Sức mua tăng: "Niềm vui" giữa nỗi lo lạm phát thấp
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2014 ước đạt 2945,2 nghìn tỷ đồng; tăng 10,6% so với năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3%; cao hơn mức tăng 5,5% của năm 2013.
- 28-12-2014Những cái sai đằng sau lo ngại lạm phát thấp
- 15-12-2014Lạm phát thấp nhất 10 năm, và EVN tính... tăng giá điện
- 10-12-2014Đau đầu vì lạm phát thấp nhất 10 năm
Lạm phát thấp nhất trong vòng 10 năm
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 12 năm nay giảm 0,24% so với tháng trước và là tháng có mức CPI giảm trong 10 năm gần đây (không tính năm 2008 là năm ảnh hưởng mạnh của suy thoái kinh tế thế giới).
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 2 nhóm chỉ số giá giảm mạnh trong tháng là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,99% và nhóm giao thông giảm 3,09% (đóng góp 0,27% vào mức giảm chung của CPI cả nước).
Tính chung 12 tháng năm 2014, CPI cả nước chỉ tăng 1,84%. So với năm 2013, CPI bình quân năm 2014 tăng 4,09%; mức tăng khá thấp trong 10 năm trở lại đây. Như vậy, trong năm 2014, chỉ số giá tiêu dùng bình quân mỗi tháng tăng khoảng 0,15%.
Theo đánh giá của Tổng cục thống kê, CPI tháng 12 giảm chủ yếu do giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm. Bên cạnh đó, giá gas thế giới giảm mạnh nên giá gas và giá dầu hỏa trong nước được điều chỉnh giảm cũng là nguyên nhân “kéo” CPI tháng 12/2014 giảm so với tháng trước (giá gas giảm bình quân 6,48%; giá dầu hỏa giảm bình quân 4,01%).
(>>>Xem thêm: Đừng vội mừng với lạm phát thấp)
Những nỗi lo từ lạm phát thấp
Trước tình trạng lạm phát thấp năm nay, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, lạm phát thấp cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế trong thời gian tới.
Giá cả thấp sẽ không khuyến khích đối với đầu tư, thất nghiệp sẽ tăng lên, tăng trưởng kinh tế khó đạt được mức độ cao, mức độ tụt hậu so với các nước trên thế giới ngày càng xa.
Bên cạnh đó, lạm phát thấp nếu kéo dài cộng thêm với thâm hụt ngân sách liên tiếp diễn ra như thực trạng hiện nay thì rất dễ dẫn tới suy thoái kinh tế, hoặc hiện tượng lạm phát cao sẽ quay trở lại, phá vỡ sự ổn định của các cân đối vĩ mô và kinh tế sẽ bị rối loạn….
Sức mua vẫn tăng …
Tuy nhiên, số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 12/2014 đạt 273,3 nghìn tỷ đồng; tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung cả năm 2014, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2945,2 nghìn tỷ đồng; tăng 10,6% so với năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay tăng 6,3%; cao hơn mức tăng 5,5% của năm 2013.
Trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay, khu vực kinh tế Nhà nước đạt 299,7 nghìn tỷ đồng; chiếm 10,2% tổng số và tăng 9,6% so với năm 2013. Khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 2547,7nghìn tỷ đồng; chiếm 86,5% và tăng 10,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 97,8 nghìn tỷ đồng; chiếm 3,3% và tăng 16,9% so với năm trước.
Xét theo ngành hàng, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm 2014 ước đạt 2216 nghìn tỷ đồng; chiếm 75% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và tăng 11,3% so với năm 2013.
Trong đó, một số nhóm hàng có mức tăng cao hơn năm 2013 như: lương thực, thực phẩm tăng 1,7%; hàng may mặc tăng 4,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 16%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 33,2%; phương tiện đi lại tăng 27,9% (chủ yếu do tăng doanh số bán lẻ ô tô); xăng, dầu tăng 2,5%; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 17,2%.
Tính chung cả năm 2014, doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống và du lịch đạt 381,8 nghìn tỷ đồng; tăng 8% so với năm trước. Doanh thu dịch vụ khác trong năm đạt 347,3 nghìn tỷ đồng; tăng 9,4% so với năm trước, trong đó Hà Nội đạt 72,1 nghìn tỷ đồng; tăng 8,6%; thành phố Hồ Chí Minh đạt 117, 9 nghìn tỷ đồng; tăng 17,8% (tăng mạnh ở ngành kinh doanh bất động sản với mức tăng 26,9%; những ngành khác tăng khoảng từ 3- 5%).
Nguyệt Quế