MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức hút thị trường Nga từ FTA giữa Việt Nam – Liên minh hải quan

Các thành viên đoàn đàm phán hai bên đang hết sức nỗ lực thúc đẩy quá trình tham vấn nội bộ, tổ chức đàm phán giữa kỳ nhằm phấn đấu đạt mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định vào cuối năm 2014.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Xuất khẩu 2014 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh – ITPC tổ chức ngày 12/09/2014 tại Tp. Hồ Chí Minh, Ông Kapustkin Nikolay – Phó đại diện Thương mại, Trưởng chi nhánh cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết các mặt hàng truyền thống của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao ở thị trường Nga. Tới đây khi FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan được ký kết, với quy mô và đặc tính của mình Nga kỳ vọng sẽ trở thành thị trường hấp dẫn với doanh nghiệp Việt.
  
FTA Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan

Được khởi động đàm phán chính thức từ tháng 3/2013 tại Hà Nội, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus- Kazakhstan đến nay 2 bên đã trải qua 6 vòng đàm phán, dự kiến sẽ kết thúc đàm phán vào cuối năm 2014.

Hai bên nhất trí phạm vi và lĩnh vực điều chỉnh của Hiệp định sẽ bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, các quy tắc, hợp tác kinh tế và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm, dựa trên nguyên tắc linh hoạt, vì các mục tiêu phát triển, cân bằng giữa nhu cầu và lợi ích theo thông lệ quốc tế chung và quy định của WTO.

Theo ITPC, cho đến hết  phiên 6, diễn ra 16/6 – 20/6/2014 tại Sochi, Nga, hai bên đã thống nhất được lời văn các chương của Hiệp định như: Thương mại hàng hóa, Cạnh tranh, Các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), công nghệ điện tử trong thương mại, phát triển bền vững, mua sắm Chính phủ.

Hiện nay, những nội dung còn lại chủ yếu gắn với đàm phán mở cửa thị trường hàng hóa (Phòng vệ thưong mại, Quy tắc xuất xứ, Hợp tác hải quan và Sở hữu trí tuệ), dịch vụ,  đầu tư và các vấn đề về pháp lý – thể chế.

Các thành viên đoàn đàm phán hai bên đang hết sức nỗ lực thúc đẩy quá trình tham vấn nội bộ, tổ chức đàm phán giữa kỳ nhằm phấn đấu đạt mục tiêu kết thúc đàm phán Hiệp định vào cuối năm 2014. Phiên thứ 7 dự kiến tổ chức trong tháng 9 này tại Nga.    

Thương mại Việt – Nga vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng           

Đến đến thời điểm tháng 7/2014, kim ngạch thương mại Việt - Nga đạt 1,52 tỷ USD, so với tổng  kim ngạch thương mại của hai nước còn khiêm tốn, chiếm khoảng 1% kim ngạch thương mại của Việt Nam và khoảng 0,25% của Nga.

Tuy nhiên, xuất khẩu từ Việt Nam vào Nga tăng liên tục, năm 2013 đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2010 – chỉ đạt 830 triệu USD. Và từ năm 2011 trở lại đây Việt Nam duy trì được thặng dư thương mại với Nga.

Những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nga bao gồm điện thoại và linh kiện (chiếm khoảng trên 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga), máy vi tính và sản phẩm điện tử, hàng dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, hạt điều, gạo, rau quả.

Hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga chủ yếu thông qua con đường phi mậu dịch và tiểu ngạch qua cộng đồng người Việt đang làm việc tại Nga (lực lượng kinh doanh chiếm tới 80% hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Nga hiện nay).

Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ Nga xuất sang Việt Nam thực hiện thông qua con đường chính ngạch và một bộ phận thông qua việc xuất khẩu trực tiếp của các doanh nghiệp và cá nhân Việt Nam làm việc tại Nga.

ITPC cho rằng do hạn chế thông tin giữa hai thị trường trong khi các đối tác Việt Nam và Nga thường thiếu vốn mà giá cả và điều kiện thị trường tín dụng thương mại ở Nga còn khá đắt đỏ và phức tạp đã ảnh hưởng đáng kể tới tăng trưởng kim ngạch mậu dịch hai nước.

Sức hút thị trường Nga

Khi gia nhập WTO Nga cam kết mở cửa thị trường dịch vụ với 11 lĩnh vực và 116 tiểu lĩnh vực dịch vụ, trong đó:

Viễn thông: xóa bỏ hạn chế tỷ lệ cổ phần nước ngoài ở mức 49% sau 3 năm gia nhập;

Bảo hiểm: doanh nghiệp nước ngoài được mở chi nhánh sau 9 năm;

Ngân hàng: nước ngoài được thành lập ngân hàng con, không hạn chế tỷ lệ cổ phần nước ngoài tại từng ngân hàng, nhưng tống vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng không quá 50%.

Đặc biệt trong lĩnh vực phân phối, Nga cho phép doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia vào bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương hiệu ngay sau khi gia nhập WTO.

Với dân số lên đến 143 triệu người, thị trường Nga được đánh giá có mức tiêu dùng lớn và ổn định, trong khi năng lực sản xuất chỉ đáp ứng được khoảng 20-25% nhu cầu hàng tiêu dùng trong nước. Tổng thu nhập quốc nội của Nga xếp vào vị trí thứ 7 trên thế giới và đạt 2.200 tỷ USD (tính theo sức mua), thu nhập bình quân đầu người 15.800 USD/người.Vì  vậy, thị trường Nga được đánh giá là thị trường xuất khẩu triển vọng.

Do điều kiện về các cơ cấu kinh tế, chi phí sản xuất cũng như các khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cho nên nhu cầu các sản phẩm tiêu dùng như hàng dệt may, da giày, hàng thủ công mỹ nghệ, thực phẩm chế biến sẵn, sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, vật liệu xây dựng của Nga là rất lớn. Đây lại chính là các mặt hàng Việt nam rất có lợi thế cạnh tranh.

Đặc điểm của thị trường Nga rất ưa chuộng nhiều sản phẩm tiêu dùng đến từ các nước châu Á do giá rẻ và chủng loại phong phú. Hơn nữa thị trường Nga không đòi hỏi chất lượng cao như các thị trường EU, Mỹ hay Nhật Bản.

Ngoài ra, nếu phát huy được vai trò cộng đồng người Việt tại Nga khá đông đảo sẽ là một lợi thế cực kỳ to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn kinh doanh ở thị trường Nga.

Nếu kết thúc được FTA với Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga-Belarus- Kazakhstan, Việt Nam sẽ khai thác thị trường Liên minh Hải quan và trở thành nước đầu tiên ngoài SNG có FTA với khu vực này, có  lợi thế người đến đầu tiên. Ít nhất 80% hàng hóa vào Nga sẽ được miễn thuế. Hàng tiêu dùng sẽ hưởng lợi lớn do Nga không tập trung nhiều vào các ngành công nghiệp này và hài hòa được các quy định về TBT, SPS, Hải quan....

Cuối cùng, số lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam chưa bằng 1% tổng số người Nga đi du lịch nước ngoài hằng năm. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2013 có 298.000 lượt khách Nga đến Việt Nam, tăng hơn 6 lần so với trước đó 5 năm.

Trong 4 tháng đầu năm 2014 đã có 155.000 lượt du khách Nga đến Việt Nam, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2013.

Bình quân mỗi du khách Nga chi gần 1.500 USD/chuyến du lịch, trong đó chi ngoài tour 610 USD, cao hơn 40% so với mức chi tiêu trung bình của du khách quốc tế. Điều này cho thấy vị trí quan trọng của việc khai thác thị trường du lịch Nga đối với du lịch Việt Nam.

Dĩ nhiên, cơ hội ở Nga là rất hấp dẫn, nhưng để vào thị trường Nga doanh nghiệp Việt sẽ vẫn gặp không ít trở ngại chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết tiếp theo.

>> Nông sản Việt vẫn đang “bó tay” với giấc mơ Nga!
Trường Giang

quynhnn

Tài chính Plus

Trở lên trên