MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tháng 11 xuất siêu trở lại, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư

Sau 2 tháng liên tục nhập siêu; tháng 11 cả nước đã xuất siêu khoảng 440 triệu USD; nâng mức thặng dư thương mại từ đầu năm đến hết tháng 11/2014 đạt khoảng 2,88 tỷ USD.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 11/2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 13,23 tỷ USD; giảm 6% so với tháng trước. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu đạt 12,79 tỷ USD; giảm 9,1% so với tháng trước. Như vậy, sau 2 tháng nhập siêu, tháng 11 ghi nhận mức xuất siêu trở lại của cả nước.

Kết quả đạt được trong tháng 11 đã nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước sau 11 tháng năm 2014 ước đạt 136,94 tỷ USD; tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 134,06 tỷ USD; tăng 11,8% so với cùng kỳ.

Trong 11 tháng qua, cả nước có trên 20 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó đặc biệt phải kể đến 2 điểm sáng về xuất khẩu là điện thoại và hàng dệt may.

Theo thống kê, trong 11 tháng năm 2014, một số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu lớn và tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như điện thoại các loại và linh kiện đạt 21,98 tỷ USD (tăng 9,8%); hàng dệt may đạt 18,97 tỷ USD (tăng 16,9%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 10,36 tỷ USD (tăng 6,1%); giày dép các loại đạt 9,25 tỷ USD (tăng 23,7%); hàng thủy sản đạt 7,22 tỷ USD (tăng 19,3%).

Theo sau đó là các mặt hàng: máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 6,66 tỷ USD (tăng 21,4%); gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 5,56 tỷ USD (tăng 12,3%); phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,03 tỷ USD (tăng 10,5%); cà phê đạt 3,28 tỷ USD (tăng 33,2%); gạo đạt 2,81 tỷ USD (tăng 2,6%).

Top 10 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu lớn nhất 11 tháng năm 2014

Bên cạnh đó, trong 11 tháng qua, cả nước có một số mặt hàng xuất khẩu giảm cả về lượng và kim ngạch như: quặng và khoáng sản khác (giảm 60,4% về lượng và giảm 4,1% về giá trị); than đá (giảm 41,4% về lượng và giảm 38,4% về giá trị); xăng dầu các loại (giảm 24,3% về lượng và giảm 23,4% về giá trị). Riêng mặt hàng cao su xuất khẩu, mặc dù giảm nhẹ 0,2% về lượng nhưng giá trị xuất khẩu giảm sâu ở mức 27,5% do giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh  so với cùng kỳ năm 2013.

Ở chiều ngược lại, kim nhập khẩu một số mặt hàng đạt giá trị lớn và tăng cao so với cùng kỳ như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 20,16 tỷ USD (tăng 19,1%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 16,87 tỷ USD (tăng 3,3%); vải các loại đạt 8,61 tỷ USD (tăng 13,5%); sắt thép các loại 6,91 tỷ USD (tăng 12,4%).

Tiếp theo đó là các sản phẩm: chất dẻo nguyên liệu 5,76 tỷ USD (tăng 11,3%); nguyên phụ liệu dệt may, da giày đạt 4,3 tỷ USD (tăng 24,2%); kim loại thường đạt 3,1 tỷ USD (tăng 17,6%); hóa chất 3,02 tỷ USD (tăng 10,3%); thức ăn gia súc và nguyên liệu đạt 2,98 tỷ USD (tăng 5,9%); sản phẩm hóa chất đạt 2,93 tỷ USD (tăng 15,3%).

Top 10 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị lớn nhất 11 tháng năm 2014

Bên cạnh đó, một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm 2013 như: Dầu thô giảm 47,5% về lượng và giảm 51,7% về giá trị; Phân bón các loại giảm 16% về lượng và giảm 25,1% về giá trị; phương tiện vận tải phụ tùng giảm 41,4% về giá trị; linh kiện phụ tùng ô tô giảm 15,6% về giá trị …

Như vậy, sau 2 tháng liên tục nhập siêu; tháng 11 cả nước đã xuất siêu khoảng 440 triệu USD; nâng mức thặng dư thương mại từ đầu năm đến hết tháng 11/2014 đạt khoảng 2,88 tỷ USD.

>>>Tháng 10 ước nhập siêu 400 triệu USD, thặng dư thương mại giảm xuống còn 1,87 tỉ USD

Nguyệt Quế

huongtt

Tài chính Plus

Trở lên trên