MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng lương phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế

Đó là mong muốn của giới chuyên gia, người quản lý khu công nghiệp khi bàn về việc tăng mức lương tối thiểu vùng vào năm 2015.

Ông VŨ TIẾN LỘC (chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI):

Doanh nghiệp cũng mong tăng lương nhưng...

Tăng dần mức lương tối thiểu, bảo đảm để người lao động có mức sống ngày càng được cải thiện không chỉ là mong muốn của người lao động, Chính phủ, mà còn là của cả chủ doanh nghiệp. Mấy năm qua, hằng năm có trên 60% doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Sáu tháng đầu năm 2014, có hơn 33.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, giải thể và xu hướng này vẫn đang tiếp tục. Trong bối cảnh kinh tế đất nước khó khăn, nếu chỉ tính bài toán lỗ lãi đơn thuần thì nhiều doanh nhân đã đóng cửa nhà máy để bảo toàn vốn, cắt lỗ. Chính vì vậy, lộ trình tăng lương tối thiểu phải phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và sức chịu đựng của các doanh nghiệp.

Điều hết sức quan trọng là phải làm sao tăng lương không dẫn đến mất việc làm. Hiện nay ở nước ta, số lao động trong doanh nghiệp có bảo hiểm xã hội chỉ 7,5-8 triệu người, trong đó số người có thu nhập xoay quanh mức lương tối thiểu chỉ khoảng 3 triệu người, nhưng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam lên tới 55-56 triệu người. Mỗi năm Việt Nam có nhu cầu tạo thêm 1,7-2 triệu việc làm mới để bảo đảm ổn định xã hội.

Vì thế cùng với việc nâng lương tối thiểu, phải quan tâm để không làm mất cơ hội được gia nhập đội ngũ lao động trong các ngành công nghiệp của một phần không nhỏ trong số gần 50 triệu người hiện còn đang làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc nông nghiệp với năng suất thấp.

Chúng tôi đề nghị phương án điều chỉnh lương trung bình năm 2015 tăng tối đa khoảng 14% so với năm 2014. Tùy thuộc vào tình hình kinh tế, mức độ tăng giá tiêu dùng và tốc độ tăng năng suất lao động, nếu trong các năm 2016, 2017, 2018 chúng ta tăng bình quân 15%/năm thì đến năm 2018, mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu.

Mức tăng 14% đủ bù 5% dự kiến cho mức tăng của giá cả sinh hoạt (CPI), 3% cho mức tăng năng suất và 6% để rút ngắn khoảng cách giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu...

*Ông PHẠM HUY THÔNG (phó Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM):

Nên giãn thời gian thực hiện

Hiện nay, thu nhập của người lao động trong khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) bao gồm lương và các khoản phụ cấp (chưa kể tiền tăng ca) đã 3,5-4 triệu đồng. Mức tăng 3,4 triệu đồng (tăng khoảng 26%) sẽ tương ứng với thu nhập thực tế hiện nay, tuy nhiên chưa đảm bảo nhu cầu cuộc sống trong năm 2015 nếu mức lạm phát trên 5%/năm.

Nhưng với tình hình kinh tế còn khó khăn như hiện nay thì nên giãn thời gian thực hiện việc lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Chính phủ phải công bố rộng rãi lộ trình tăng lương hằng năm, đặc biệt đối với người sử dụng lao động, để doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và không bị “sốc” với mức tăng của Chính phủ.

Hiện nay, các khoản BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí công đoàn chiếm 24% tiền lương tháng trả cho người lao động. Nếu lương tăng 3,4 triệu đồng + 24% thì chi phí trả cho người lao động làm công việc giản đơn, chưa qua đào tạo, chưa tính yếu tố nâng bậc lương định kỳ đã là 4.216.000 đồng.

Với những doanh nghiệp có đông lao động thì đây là khoản chi phí tăng thêm rất lớn, ảnh hưởng đến đơn giá sản phẩm và tình hình hoạt động kinh doanh.

Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp trong KCX-KCN ngoài tiền lương còn có các khoản phụ cấp, hỗ trợ gồm nhà ở, cơm, xăng xe từ 200.000-800.000 đồng. Việc tăng lương nhưng không được cắt giảm các khoản này cũng sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo tôi, Chính phủ cần công bố sớm mức tiền lương tối thiểu vùng và cần có quy định các khoản phụ cấp nào doanh nghiệp không được cắt giảm, xóa bỏ.

*Anh NGUYỄN XUÂN TÌNH (37 tuổi, công nhân Công ty Domex, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Tăng được bao nhiêu cũng mừng

Công nhân ai mà không mong tăng lương, tăng được bao nhiêu cũng mừng. Tôi vào Sài Gòn làm công nhân đến nay đã tám năm nhưng lương hợp đồng chỉ gần 3 triệu đồng/tháng, thêm phụ cấp thì hằng tháng được hơn 4 triệu đồng. Vợ tôi cũng làm công nhân với lương cơ bản là 2,8 triệu đồng/tháng, nếu tăng ca đều đặn thì hằng tháng mới được hơn 4 triệu đồng.

Tính ra thu nhập của hai vợ chồng tròm trèm 8 triệu đồng/tháng nhưng phải chi đủ các khoản: ở trọ 1,2 triệu đồng, tiền ăn của hai vợ chồng hơn 3 triệu đồng, 500.000 đồng xăng xe, con nhỏ ở quê tháng nào cũng gửi về 2 triệu đồng lo cơm, sữa, tiền phát sinh như ốm đau, cưới hỏi... tháng cũng ngót nghét 1 triệu đồng.

Tính sơ sơ cũng hết sạch số tiền lương của hai vợ chồng. Ấy là hai vợ chồng đã cố gắng tiết kiệm, thuê trọ ở tận Bình Dương, đi chung một xe máy dù làm hai nơi và sáng nào cũng chỉ xôi, bánh mì. Sống tằn tiện lắm mà tết đến cũng chẳng đủ tiền về quê thăm con...

*Anh NGUYỄN VĂN THÀNH (công nhân Công ty TNHH công nghiệp Tân Á, Q.Thủ Đức, TP.HCM):

Khó vẫn hoàn khó

Trước đây vợ chồng tôi đều làm công nhân, nhưng tháng 5 vừa qua tôi đành để vợ về quê làm ruộng, chắt chiu tằn tiện còn sống được chứ ở Sài Gòn đắt đỏ này chắc không nuôi nổi ba con nhỏ. Phòng trọ hồi hai vợ chồng thuê 1,2 triệu đồng/tháng, đến giờ tôi ở một mình nhưng vẫn tốn hết chừng ấy. Ở một mình nên tôi cũng ngại nấu nướng, toàn ăn cơm tiệm, một ngày trung bình hết 50.000 đồng, chưa tính thuốc men, nước uống.

Tôi làm sáu năm, lương căn bản là 3.167.000 đồng/tháng, tính cả phụ cấp là 4.400.000 đồng/tháng. Tháng nào tăng ca nhiều thì tôi còn nhín ra gửi về cho vợ được 2 triệu đồng, còn không thì tiền lương lo cho thân mình là hết rồi. Xót xa vợ con ở nhà xoay xở, nhín nhút nhưng cũng chẳng làm gì được.

Trước đây lương 3-4 triệu đồng/tháng còn xoay xở được, bây giờ vẫn vậy là rất khó sống. Tôi cũng chưa nghe nói đến việc tăng lương cơ bản ra sao, nhưng nếu lương tăng mà rồi mọi thứ cũng tăng theo thì cuộc sống công nhân cũng vậy.

>>>Tăng lương quá nhanh, thất nghiệp sẽ tăng

Theo M. Hương - V. Thủy - M. Phượng

cucpth

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên