MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tác động của TPP lên môi trường đầu tư nhìn từ chương Đầu tư

Chương Đầu tư của TPP có các quy định cơ bản về bảo vệ nhà đầu tư, trong đó có điểm đáng chú ý như được tự do chuyển tiền liên quan đến một khoản đầu tư, trừ một số trường hợp như nước sở tại muốn kiểm soát sự bất ổn định lưu chuyển vốn...

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Chương Đầu tư trong TPP nhằm mục đích bảo vệ việc đầu tư của các nhà đầu tư của một nước thành viên TPP trên lãnh thổ của một thành viên khác. Chương Đầu tư của TPP có những tương đồng và khác biệt so với các thỏa thuận đầu tư quốc tế song phương và đa phương khác.

Tương đồng

Cũng giống như các thỏa thuận đầu tư quốc tế khác, chương Đầu tư của TPP quy định các nước thành viên sở tại phải tạo lập một môi trường đầu tư hấp dẫn thông qua thực thi các tiêu chuẩn về bảo vệ nhà đầu tư như đối xử bình đẳng và công bằng, và bảo vệ toàn bộ và an toàn cho nhà đầu tư. Các nước thành viên cũng phải bồi thường cho nhà đầu tư khi quốc hữu hóa hoặc trưng thu.

Và cũng giống như cácthỏa thuận đầu tư quốc tế khác, TPP cho phép nhà đầu tư được quyền kiện nhà nước sở tại ra tòa trọng tài quốc tế và trao quyền cho các tòa trọng tài quốc tế ra các phán quyết mang tính ràng buộc về bồi thường cho nhà đầu tư khi các nhà nước sở tại hoặc các tổ chức của họ vi phạm thỏa thuận. Và nhà đầu tư có quyền lựa chọn tham gia phân xử tại Trung tâm quốc tế giải quyết các tranh chấp đầu tư (ICSID) hay các tổ chức và luật lệ phân xử khác.

Chương Đầu tư của TPP có các quy định cơ bản về bảo vệ nhà đầu tư như phần lớn thỏa thuận đầu tư quốc tế khác, bao gồm:

- Đối xử bình đẳng và công bằng, là nguyên tắc đòi hỏi nhà nước sở tại ít nhất không được phép có những hành vi đối với nhà đầu tư mang tính tùy tiện, bất công, bất chính, phân biệt, hoặc những hành vi không “đúng quy trình” hay thiếu minh bạch.

- Đối xử quốc gia và Tối huệ quốc (MFN), là nguyên tắc bảo đảm môi trường bình đẳng cho nhà đầu tư và các khoản đầu tư của họ, và phải được bồi thường khi bị phân biệt đối xử.

-Nhà nước sở tại không những không được phân biệt đối xử nhà đầu tư nước ngoài một cách bất lợi so với nhà đầu tư trong nước mà còn không được phân biệt đối xử  họ với nhà đầu tư nước ngoài đến từ các quốc gia (thành viên) khác.

-Cấm trưng thu mà không vì mục đích công cộng, không theo quy trình và không bồi thường. Bảo vệ toàn bộ và an toàn, là nguyên tắc bảo đảm rằng các tài sản và cá nhân liên quan đến các khoản đầu tư hợp pháp không bị xâm hại ở nước sở tại.

-Cấm “các yêu cầu thực hiện”, ví dụ như yêu cầu về hàm lượng nội địa hóa và tỷ lệ nội địa hóa công nghệ.

-Tự do chuyển tiền liên quan đến một khoản đầu tư, trừ một số trường hợp như nước sở tại muốn kiểm soát sự bất ổn định lưu chuyển vốn và các trường hợp liên quan đến khủng hoảng kinh tế.

Khác biệt

Chương Đầu tư của TPP có phạm vi áp dụng tiêu chuẩn đối xử bình đẳng và công bằng hẹp hơn các thỏa thuận đầu tư quốc tế khác. Thông thường,tiêu chuẩn đối xử bình đẳng và công bằng không đượcđịnh nghĩa rõ nhưngnó vẫn được hiểu là nhà đầu tư được quyền có một khuôn khổ pháp lý và kinh doanh có thể dự đoán được, và quyền này sẽ không cho phép nhà nước sở tại áp dụng luật lệ nào đó không đúng với kỳ vọng hợp lý của nhà đầu tư vào thời điểm họ đầu tư. Như vậy, và trên thực tế, tiêu chuẩn đối xử bình đẳng và công bằng đã trở thành nguyên nhân chính làm nảy sinh những bất đồng giữa nhà đầu tư và nhà nước.

Để tránh rủi ro này, chương Đầu tư của TPP định nghĩa các tiêu chuẩn đối xử bình đẳng và công bằng theo đó nhà đầu tư hợp lệ được quyền đối xử theo tiêu chuẩn tối thiểu của tập quán luật quốc tế. Như vậy, cho dù nhà nước sở tại có áp dụng các luật lệ trái với kỳ vọng hợp lý của nhà đầu tư thì điều này vẫn chưa đủ để cấu thành nên một hành vi vi phạm tiêu chuẩn đối xử bình đẳng và công bằng theo thỏa thuận. Để có cơ sở hơn thì cần có thêm một yếu tố nào đó, như sự tùy tiện hay phân biệt đối xử.

Đáng nói hơn, TPP chú trọng nhiều hơn đến sự bảo đảm cân bằng giữa các điều khoản bảo vệ nhà đầu tư và quyền chế tài của nhà nước sở tại. Có thể thấy điều này khi chương Đầu tư của TPP có một số điều khoản loại trừ nhằm bảo đảm sự tự chủ về quy chế cho nhà nước sở tại trong một số lĩnh vực như y tế công cộng, bảo vệ môi trường, và các tiêu chuẩn lao động.

Tuy TPP cũng cho phép nhà đầu tư là công dân của nước thành viên khác kiện nhà nước sở tại ra các tòa trọng tài quốc tế trong những trường hợp nhà nước sở tại có những biện pháp vi phạm các tiêu chuẩn bảo vệ đầu tư theo thỏa thuận làm phương hại đến đầu tư của nhà đầu tư đó, nhưng chương Đầu tư quy địnhnhững công cụrất hữu hiệu để ngăn chặn những lời khiếu kiện mang tính lạm dụng vàkhông đáng, đồng thời đảm bảo quyền chế tài của các nhà nước sở tại vì lợi ích công cộng, như về y tế, an toàn, và bảo vệ môi trường.

Những công cụ này bao gồm: rà soát nhanh những lời khiếu kiện không đáng, kèm với quyền tòa trọng tài cho bên thắng thế được hưởng phí luật sư; những quy định chi tiết về sự minh bạch, yêu cầu tòa trọng tài phân xử công khai và công bố tất cả các biên bảnliên quan đến phiên tòa; khả năng cho phép một bên thứ ba thân hữu với tòa (ví dụ như một tổ chức phi chính phủ) cho ý kiến phân xử; bồi thường thiệt hại (giới hạn ở bồi thường tổn thất về tiền, tức là tòa không được ra phán quyết phục hồi lại, yêu cầu nhà nước sở tại phục hồi lại một chính sách, thể chế pháp lý nào đó hay thay đổi một quy chế và luật lệ nào đó; xem xét lại phán quyết hoặc bằng các tòa trong nước hoặc bằng một ban xem xét quốc tế; các diễn giải chung mang tính ràng buộc của các điều khoản trong chương Đầu tư của TPP cũng mang tính ràng buộc trong một tòa án; và quyền của tòa trọng tài sử dụng các kết quả tố tụng trong các vụ kiện nảy sinh trong cùng một hoàn cảnh hay sự việc để tránh phải xử lại.

Điểm khác biệt khác nữa là, chương Đầu tư quy định các nước thành viên phải cung cấp thông tin chi tiết về đạo đức của trọng tài, sự trung lập và không thiên vị của họ, một vấn đề ngày càng được nhắc đến sau một loạt các vụ phân xử đầy tai tiếng bởi cáo buộc về đạo đức có vấn đề của trọng tài. Các thành viên tham gia đàm phán TPP tin tưởng rằng chương Đầu tư của TPP sẽ lập nên một “tiêu chuẩn vàng” trong lĩnh vực luật đầu tư quốc tế trên cơ sở các bài học rút ra từ các phiên tòa trong khuôn khổ các thỏa thuận đầu tư quốc tế hiện tại. Tuy vậy, công dụng thực tế của TPP trong việc bảo vệ hữu hiệu nhà đầu tư cần có thời gian kiểm chứng.

 

TS. Phan Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên