Tái cơ cấu EVN: Khó nhất là vốn
Ông Phạm Lê Thanh cho biết, nỗi lo lớn nhất của EVN là từ nay tới năm 2020 kiếm đâu ra số tiền 4 tỷ USD mỗi năm để đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện theo yêu cầu của chính phủ
- 28-11-2013Giá điện có thể tăng hoặc giảm, mức điều chỉnh 7 - 10% có hợp lý?
- 25-11-2013Bộ Công Thương có “làm ngơ” tiêu cực của EVN?
- 25-11-2013Giá điện sẽ chậm tăng nhưng... tăng mạnh
- 25-11-2013Ngành điện cần ‘chịu đựng’ một chút
Là một trong những tập đoàn kinh tế chủ đạo của nhà nước, EVN đang nỗ lực tiến hành tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ trên cơ sở đảm bảo cung cấp đầy đủ điện cho phát triển kinh tế- xã hội trong các năm tới, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện an sinh xã hội. Tuy nhiên, tiến trình này đang gặp không ít khó khăn.
Giá điện chưa thật sự chuyển theo cơ chế thị trường
Theo ông phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN, quá trình hình thành phát triển thị trường điện cạnh tranh cũng là quá trình tái cơ cấu ngành điện lực và tái cơ cấu EVN. Tuy nhiên, giá điện hiện nay chưa thật sự chuyển theo cơ chế thị trường, còn bao cấp cho nhiều đối tượng, chưa tạo được động lực thu hút đầu tư vào phát triển điện lực cũng như thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.
Giá điện hàng năm vẫn do Chính phủ ban hành và điều chỉnh hợp lý cho các thành phần, đối tượng sử dụng điện để hạn chế tác động tới các ngành sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt của nhân dân. Trong 3 năm 2010-2012, Chính phủ đã điều tiết giá bán lẻ điện năng ở mức độ giữ lợi nhuận hàng năm của EVN bằng 0%.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về điện khí hóa nông thôn, đến cuối năm 2012, cả nước đạt 98,8% số xã có điện; 96,8% số hộ dân nông thôn có điện. EVN phấn đấu đến năm 2015 sẽ đạt 98,6% số hộ dân và đến năm 2020 hầu hết số hộ dân nông thôn có điện. Điện về nông thôn đã thực sự góp phần phát triển kinh tế và nâng cao và đời sống vật chất tinh thần của người dân. Tuy nhiên, đây không chỉ là thành tích mà còn là gánh nặng, trách nhiệm của EVN.
Bởi lẽ, từ năm 2011, EVN bắt đầu thực hiện chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho các hộ nghèo và hộ thu nhập thấp được sử dụng điện với giá điện chỉ bằng 75% chi phí giá thành. Giá bán điện cho bơm nước tưới tiêu trong nông nghiệp cũng duy trì nhiều năm bằng khoảng 50% chi phí giá thành.
Trong khi yếu tố đầu vào là giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ… tăng liên tục. Hiện nay, mỗi năm, EVN vẫn phải bù lỗ hàng nghìn tỷ đồng để duy trì cấp điện cho khu vực nông thôn. Điều này đã khiến tình hình tài chính của EVN luôn trong tình trạng khó khăn, đồng thời rất khó kêu gọi các nhà đầu tư vào nguồn điện.
Khó nhất vẫn là vốn
Ông Phạm Lê Thanh cho biết, nỗi lo lớn nhất của EVN là từ nay tới năm 2020 kiếm đâu ra số tiền 4 tỷ USD mỗi năm để đầu tư phát triển nguồn điện và lưới điện theo yêu cầu của chính phủ.
Trong đó, các dự án nhà máy điện với tổng công suất 9800 MW, chiếm 58% tổng công suất các nguồn điện mới trong giai đoạn này. xây dựng toàn bộ hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối, lưới điện liên kết với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia và các nước trong khu vực. Riêng giai đoạn 2011-2015 yêu cầu lượng vốn đầu tư lên tới 501.470 tỷ đồng, gấp 2,45 lần so với tổng đầu tư của EVN giai đoạn 2006-2010.
Ngoài ra, EVN phải tiếp tục hoàn thành dự án, cấp điện cho 1.331 thôn buôn và trên 92 nghìn hộ đồng bào dân tộc, đưa tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc được sử dụng điện tại các tỉnh Tây Nguyên đạt trên 90%. Cấp điện cho các hộ dân Khmer chưa có điện ở Kiên Giang (hiện đã cấp điện cho hơn 60 nghìn hộ dân Khmer ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu, đạt trên 90%).
Tiếp tục dự án cấp điện cho các thôn bản vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nhằm đưa tỷ lệ số hộ đồng bào dân tộc được sử dụng điện lên trên 90% vào năm 2015. Đảm nhận cung cấp điện trên các huyện đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi; Phú Quốc-Kiên Giang; Phú Quý-Bình Thuận; Vân Đồn - Quảng Ninh; Cát Hải - Hải Phòng.
Tiếp nhận lưới điện tại huyện Côn Đảo, triển khai các dự án đưa điện từ đất liền ra các huyện đảo Phú Quốc, Lý Sơn và Vân Đồn. Hỗ trợ 482 tỷ đồng cho 3 huyện ở Lai Châu giai đoạn 2009-2015 để thực hiện xóa đói giảm nghèo theo chương trình 30a của Chính phủ...
Nhu cầu vốn lớn nhưng giá điện chưa theo kịp thị trường thực sự là khó khăn rất lớn cho EVN khi vay vốn và kêu gọi đầu tư để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu doanh nghiệp.