MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu nền kinh tế: Đã là chậm sau 5 năm gia nhập WTO

Trong những nhiệm vụ cấp bách cần cấu trúc lại nền kinh tế "có vấn đề" là phải cấu trúc lại khối các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai gần đây đưa ra nhận định rằng, tái cấu trúc nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đã là chậm sau 5 năm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và càng chậm so với mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản là một nền kinh tế công nghiệp.

Trong những nhiệm vụ cấp bách cần cấu trúc lại nền kinh tế "có vấn đề" là phải cấu trúc lại khối các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các tổ chức tín dụng Việt Nam.

Tái cơ cấu là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Nhà nước

PGS, TS. Nguyễn Đắc Hưng khẳng định, tái cơ cấu là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh thực sự của chính các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, cũng như góp phần tại môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. 

Tiếp theo, đó là vấn đề số nợ phải trả nói chung, nợ vốn vay các ngân hàng nói riêng của khối doanh nghiệp này rất lớn, nếu không cơ cấu lại và giải quyết nợ thì không tạo được môi trường lành mạnh cho cạnh tranh trong lĩnh vực hoạt động tín dụng ngân hàng đối với phân khúc khách hàng rất quan trọng này.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, 81 trong tổng số 91 tập đoàn, tổng công ty không bao gồm Vinashin có tổng số nợ phải trả đến hết năm 2009 là 813.435 tỉ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu và bằng 58% tổng tài sản. Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu này là thấp hơn so với quy định (3 lần).

Vấn đề nổi lên hiện nay là một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang ở trong tình trạng thua lỗ lớn, nợ ngân hàng ở mức độ cao, nợ quá hạn đang phát sinh ngày càng lớn. 

Tổng công ty thua lỗ lớn phải kể đến: Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty hàng hải Việt Nam,…Tổng công ty xăng dầu (Petrolimex) thì thua lỗ lớn trong mảng kinh doanh xăng dầu. Nợ ngân hàng lớn nhất và đang phát sinh nợ xấu nhiều nhất là Vinashin.

Mối quan hệ giữa các tổ chức tín dụng với các khu vực khác đã bộc lộ nhiều bất ổn

Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai cho biết, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung, các ngân hàng thương mại (NHTM) ở nước ta nói riêng dường như vẫn đang phải hoạt động trong môi trường kinh doanh còn rất nhiều bất cập: về thể chế sở hữu, về năng lực cạnh tranh và về cơ chế thị trường.

Trong TTTC, “không gian” hoạt động của các NHTM còn phải ôm đồm, bao sân quá rộng và cơ chế hoạt động kinh doanh của hệ thống các TCTD VN còn rất nhiều bất cập. TCTD nhiều khi lúng túng bởi là đối tượng bị điều chỉnh giữa Luật và lệnh. Thậm chí có khi phải hoạt động theo Lệnh nhiều hơn theo Luật. 

Tiến sĩ Nguyễn Đại Lai cũng nhận định rằng, đến nay cả môi trường pháp lý, cả vị thế và năng lực của các TCTD trong hoạt động kinh doanh đều còn bất cập đến từ đủ 4 phía: từ bản thân nội lực của TCTD; từ sự quản lý, điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN); từ khách hàng của TCTD và từ chính sách vĩ mô của Nhà nước!

Đánh giá năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam, TS. Tô Ánh Dương, Trưởng phòng Phòng Kinh tế Vĩ mô, Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, năng lực tài chính của các NHTM còn thấp trong khi hệ số an toàn vốn tối thiểu không cao, khả năng sinh lời thấp và không bền vững cũng như chất lượng tài sản thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại chưa thực sự vững chắc, huy động vốn của ngân hàng thương mại chủ yếu là kỳ hạn ngắn với tỷ trọng 74% trong tổng nguồn vốn huy động, trong khi cho vay trung dài hạn chiếm tỷ trọng khoảng 44% tổng dư nợ cho vay. 

Hoạt động của hệ thống các TCTD còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, một số TCTD tập trung tăng nhanh quy mô mạng lưới, quy mô tài sản, chứng khoán, bất động sản. Đánh giá trên bảng tổng kết tài sản của đa số NHTM và thực tế giám sát của hệ thống giám sát ngân hàng, cho thấy tính lành mạnh của hệ thống NHTM Việt Nam vẫn còn yếu kém, mức độ rủi ro thanh khoản và mất an toàn hệ thống còn cao.

Phương Dung

dungdp

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên