Tài sản 50 triệu đồng phải kê khai
Những tài sản mà giá trị từ 50 triệu đồng trở lên như cây cảnh, bàn ghế, tranh ảnh, đồ mỹ nghệ,… thuộc loại phải được kê khai thu nhập.
Nợ cũng phải kê khai
Thông tư 08 làm rõ hơn các loại tài sản thuộc diện phải kê khai đã được nêu trong Nghị định 78/2013 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập. Đó là các loại nhà ở, công trình xây dựng khác được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu; tiền (VNĐ và ngoại tệ) gồm tiền mặt, tiền cho vay, tiền trả trước, tiền gửi cá nhân, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; ô tô, mô tô, xe gắn máy, xe máy (máy ủi, máy xúc, các loại xe máy khác), tàu thủy, tàu bay, thuyền và những động sản khác mà nhà nước quản lý (theo quy định của pháp luật phải đăng ký sử dụng và được cấp giấy đăng ký); kim loại quý, đá quý, cổ phiếu, vốn góp vào các cơ sở kinh doanh, các loại giấy tờ có giá trị chuyển nhượng khác có tổng giá trị quy đổi mỗi loại từ 50 triệu đồng trở lên…
Ngoài ra, các loại tài sản khác như cây cảnh, bộ bàn ghế, tranh, ảnh, đồ mỹ nghệ… hoặc những khoản nợ gồm các khoản phải trả, giá trị các tài sản quản lý hộ, giữ hộ có tổng giá trị quy đổi từ 50 triệu đồng trở lên cũng phải kê khai theo quy định.
Theo một thành viên Ban Soạn thảo Thông tư 08, điểm nổi bật được hướng dẫn cụ thể là việc kê khai tổng thu nhập trong năm (quy đổi thành tiền Việt Nam) phải gồm lương, phụ cấp, thưởng, thù lao, cho, tặng, biếu, thừa kế, thu nhập hưởng lợi từ các khoản đầu tư, phát minh, sáng chế, các khoản thu nhập khác. Năm 2013, kỳ kê khai tổng thu nhập được tính từ ngày 1/1/2013 đến ngày kê khai.
Người đứng đầu cơ quan quyết định việc công khai
Thông tư 08 quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định phạm vi công khai, hình thức công khai (niêm yết hoặc công bố tại cuộc họp cơ quan) bản kê khai của người có nghĩa vụ kê khai đang công tác trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Việc tổ chức công khai và quyết định phạm vi công khai phải bảo đảm theo quy định tại điều 14 Nghị định số 78/2013 của Chính phủ.
Theo đó, chánh Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức công khai bản kê khai của Tổng Bí thư, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng và những người thường xuyên làm việc tại Văn phòng Trung ương Đảng. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công khai bản kê khai của Chủ tịch nước, phó chủ tịch nước và những người làm việc thường xuyên tại Văn phòng Chủ tịch nước.
Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tổ chức công khai bản kê khai của Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng và những người làm việc thường xuyên tại Văn phòng Chính phủ. Chánh văn phòng cấp ủy, HĐND, UBND các cấp (tỉnh, huyện) tổ chức công khai bản kê khai của bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND, UBND cùng cấp và những người làm việc thường xuyên tại cơ quan do mình quản lý.
Đừng để “kê khai cho có rồi đút vào ngăn bàn”!
Theo ông Phạm Trọng Đạt, Thông tư 08 đã hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết về các loại tài sản thuộc diện phải kiểm soát, kê khai. Sau đợt tập huấn tại Thừa Thiên - Huế cho các tỉnh miền Trung, Cục Chống tham nhũng đang tổ chức tập huấn thực hiện Thông tư 08 cho các tỉnh phía Nam tại TP HCM. “Một trong những căn cứ để xác định những tài sản như cây cảnh, tranh, ảnh,… có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên hay không chính là hóa đơn thanh toán thể hiện mặt bằng giá cả trên thị trường” - ông Đạt nói và cho biết việc kê khai, kiểm soát “chất lượng” bản khai sẽ phải được làm rất nghiêm.
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho biết Thông tư 08 chỉ làm rõ hơn về quy trình, thủ tục đối với bản kê khai đã được quy định trong Nghị định 78.
“Nghị định 78 cũng như các quy định khác về công tác phòng chống tham nhũng thông qua việc kê khai tài sản đang có rất nhiều bất cập, hạn chế và hình thức. Như nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu tại kỳ họp vừa kết thúc là “kê khai cho có rồi đút vào ngăn bàn”, hầu hết các cơ quan đều thờ ơ với nội dung bản kê khai của cán bộ và việc xác minh tài sản thực tế của họ” - ông Hậu nói.
Theo luật sư Hậu, kiểm soát thu nhập, tài sản là việc khó và chừng nào chưa bắt buộc tất cả các giao dịch của cán bộ, công chức phải thực hiện qua tài khoản ngân hàng, niêm yết kê khai tại nơi cư trú, có cơ chế kiểm soát cả tài sản của vợ con, anh em,… thì dù quy định thế nào vẫn rơi vào hình thức, dễ dàng bị lách luật.
Theo Thế Kha