Tăng lương tối thiểu: Công nhân mừng, doanh nghiệp lo
Trước tin lương tối thiểu sẽ tăng vào đầu năm 2016, nhiều công nhân lại tỏ ra ái ngại vì sợ vật giá sẽ leo thang theo tin lương tăng.
- 02-09-2015Tăng lương tối thiểu của năm 2016 khó đạt như 2015?
- 01-09-2015Chính phủ sẽ xem xét việc dừng thu phí xe máy và tăng lương tối thiểu
- 01-09-2015Tranh cãi tăng lương tối thiểu 2016: Chính phủ nói gì?
Hà Nội: công nhân phấn khởi vì sắp được tăng lương
Chị Nguyễn Thị Thương (quê ở Yên Thành, Nghệ An) tâm sự: Trước đây làm công nhân ở TPHCM và Đồng Nai, mức lương chỉ 3 - 3,5 triệu đồng/tháng, lại phải tăng ca thường xuyên để cải thiện thu nhập. Làm được một năm, Thương xin ra làm ở Cty TNHH Nissei Electric Hà Nội (khu công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) với mức lương cũng 3,5 triệu đồng, nếu làm tăng ca có tháng được hơn 4,2 triệu đồng/tháng.
Thương cho biết thêm, cô cùng người bạn đồng hương thuê phòng trọ chừng 12 mét vuông ở thôn Bâu, xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Tuy thu nhập có cao hơn trước nhưng phải chi tiêu tằn tiện mới có tiền gửi về cho bố mẹ trang trải cuộc sống ở quê.
Thương nhẩm tính: Thuê phòng trọ mất 500 nghìn đồng/người/tháng, tiền điện 3.000 đồng/số, tiền nước 30.000 đồng/người/tháng; tiền ăn mỗi tháng 1 triệu, còn gạo mang từ quê ra cho tiết kiệm. Tính sơ qua, mỗi tháng chi phí hết hơn 1,5 triệu đồng.
Mỗi tháng Thương gửi về cho bố mẹ xấp xỉ 2 triệu đồng để nuôi các em ăn học. “Mới ra Hà Nội cũng không nhiều bạn, cũng không dám đi đâu chơi để tiết kiệm tiền gửi về nhà. Đi làm về ăn xong là đi ngủ lấy sức mai còn đi làm”, Thương tâm sự.
Tại khu nhà nơi Thương sinh sống, 3 dãy nhà xây thấp lè tè, mỗi phòng độc 1 chiếc cửa sổ be bé, mái lợp tôn. Trời nóng trong phòng như lò bát quái, khi mưa bão nước ngập tràn vào nhà. Hầu hết các phòng trọ đều tối giản đồ dùng, vật dụng giá trị nhất là chiếc bếp ga và quạt điện. Phòng chỉ chục mét vuông, nhưng rất gọn gàng vì muốn chật cũng chẳng có đồ mà bày.
Chị Lê Thị Chung (công nhân cùng dãy trọ) tâm sự: “Chiếc quạt là vật dùng tốn điện nhất. Chỉ khi nào nằm ngủ hoặc ăn cơm mới bật quạt. Hầu hết phòng nào cũng chỉ dùng một bóng đèn loại tiết kiệm điện”.
Vào mỗi dịp lễ, tết, thay vì thưởng tiền công ty thưởng bằng hiện vật để động viên công nhân. Ngày nghỉ Lễ (30/4-1/5) vừa rồi mỗi công nhân được thưởng 1 chai dầu ăn và 1 chiếc ô; còn Ngày Quốc khánh (2/9) được thưởng 1 chiếc chảo chống dính.
Anh Nguyễn Văn Bảo (quê Nam Đàn, Nghệ An) cho biết: Sau khi tốt nghiệp đại học, mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi không được, anh giấu bằng đại học ra Hà Nội xin làm công nhân phổ thông. Bảo kể, hầu hết anh em cùng công ty có mức lương đều như nhau, chỉ 3,5 triệu đồng/tháng.
Để có thêm thu nhập, Bảo đăng ký xin làm thêm ca 3 nên được xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng. Bảo cho biết, trước đây theo học ngành xã hội nhưng khi bước vào làm công nhân ở đây phải tiếp xúc với máy móc nên cố làm thêm ca 3, vừa là để có thêm thu nhập, vừa được học hỏi kinh nghiệm từ các công nhân lành nghề khác.
Do làm việc với công ty Việt Nam liên doanh với nước ngoài nên nhiều khi rất muốn học thêm tiếng Anh, nhưng không có thời gian, nơi ở và làm việc quá xa trung tâm và ở nơi trọ cũng chẳng ai dạy.
Trước câu chuyện đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ năm tới, hầu hết anh chị em công nhân được hỏi đều tỏ ý phấn khởi và hy vọng sẽ thêm thắt được chút ít cho chi tiêu hàng tháng.
TPHCM: Vẫn ngay ngáy cơm áo gạo tiền
Sau giơ tan ca chiều, các khu chợ tạm dành cho công nhân ở quanh các khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh TPHCM) và Pou Yuen, Tân Tạo (quận Tân Bình) đã đông nghẹt công nhân. Các khu chợ tạm này là nơi cung cấp thực phẩm chủ yếu cho công nhân và lao động nghèo do giá cả khá mềm, hợp với túi tiền của công nhân.
Theo chân chị Bùi Ngọc Hoa (26 tuổi, công nhân Công ty Pou Yuen Việt Nam), đi một vòng khu chợ để mua đồ chuẩn bị buổi tối cho gia đình, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn cho công nhân 26 tuổi này.
Cố kỳ kèo thêm bớt từng đồng khi mua hàng là cách mà chị Hoa và nhiều công nhân khác vẫn làm mỗi khi ghé chợ. “Vào đây thì chỉ mua thực phẩm rẻ thôi. Đồng lương còm nên không cho phép chúng tôi chi tiêu vung tay”- chị Hoa nói.
6 giờ chiều, khu nhà trọ nơi chị Hoa thuê trên đường Kinh Dương Vương quận Bình Tân, hàng loạt chị em công nhân đang chuẩn bị cơm tối. Vừa nhặt bó rau hơi ngả vàng, chị Hoa tâm sự: “Lương tôi không cao. Chồng tôi làm lao động tự do, ai kêu gì làm đó, thu nhập rất bấp bênh. Vợ chồng cố gắng bám trụ kiếm tiền nuôi con mà cứ thiếu trước hụt sau hoài nên khi mua thức ăn cho gia đình, tôi dè sẻn từng đồng”.
Làm việc ở công ty gần 2 năm, lương mỗi tháng được 3,5 triệu đồng nên theo chị Hoa, trừ mọi chi phí cho cuộc sống của mình, chỉ còn được 500 nghìn đồng/tháng. Nhưng nay, khi đã có chồng con, chị Hoa “tiết kiệm hết mức có thể nhưng vẫn không dư được đồng nào”.
Nay nghe tin lương cơ bản sắp tăng, chị rất phấn khởi. Nhưng theo chị Hoa, tăng lương thì đáng mừng, nhưng chị vẫn lo ngại nhất là khoản giá hàng tiêu dùng. Vì hễ lương tăng là giá sẽ tăng theo.
“Tôi nghĩ lương tăng mà giá lại tăng thì coi như huề vốn. Có khi chính chúng tôi lại phải chịu thêm phần lỗ vì chênh lệch giữa mức lương tăng và giá tăng theo”.
Trịnh Thanh Huyền, công nhân Cty Pou Yuen Việt Nam
Chị Trịnh Thanh Huyền, 31 tuổi đã làm 4 năm tại Công ty Pou Yuen Việt Nam chia sẻ, với mức lương 3,8 triệu đồng/tháng chị sống độc thân vẫn phải tằn tiện chi tiêu để còn dư chút tiền gửi về quê. “Trước đây, tôi ở một mình, tiền nhà 400.000 đồng/tháng, điện 2.000 đồng/ kWh, nước 20.000 đồng/người thì nay giá cả tăng, mọi thứ đều thay đổi”- chị Huyền nói và cho biết thêm, hiện tiền nhà lên 700.000 đồng, điện lên 3.000 đồng/kWh, còn tiền nước lên 50.000 đồng/tháng.
Đang ngồi nhặt mớ rau, anh Ngô Xuân Hòa (21 tuổi, quê Tây Ninh), công nhân Công ty Sản xuất đế giày Trường Thành, quận Bình Tân, TPHCM cho biết, do ở quê nghèo khó đã không làm ra tiền, nên hai vợ chồng đưa nhau lên thành phố để tìm việc.
“Lương tháng cũng chỉ được hơn 3 triệu đồng nhưng làm được đồng nào hết đồng đó, không dành dụm được ít nào”- anh Hòa kể. Theo anh Hòa, mấy tháng nay vợ lại mang thai nên cũng ít đi bán vé số, khiến cảnh túng thiếu hơn. “Không có tiền mua thức ăn cho vợ bồi dưỡng nên cơm bữa nào cũng chỉ có đĩa rau và trứng luộc, cá khô như vậy thật không ổn”, anh Hòa tâm sự.
