Tái cơ cấu đầu tư công có nguy cơ bị ngưng trệ
Các địa phương nợ xây dựng cơ bản có thể Chính phủ Trung ương cũng phải chi trả hoặc ít nhất cho phép chính quyền địa phương huy động trái phiếu để xử lý.
Theo nội dung cơ bản của tái cơ cấu đầu tư giai đoạn 2013 – 2020 thì huy động sẽ đạt khoảng 30 – 35% GDP cho đầu tư phát triển, duy trì ở mức hợp lý các cân đối lớn của nền kinh tế; đầu tư nhà nước chiếm khoảng 35 – 40% tổng đầu tư xã hội; tăng dần tiết kiệm từ ngân sách nhà nước, dành khoảng 20 – 25% tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển; đổi mới căn bản phân bố và quản lý sử dụng vốn, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán và lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư nhà nước; mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhất trong nước.
Ý tưởng cơ bản là giảm đầu tư nhà nước, tăng đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư nói chung và đầu tư nhà nước nói riêng, đặt đầu tư xã hội trong mối quan hệ cân đối với các biến số cơ bản khác của nền kinh tế.
Những kết quả bước đầu
Theo thống kê, trong 2 năm qua, tỷ trọng đầu tư/GDP đã giảm đáng kể, từ mức bình quân 39% trong giai đoạn 2006 – 2010 xuống còn hơn 33% trong năm 2011, 30,5% trong năm 2012.
Đồng thời, tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế đã giảm từ 136% GDP năm 2010 xuống còn 121% năm 2011 và 108% năm 2012.
Tính theo giá so sánh, số vốn đầu tư nhà nước không tăng trong 3 năm gần đây; tỷ trọng đầu tư nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm từ 51,8% thời kỳ 2001 – 2005, xuống còn khoảng 39% thời kỳ 2006 – 2010, khoảng 37,4% trong hai năm 2011 – 2012 và khoảng 37% trong 9 tháng đầu năm 2013.
Đã đình hoãn, cắt giảm số lượng lớn dự án đầu tư; phân bổ vốn nhờ đó đã được tập trung hơn; ý thức trách nhiệm và kỷ cương nhà nước trong quản lý đầu tư công bước đầu được cải thiện.
Trong 2 năm qua, tái cơ cấu đầu tư công là giảm tỷ trọng đầu tư/GDP; bước đầu đổi mới cơ chế quản lý vốn đầu tư nhà nước, nhờ đó khắc phục được một bước tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, kém hiệu quả đã tồn tại từ nhiều năm.
Tái cơ cấu đầu tư công mới chỉ là tình huống ngắn hạn
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, việc tái cơ cấu đầu tư công trong mấy năm qua về cơ bản mang tính chất tình huống, ngắn hạn; chủ yếu xử lý thực trạng quyết định đầu tư vượt quá khả năng cân đối vốn, đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu đồng bộ (đã tồn tại nhiều năm) hơn là thiết lập một thể chế mới để quản lý vốn đầu tư nhà nước và một hệ thống động lợi mới thúc đẩy các bộ, địa phương, các tổ chức cá nhân có liên quan nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư nhà nước.
Ông Cung cho rằng, ngay cả Chỉ thị 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 chủ yếu là để giải quyết các vấn đề của quá khứ hơn là tạo khuôn khổ pháp lý để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư nhà nước trong tương lai.
Trong khi thể chế mới cho quản lý phân bổ và sử dụng vốn đầu tư nhà nước chưa được thiết lập thì có không ít dấu hiệu cho thấy nguy cơ nới lỏng chính sách tài khóa, gia tăng vốn đầu tư nhà nước và từng bước khôi phục lại đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.
“Trước tình trạng suy giảm liên tục của nền kinh tế trong 2 năm qua không ít ý kiến cho rằng cần mở rộng đầu tư nhà nước, tăng cầu khu vực nhà nước, thay thế cho cầu tư nhân đang suy yếu. Thực tế điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ có vẻ như đang có phần thiên về những kiến như thế này” – Ông Cung lấy dẫn chứng.
Ông Cung tiếp tục đưa ra ví dụ ở một khía cạnh khác là các địa phương nợ xây dựng cơ bản (số liệu cũ khoảng 91 nghìn tỷ đồng) và có thể rồi Chính phủ Trung ương cũng phải chi trả hoặc ít nhất cho phép chính quyền địa phương huy động trái phiếu để xử lý. Điều này có nghĩa là vốn huy động sẽ tiếp tục dễ dàng để xử lý vấn đề quá khứ, thanh toán cho một phần không nhỏ các dự án còn dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng kém hiệu quả.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, thể chế hành chính chia cắt, phân tán theo địa giới hành chính với mỗi tình, thành phố như một nền kinh tế thì nguy cơ tái diễn đầu tư phân tán, dàn trải và kém hiệu quả vẫn rất lớn.
Ông Cung kết luận, trong khi cơ chế mới về quản lý đầu tư nhà nước chưa hình thành thì thực tiễn quản lý kiểu cũ đang quay lại và có vẻ ngày càng mạnh thêm, nguy cơ gia tăng thêm đầu tư nhà nước, khôi phục lại tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán.
“Như vậy, quá trình tái cơ cấu đầu tư nói chung và đầu tư công nói riêng có nguy cơ bị ngưng trệ”.
Khánh Linh