Tái cơ cấu ngành Công thương: 3 đột phá chiến lược
Tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của Ngành.
Ngày 01/12/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có Quyết định số 2146/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, tái cơ cấu ngành Công Thương nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của Ngành.
Phát triển công nghiệp với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ
Tái cơ cấu ngành Công Thương được xem là một hợp phần của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Mục tiêu tổng quát của Đề án Tái cơ cấu ngành Công Thương là thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của Ngành; Nghiên cứu đổi mới mô hình, tổ chức hoạt động của Ngành; xây dựng mô hình quản lý nhà nước về năng lượng hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trong đó, mục tiêu cụ thể của đề án là nhằm phát triển công nghiệp với cơ cấu hợp lý theo ngành và lãnh thổ; khai thác triệt để các lợi thế sẵn có và chủ động tạo ra lợi thế trong nước và các cơ hội quốc tế; tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất công nghiệp khu vực và thế giới để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phát triển công nghiệp trên cơ sở huy động hiệu quả nhất mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế; chú trọng phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp ưu tiên làm nền tảng cho hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp.
Bên cạnh đó, cần coi trọng và phát triển mạnh thị trường trong nước; xây dựng nền thương mại trong nước phát triển bền vững, văn minh, hiện đại, dựa trên một cấu trúc hợp lý; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tiếp tục nâng cao vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn khu vực và quốc tế; chủ động xây dựng các quan hệ đối tác mới thực sự mang lại lợi ích quốc gia.
Tái cơ cấu theo từng lĩnh vực
Cũng theo đề án, tái cơ cấu ngành Công Thương được thực hiện theo lĩnh vực: công nghiệp; năng lượng; thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong đó, đối với lĩnh vực công nghiệp, sẽ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên hướng đến tập trung phát triển một số ngành công nghiệp: sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao; giá trị xuất khẩu lớn; tạo thị trường cho công nghiệp hỗ trợ phát triển; sử dụng công nghệ cao; tạo nhiều việc làm đòi hỏi trình độ cao; giảm dần các lĩnh vực sử dụng nhiều tài nguyên khoáng sản và lao động giản đơn.
Với ngành cơ khí, sẽ ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, thiết kế chế tạo sản phẩm mới và chuyển giao công nghệ, đầu tư một số trung tâm đúc, tạo phôi hiện đại, đồng thời để tập trung phát triển trong giai đoạn đến năm 2020 các sản phẩm: máy móc nông nghiệp, linh kiện phụ tùng ô tô, đóng tàu biển, ...
Với ngành điện tử, công nghệ thông tin, sẽ xây dựng định hướng phát triển và tìm một số khâu đột phá để tập trung đầu tư sản xuất, ưu tiên thu hút các công nghệ hiện đại, sản xuất một số linh phụ kiện chủ chốt nhằm đẩy mạnh hơn nữa trong chuyển dịch cơ cấu, đóng góp lớn hơn vào giá trị tăng thêm của ngành.
Với ngành thép, sẽ chuyển dịch cơ cấu sản xuất sản phẩm từ phát triển số lượng sang nâng cao chất lượng sản phẩm, phấn đấu đạt tiêu chuẩn quốc tế; ưu tiên phát triển các sản phẩm thép hiện nay Việt Nam chưa sản xuất được.
Trong ngành công nghiệp nhẹ sẽ chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ nhằm chuyển dịch cơ cấu sản phẩm ở các ngành: dệt may, da giày, nhựa, đồ uống, thuốc lá, giấy, dầu thực vật...; tập trung và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vùng nguyên liệu cho các ngành: sữa, thuốc lá, giấy.
Đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu
Trong lĩnh vực thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống (Nga, Đông Âu); tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng như (Ấn Độ, các nước Nam Á khác, Châu Phi và Trung Đông, Mỹ La-tinh); ưu tiên khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu - EU, ASEAN, Úc).
Đồng thời, tập trung xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường mới cho các mặt hàng nông sản, rau quả của Việt Nam. Tận dụng tốt các cơ hội mở cửa thị trường của nước ngoài và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký các thỏa thuận thương mại tự do (FTA/EPA/CEP).
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất để tránh tình trạng phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn; tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu…
>>>Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương
Nguyệt Quế