chưa được thảo luận kỹ lưỡng để đi đến nhận thức thống nhất về mô hình tổ chức mới. Cải cách HP vì vậy rất khó khăn. Nhưng HP vẫn đang trong quá trình thảo luận để cuối năm QH mới quyết định thông qua. Tôi nghĩ vẫn còn cơ hội để các nhà chuyên môn xây dựng cơ sở lập luận của mình để thuyết phục các nhà chính trị về một bản HP mới, tiến bộ, mở ra giai đoạn phát triển mới của đất nước. PGS-TSTRẦN VĂN ĐỘ, Phó Chánh án TAND Tối cao, ĐBQH tỉnh An Giang, thành viên Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi HP Chính phủ giữ nguyên các kiến nghị về HP Các kiến nghị của Chính phủ (CP) về phần chức năng, nhiệm vụ hành pháp đã không được tiếp thu đưa vào bản Dự thảo HP sửa đổi trình QH. Vậy CP có cách thức nào để thuyết phục QH không? Trả lời câu hỏi này của PV tại cuộc họp báo ngày 26-5, Chủ nhiệm Văn phòng CP Vũ Đức Đam nói: Thực hiện ý kiến của trung ương và các nghị quyết của QH, CP đã tiến hành rất nghiêm túc việc tổng kết HP 1992 và góp ý vào việc sửa đổi HP. CP đã góp ý toàn diện tất cả nội dung, trong đó nội dung liên quan đến tổ chức CP được thảo luận kỹ hơn. Đối với những vấn đề mới, CP tiến hành tổ chức lấy ý kiến từ dưới lên và thảo luận nhiều lần. CP đã bàn bạc, thống nhất và biểu quyết tập thể theo đúng nguyên tắc về từng nội dung của bản kiến nghị về HP. Tổng hợp các ý kiến từ dưới trình lên, cộng với kết quả bỏ phiếu trong CP đã được gửi tới Ủy ban Dự thảo HP sửa đổi. Nếu CP có thay đổi quan điểm nào cũng phải lấy ý kiến lại. Cho đến giờ phút này, CP chưa có cuộc thảo luận nào để xem xét ý kiến của mình có thay đổi không. |