Khi chúng tôi đề cập việc mức lương tối thiểu tăng vào năm tới, anh Hòa nói: “Nếu tăng lương thêm thì quá tốt. Thêm được đồng nào thì hay đồng đó, tăng lương ít quá thì khó sống lắm, vì khi có tin tăng lương, dù chưa chính thức thì giá cả đã tăng vọt trước rồi”.
Theo tính toán, với phương án tăng lương khoảng 12,4% như Hội đồng tiền lương quốc gia thông qua ngày 3/9 thì, mỗi công nhân ở khu công nghiệp sẽ được tăng thêm khoảng 500.000 đồng. Theo đó, sau khi trừ bảo hiểm các loại và bù cho các khoản tăng theo lương như tiền nhà trọ, điện, nước, thực phẩm..., công nhân sẽ có thể còn một số tiền nhỏ để chi tiêu lặt vặt.
Tuy vậy, nhiều công nhân cho biết, việc tăng lương cũng chỉ có thể giải quyết một phần nhỏ vấn đề về bài toán thu nhập của họ. Bởi lẽ, theo thông lệ, cứ mỗi lần lương tăng, giá các mặt hàng thiết yếu lại rục rịch tăng giá theo.
Doanh nghiệp cũng lo sốt vó
Đề cập tới câu chuyện tăng lương cho công nhân, chủ một doanh nghiệp có tiếng ở TP Vinh (Nghệ An) cho biết, với mức lương trả cho công nhân 4,5 - 7 triệu đồng/tháng (chưa kể tiền thưởng), xoay xở đã khó khăn rồi.
“Nếu tới đây phải tăng lương tối thiểu thêm hơn 16% như đề xuất của TLĐLĐVN, doanh nghiệp tôi sẽ thua lỗ vì phải đóng thêm tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động”- vị này nói và chia sẻ, nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn cũng có nguy cơ này vì làm ăn đang khó khăn, thu không đủ bù chi. Trong khi đó, tay nghề công nhân vẫn thế.
“Chỉ nên áp dụng mức tăng lương tối thiểu vùng tối đa lên 8%, may ra doanh nghiệp mới tồn tại, còn không nhiều doanh nghiệp sẽ bị phá sản”.
Ông Trần Đức Long - Kế toán trưởng Cty TNHH Prex Vinh
Cùng chung quan điểm trên, ông Trần Đức Long - Kế toán trưởng Cty TNHH Prex Vinh (Cụm công nghiệp Lạc Sơn, Đô Lương, Nghệ An) cho biết: Bình quân thu nhập của công nhân ở đây thuộc vùng 4 là 3,2 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập như vậy tuy chưa nhiều nhưng khá cao so với những nơi khác trong cả nước.
Ông Long băn khoăn, nếu tăng lương 16% đối với công nhân lao động vùng 4 như ở Cty Prex Vinh, chi trả cho mỗi người sẽ tăng thêm 344.000 đồng/tháng; tiền bảo hiểm tăng 75.680 đồng/người/tháng; chi phí tăng ca khoảng 50.000 đồng/người/tháng.
Tổng cộng chi phí thêm cho mỗi công nhân là 469.680/tháng. Hiện, công ty có 4.500 công nhân, tăng lương tối thiểu vùng lên 12,4%, mỗi tháng DN phải chi phí thêm gần 2 tỷ đồng.
Theo ông Long, chất lượng đầu vào của lao động vùng ở đây còn thấp, hầu hết phải cho công nhân đi đào tạo lại tay nghề, chi phí do công ty bỏ ra. Năm tới lương tăng, bảo hiểm cũng tăng, tất cả đè lên doanh nghiệp.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, mức tăng lương mới (tăng 12,4%) sẽ tạo áp lực lớn lên ngành dệt may việt Nam. VITAS tính toán, năm 2016, ngoài tiền lương, các doanh nghiệp ngành dệt may đóng phí công đoàn mất khoảng 450 tỷ đồng, thêm chi phí cho bảo hiểm trên 6.000 tỷ đồng.
“Những chi phí đó là áp lực rất lớn với chúng tôi”, ông Giang nói. Tuy vậy, Chủ tịch VITAS cho rằng, các doanh nghiệp dệt may phải tìm giải pháp tăng năng suất lao động, đổi mới công nghệ… để giải quyết căn bản vấn đề áp lực tăng chi phí từ năm 2016 trở đi.
VnEconomy