Tại sao lạm phát năm 2014 giảm mạnh?
Việc tốc độ tăng của cầu nội địa chưa đạt được mức tiềm năng và lạm phát tiếp tục giảm mạnh có liên hệ mật thiết với mức lãi suất cho vay trên thị trường.
Tham luận tại buổi hội thảo “Lạm phát thấp ở Việt Nam cơ hội và thách thức” do Viện Kinh tế - tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức sáng nay, tiến sĩ Nguyễn Đức Độ đã cho rằng: Việc lạm phát giảm xuống mức thấp như hiện nay, ở một mức độ nào đó, là biểu hiện của sự phục hồi kinh tế chưa thật sự mạnh mẽ với mức tăng trưởng tiêu dùng và đầu tư còn thấp hơn so với mức tiềm năng.
Năm 2014 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam đạt được mục tiêu kép – tăng trưởng kinh tế cao hơn (5,93%) đi kèm với lạm phát ở mức thấp hơn (1,84%).
Sự phục hồi của nền kinh tế trong năm 2014 đạt được nhờ 2 yếu tố chính:
Thứ nhất, vào cuối năm 2013 Quốc hội đã thông qua kế hoạch kích cầu đầu tư công của Chính phủ với quy mô phát hành thêm trái phiếu là 170.000 tỷ đồng trong 3 năm (2014 – 2016) tương đương với việc đầu tư sẽ tăng thêm khoảng 5% (hay 1,5% GDP mỗi năm). Gói này đã có tác dụng hỗ trợ tổng cầu, duy trì tỷ lệ đầu tư/GDP ở mức tương đương so với năm 2013.
Thứ hai, trong bối cảnh nhu cầu trong nước còn yếu, sự năng động của khu vực kinh tế tư nhân cùng với chính sách tỷ giá ổn định, nhưng linh hoạt của NHNN đã giúp cho nền kinh tế chuyển hoá được một phần nguồn lực đang dư thừa thành các hàng hóa phục vụ mục tiêu xuất khẩu. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tốc độ tăng trưởng kinh tế không những được duy trì mà còn được cải thiện so với năm 2013.
Tuy nhiên, do nhu cầu trong nước, đặc biệt là cầu về tiêu dùng và đầu tư vẫn phục hồi chậm, tăng trưởng vẫn ở mức dưới tiềm năng (mức tăng trưởng tiềm năng khoảng 6-6,5%), nên lạm phát vẫn có xu hướng giảm.
Việc tốc độ tăng của cầu nội địa chưa đạt được mức tiềm năng và lạm phát tiếp tục giảm mạnh có liên hệ mật thiết với mức lãi suất cho vay trên thị trường.
Mặc dù lãi suất cho vay danh nghĩa đã giảm về mức thấp kỷ lục của hơn 10 năm trước đây, nhưng lãi suất cho vay thực (lãi suất cho vay danh nghĩa trừ đi tốc độ lạm phát) cũng lại tăng lên mức cao kỷ lục của hơn một thập kỷ.
Với mức lãi suất thực tăng lên mức cao kỷ lục của hơn 10 năm, việc lạm phát giảm trở về mức thấp kỷ lục của hơn 10 năm là điều hoàn toàn lô-gic, bởi đầu tư và tiêu dùng của khu vực tư nhân bị ảnh hưởng.
Một số tính toán cho thấy, nếu lãi suất huy động và cho vay thực tăng 1 điểm phần trăm, người dân sẽ gia tăng tiết kiệm và tỷ lệ tiêu dùng của hộ gia đình so với GDP trong cùng năm sẽ bị giảm khoảng 0,2 điểm phần trăm so với năm trước đó, tức là tốc độ tăng tiêu dùng sẽ thấp hơn tốc độ tăng trưởng GDP khi lãi suất thực tăng.
Tại sao mức lãi suất thực của nền kinh tế gia tăng trong năm 2014?
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ đã chỉ ra 2 nguyên nhân: Nguyên nhân khách quan, đồng thời cũng là nguyên nhân chính, là sự thu hẹp quy mô tín dụng trong nền kinh tế vào năm 2013.
Kể từ năm 2010, tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng giảm, đặc biệt là vào các năm 2011 và 2013. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến lãi suất thực tăng mạnh và lạm phát giảm mạnh trong các năm 2012 và 2014 tương ứng sau đó.
Các tính toán kinh tế lượng cho thấy, nếu tỷ lệ tín dụng so với GDP giảm 1 điểm phần trăm, mức lãi suất thực sẽ gia tăng khoảng 0,2 điểm phần trăm sau khoảng 1 năm.
Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan của việc lãi suất thực tăng là chính sách tiền tệ nới lỏng được NHNN thực hiện một cách tương đối thận trọng.
Trong năm 2014, chính sách tiền tệ đã được hoạch định theo phương châm “lãi suất theo sau lạm phát, chứ không đi trước lạm phát” như trong các năm 2012-2013. Điều này được thể hiện qua việc NHNN điều hành lãi suất dựa trên mức lạm phát trung bình nhiều hơn là mức lạm phát cùng kỳ.
Bởi vậy, khi lạm phát giảm nhanh ngoài dự đoán, lãi suất cho vay và huy động đã không giảm theo một cách kịp thời. Ngoài ra, việc dự báo và đặt mục tiêu lạm phát ở mức cao cũng góp phần dẫn đến lãi suất huy động và cho vay bị neo ở mức cao và giảm chậm hơn so với những diễn biến của lạm phát trên thực tế.
Khánh Nhi (lược ghi)