Tại sao “con bệnh” nhập siêu vẫn là nguy cơ lớn?
Nhập siêu tăng mạnh đã đặt ra nhiều thách thức và nguy cơ lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô. Tại sao sau 3 năm liên tục xuất siêu, nhập siêu quay trở lại và là mối “đe dọa” lớn cho nền kinh tế và chính sách điều hành của các nhà quản lý? Và liệu mục tiêu 5% mà Quốc hội đặt ra trong năm nay có đạt được, khi mà trong 6 tháng đầu năm nhập siêu đã lên tới 4,8% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.
- 16-05-2015Tỷ giá căng vì ẩn số giá dầu, nhập siêu?
- 16-05-2015Số liệu nhập siêu bị “thổi phồng”?
- 20-04-2015Doanh nghiệp trong nước nhập siêu gần 3,8 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, riêng nhập siêu hàng hóa tháng 5 đã lên tới 1,2 tỷ USD, cao hơn 300 triệu USD so với số ước tính. Tính chung 6 tháng đầu năm, nhập siêu ước tính 3,7 tỷ USD, bằng 4,8% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Nhập siêu làm “bốc hơi” 3,7 điểm % GDP
Trong đó, nhập siêu vẫn đến chủ yếu từ khối DN trong nước, lên đến 9,8 tỷ USD, tăng 44% (3 tỷ USD) so với mức 6,8 tỷ USD của cùng kỳ năm 2014. Nguyên nhân là do xuất khẩu năm nay giảm 2,9% trong khi nhập khẩu tăng 7,7%. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục xuất siêu với 6,1 tỷ USD, giảm gần 30% (tương đương 2,6 tỷ USD) so với mức 8,7 tỷ USD của 6 tháng đầu năm 2014 do xuất khẩu năm nay tăng thấp hơn nhập khẩu, theo đánh giá của cơ quan thống kê.
Người đứng đầu cơ quan thống kê bày tỏ lo ngại khi mức nhập siêu đã tăng lên tới 4,8%. Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, đây là tỷ lệ nhập siêu lớn nhất trong vài năm qua. Dẫn chứng, năm 2011, Việt Nam nhập siêu 6,8 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, chiếm 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2012 nhập siêu 0,58 tỷ USD, chiếm 1,1%; 2013 nhập siêu gần 1 tỷ USD, chiếm 1,6%; năm 2014 xuất siêu 1,9 tỷ USD song 6 tháng năm nay lại nhập siêu.
Con số nhập siêu trên không chỉ khiến GDP “bốc hơi” 3,7 điểm phần trăm, mà còn đe dọa mục tiêu quốc hội đề ra khi nó đã chiếm 4,8% tổng giá trị xuất khẩu, gần sát mục tiêu 5% cho năm nay, ông Lâm cho rằng bức tranh xuất nhập khẩu đang đảo chiều sang nhập siêu, là tín hiệu rất đáng lo ngại cho nền kinh tế.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng chung nỗi lo ngại trên khi chia sẻ với báo chí vào cuối tuần trước rằng, xuất siêu trong 3 năm đã giúp cho cán cân thanh toán ngoại tệ thặng dư, dự trữ ngoại tệ tăng lên và tốt. Song, chỉ trong 6 tháng đầu năm nhập siêu, chiếm tới 4,8% trong khi chỉ tiêu Quốc hội “duyệt” chỉ 5% là một thách thức lớn. Cũng bởi, theo Bộ trưởng thì nếu tiếp tục để nhập siêu “vọt” quá 5%, sẽ mất cân bằng cán cân thanh toán ngoại tệ, giảm thặng dư và gây áp lực lên tỷ giá.
Nhập siêu tăng mạnh đang thực sự trở thành mối lo ngại cho nền kinh tế và các nhà điều hành kinh tế vĩ mô. Bởi vậy mà trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015 diễn ra ngày hôm qua (29/6), Thủ tướng Chính phủ đặc biệt nhấn mạnh đến nguy cơ tăng mạnh trở lại của nhập siêu, có thể đe dọa và tạo sức ép đến sự ổn định của kinh tế vĩ mô ngày càng lớn.
Vẫn là “con bệnh” trầm kha
Lý giải về nguyên nhân khiến cho nhập siêu tăng cao, bà Lê Minh Thủy, Vụ trưởng thống kê thương mại và dịch vụ cho rằng, sản xuất tiêu dùng trong nước đang có xu hướng tăng cao do kinh tế khởi sắc trở lạo nên có nhu cầu lớn trong nhập nguyên, nhiên liệu. Hiện phần lớn nguyên liệu sản xuất đều phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là nhóm hàng gia công lắp ráp chiếm tỷ trọng lớn, nên đã dẫn tới nhập khẩu tăng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế thì nhập siêu tăng mạnh sau ba năm liên tục xuất siêu đã phản ánh đúng “bệnh” của nền kinh tế. TS. Phạm Tất Thắng, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), chỉ ra thực tế là chính sách điều hành chưa có những biện pháp xử lý căn cơ, khiến cho cán cân xuất nhập khẩu lên xuống không chắc chắn và có biểu hiện không bình thường.
Dẫn chứng, nhập siêu vốn là căn bệnh trầm kha của nền kinh tế, với mức khá lớn, song “tự nhiên” lại xuất siêu. TS. Thắng cho rằng nguyên nhân chính xuất siêu trong 3 năm qua là do kinh tế khó khăn, DN không ký được hợp đồng xuất khẩu, tiêu dùng giảm sút, nên nhu cầu nhập khẩu nguyên, nhiên liệu cho sản xuất, tiêu dùng giảm. Do đó, khi kinh tế khởi sắc trở lại, nhập siêu cũng quay trở lại với mức tăng cao, đã phản ánh đúng thực trạng và “bệnh tình” của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), thì chỉ ra thực trạng là cứ mỗi lần Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại, hội nhập sâu rộng hơn thì nhập khẩu lại tăng vọt. Nguyên nhân là do các dòng thuế được cắt giảm nên xu hướng nhập khẩu hàng hóa từ nước ký hiệp định tăng lên để tận dụng việc giảm thuế. Trong khi đó, xuất khẩu lại không tăng được ở mức tương xứng, đã cho thấy sự chuẩn bị của DN trong hội nhập là rất kém, nên không tận dụng được cơ hội từ các hiệp định để xuất khẩu.
Dự báo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng cuối năm xuất khẩu dầu thô sẽ tăng lên, xuất khẩu cũng tăng trưởng mạnh hơn khi nhu cầu cuối năm tăng cao, những công trình đầu tư xây dựng lớn đi vào khởi động, nên mục tiêu kiểm soát nhập siêu 5% là khó khăn. Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, bên cạnh việc thúc đẩy xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng không thiết yếu, thì công tác đấu tranh chống buôn lậu và hàng giả hàng nhái cần tăng cường để thúc đẩy sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng để “trị” căn bệnh nhập siêu thì cần phải giải quyết những vấn đề căn bản, gốc rễ. Theo TS. Thắng, không chỉ bằng biện pháp đơn thuần là thương mại, mà phải bằng các biện pháp khác, đặc biệt là giải quyết khâu quản lý về đầu tư, nâng sức cạnh tranh và tái cơ cấu DN, phát triển công nghiệp phụ trợ, cũng như ngăn chặn có hiệu quả hàng lậu, hàng giả. Cũng bởi, trong khi công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, thiếu hụt đầu vào cho sản xuất, thì có một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu được đưa vào theo các dự án FDI mà vẫn không có biện pháp kiểm soát.