MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng giá điện: Hộ tiêu thụ dưới 50kWh sẽ phải trả thêm gần 5.000 đồng/tháng

Đó là ý kiến của ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng GĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại cuộc họp thông báo về việc điều chỉnh tăng giá điện thêm 7,5% của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) vào chiều ngày 6/3.

Tóm tắt:

- Chiều 5/3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Bộ Công Thương báo cáo phương án điều chỉnh giá bán điện năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%

- Ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng GĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, mức tăng chung được đưa ra là 7,5%, nhưng định hướng việc tăng giá sẽ có một số nhóm đối tượng tăng trên mức trung bình và một số tăng dưới mức trung bình.

- Nếu hộ dân tiêu thụ dưới 50kWh thì số tiền phải trả thêm chưa đến 5.000 đồng (khoảng 4.800 đồng/hộ).


Chiều nay (6/3/2015), Tập đoàn điện lực Việt Nam – EVN đã tổ chức họp báo công bố việc điều chỉnh tăng giá điện của Tập đoàn từ ngày 16/3/2015. Ông Đinh Quang Tri – Phó Tổng GĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì cuộc họp.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Đinh Quang Tri cho biết, chiều 5/3, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Bộ Công Thương báo cáo phương án điều chỉnh giá bán điện năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%; tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh và thời điểm điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16/3/2015.

Với mức tăng 7,5%, việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); giành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Ông Tri cho biết, theo tính toán, chi phí đầu vào của EVN tăng trên 12%, nhưng sau khi phân tích những biến động đến nền kinh tế, EVN chỉ đề nghị tăng giá điện khoảng 9,5%.

Trong tờ trình lên Chính phủ, Bộ Công thương đưa ra 3 phương án tăng giá điện là: 7,5%; 8% và 9,5%. Và Chính phủ đã lựa chọn phương án tăng thấp nhất là 7,5%.

Theo ông Tri, mức tăng chung được đưa ra là 7,5%, nhưng định hướng việc tăng giá sẽ có một số nhóm đối tượng tăng trên mức trung bình và một số tăng dưới mức trung bình.

Cụ thể, các nhóm tăng dưới mức trung bình (dưới 7,5%) như những hộ tiêu thụ dưới 100kWh. Ngược lại, những hộ sản xuất đang hưởng giá thấp sẽ phải chịu mức cao hơn (trên 7,5%)…

Cũng tại cuộc họp, giải đáp thắc mắc của phóng viên về tác động của đợt tăng giá 7,5% đến các hộ sản xuất kinh doanh và tiêu thụ điện, ông Tri cho biết, đối với điện sinh hoạt thì rất dễ tính toán. Nếu hộ dân tiêu thụ dưới 50kWh thì số tiền phải trả thêm chưa đến 5.000 đồng (khoảng 4.800 đồng/hộ).

Đối với hộ sản xuất, tác động của việc tăng giá điện còn phụ thuộc vào giá thành của từng hộ tiêu thụ. Nếu tiêu thụ nhiều thì mức giá phải trả sẽ cao hơn và chưa thể đưa ra được con số cụ thể.

“Giá trần bán lẻ điện hiện nay là 1.622 đồng/kWh. Theo Quyết định 69, hàng tháng EVN sẽ tính toán, nếu đủ điều kiện chi phí tăng thì EVN sẽ trình Bộ Công thương để phê duyệt. Trong năm nay, nếu giá khí, giá dầu ổn định thì sẽ không điều chỉnh giá điện nữa. Nguyên tắc tính giá là khi chi phí phát sinh thì phải có phương án để bù đắp” – Ông Tri cho biết.

>>>Tăng giá điện thêm 7,5% kể từ ngày 16/3/2015

Khánh Nhi – Nguyệt Quế

Trịnh Hường

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên