MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng của nền kinh tế bị vướng 7 ràng buộc

Các ràng buộc này được nêu trong Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam năm 2014 do VEPR thực hiện.

7 ràng buộc đối với tăng trưởng

Theo nhận định tại báo cáo Kinh tế Việt Nam năm 2014 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) với chủ đề "Những ràng buộc đối với tăng trưởng", nền kinh tế Việt Nam năm 2014 tiếp tục có thêm dư địa chính sách để điều tiết nhờ lạm phát thấp. Tuy nhiên, các vấn đề của nền kinh tế thực vẫn là điều đáng lo ngại nhất.

“Doanh nghiệp tiếp tục suy yếu, các giải pháp chính sách không đủ mạnh và môi trường truyền dẫn chính sách kém hiệu quả. Điều này đã làm biến dạng mục tiêu mong muốn của Chính phủ và đều là những nhân tố cản trở sự phục hồi kinh tế. Nói cách khác, nền kinh tế dù đang phục hồi nhưng vẫn rất mong manh”- TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc VEPR, trưởng nhóm nghiên cứu, nhấn mạnh.

Đặc biệt, TS Thành lưu ý rằng, trong năm 2014, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có thể sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Hiện nhìn vào nền kinh tế, VEPR cho rằng, có nhiều ràng buộc đối với tăng trưởng. Cụ thể, gồm:

Một là, bất ổn kinh tế vĩ mô, sự xói mòn niềm tin của các chủ thể kinh tế vào tương lai và định hướng điều hành là những cản trở cho đầu tư dài hạn;Hai là,chất lượng môi trường kinh doanh thấp, quyền sở hữu bị xâm phạm và tình trạng tham nhũng là những ràng buộc chặt đối với tăng trưởngViệt Nam.

Ba là, cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cũng là ràng buộc chặt. VEPR cho rằng, hạ tầng năng lượng sẽ là ràng buộc trọng yếu trong trung và dài hạn, tuy nhiên chưa phải là ràng buộc chặt trong ngắn hạn.

Bốn là, về sự yếu kém hiệu quả của các trung gian tài chính, hoạt động đầu tư công quá mức, VEPR nhận đinh: sẽ trở thành ràng buộc chặt nếu nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao.

Năm là, vấn đề thất bại thị trường là ràng buộc chặt, đặc biệt tại các thị trường trọng yếu như thị trường lao động, đào tạo, năng lượng, sản xuất hàng đầu vào,….

Sáu là, thiếu lao động có kỹ năng, chất lượng cao cũng được VEPR cho là một ràng buộc cho tăng trưởng của nền kinh tế. Điều này bắt nguồn từ toàn bộ hệ thống đào tạo từ thấp lên cao.

Bảy là, tính sáng tạo của nền kinh tế hầu như không có. Điều này được VEPR giải thích là bắt nguồn từ sự thất bại của Nhà nước trong việc bảo hộ các sản phẩm trí tuệ và bí quyết công nghiệp, thiếu môi trường khuyến khích tự do học thuật vànghiên cứu, tưduy độc lập, chấp nhận rủi ro.

Ổn định vĩ mô vẫn là tiền đề vững chắc...

Theo TS Nguyễn Đức Thành, một loạt vấn đề ngắn và trung hạn được đặt ra cho Việt Nam, bao gồm lựa chọn ưu tiên giữa chính sách giữa phục hồi tăng trưởng, hồi sinh doanh nghiệp và chính sách tiền tệ thích hợp, kiểm soát ổn định vĩ mô. Trong đó, ổn định vĩ mô vẫn là tiền đề vững chắc cho các chính sách căn bản khác.

Ông Thành còn cho rằng, “do kỳ vọng lạm phát có thể thấp dưới 6%, cùng với sự dư thừa thanh khoản trong ngân hàng, nên sức ép hạ lãi suất huy động vẫn còn mạnh, nhưng cần chú ý để không gây xáo trộn trên thị trường vốn nếu lãi suất huy động thực tiến sang trạng thái âm”.

Cùng với đó, liên quan đến những vấn đề nóng hiện nay tác động đến “sức khỏe” của nền kinh tế như: thị trường bất động sản, tỷ giá, nợ xấu, cải cách doanh nghiệp nhà nước... TS Thành cho rằng, đối với thị trường bất động sản, “không nên kéo dài thời gian điều chỉnh bằng những gói hỗ trợ hoặc các giải pháp trên giấy, tạo kỳ vọng sai lạc về thị trường này. Cách tốt nhất là để thị trường tiếp tục tự điều chỉnh (xuống giá)”.

Đối với định hướng của chính sách tỷ giá, VEPR đề xuất, không chỉ là điều chỉnh ngắn hạn trong nửa cuối năm (tăng khoảng 2-3%) mà là một tầm nhìn ổn định trong tương lai nhằm tác động tích cực đến sản xuất trong nước.

Trên phương diện giải quyết nợ xấu, VEPR cho rằng, cần tiến thêm một bước cụ thể là tạo dựng thị trường mua bán nợ và cơ chế khơi thông nguồn lực mua nợ từ nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Còn về cải cách doanh nghiệp nhà nước, cần duy trì tiến trình cổ phần hóa DNNN như Thông điệp đầu năm của Thủ tướng để vừa cải thiện ngân sách, vừa thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế;

Bên cạnh những thuận lợi từ xuất khẩu, giới hoạch định chính sách cần xác định những nguy cơ về quỹ đạo phát triển khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào các liên kết quốc tế có mức độ tự do cao (ACFTA, TPP, các FTAs khác). Trong đó, cải cách thể chế và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh là chìa khóa để hội nhập thành công.

Cần thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế

VEPR còn đề xuất, Việt Nam cần có một lộ trình tinh giản biên chế cả ở cấp trung ương và địa phương nhằm kiểm soát quy môchi thường xuyên của ngân sách; tiếp tục cam kết mạnh mẽ thực hiện lộ trình cải cách, tái cơ cấu; cần sự tập trung, tránh phân tán làm mất thời gian và cơ hội. Bên cạnh đó, việc hoạch định chính sách phát triển ngành cần thực dụng, rõ ràng và hiệu quả hơn. Đồng thời, phải chủ động định hướng thị trường lao động tái cơ cấu theo hướng nâng cao chất lượng, khuyến khích lao động kỹ năng cao.

Đặc biệt, VEPR đề xuất: Việt Nam cần xác định các đối tác kinh tế và chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và ASEAN để xây dựng cơ sở hợp tác dài hạn, qua đó, giảm phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Cùng đó, Chính phủ cần thúc đẩy tăng năng suất của nền kinh tế trong trung và dài hạn, quyết tâm cải cách thể chế theo hướng thị trường để tạo động lực phân bổ nguồn lực hữu hiệu hơn..../.

Theo Xuân Thân

thunm

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên