Thanh tra thuế 507 tỷ đồng của Metro: 12 năm hoạt động, chỉ một năm lãi
Hiện có thông tin Metro Việt Nam đang đàm phán chuyển nhượng toàn bộ 19 trung tâm siêu thị tại 16 tỉnh, thành phố cho đối tác nước ngoài. Câu hỏi đặt ra, liệu cơ quan thuế có truy thu được các khoản thuế mà Metro Việt Nam đã vi phạm?
- 09-01-2015Cổ đông của BJC phủ quyết phương án mua lại Metro Việt Nam
- 06-09-2014Tỷ phú mua Metro sẽ đầu tư 1 tỷ Bath mở thêm 205 cửa hàng B’s Mart tại Việt Nam
- 27-08-2014Thương vụ thâu tóm mới của tỷ phú sở hữu Metro Việt Nam
- 25-08-2014"DN Thái mua lại Metro sẽ không tác động quá lớn tới thị trường bán lẻ Việt Nam"
- 21-08-2014Metro Việt Nam vẫn đang làm ăn tốt?
- 19-08-201412 năm Metro không đóng thuế: Lỗi do Việt Nam!
- 17-08-2014Metro Việt Nam bị đòi bồi thường 8 tỷ đồng khi “bán mình”
Chuyện Cty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) tìm cách trốn thuế không còn là nghi án. Thanh tra Tổng cục Thuế đã chỉ ra nhiều sai phạm tài chính của đơn vị này suốt thời gian qua.
Lỗ triền miên vẫn mở rộng
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Metro Việt Nam đã kê khai lỗ 12 năm lên tới 1.657 tỷ đồng, chỉ lãi duy nhất năm 2010 với số tiền 173 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2003-2011, cơ quan thuế đã thanh tra, kiểm tra 4 lần, buộc đơn vị này điều chỉnh giảm lỗ tới 500,4 tỷ đồng. Đặc biệt, cơ quan thuế xác định Metro Việt Nam lãi 2 năm liên tiếp (2010, 2011) với số tiền 234,8 tỷ đồng.
Riêng hoạt động kinh doanh 5 năm gần đây, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Metro Việt Nam điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế tổng số tiền 507 tỷ đồng. Trong đó, điều chỉnh thuế nhà thầu nước ngoài đối với các khoản chi phí bồi hoàn tiền lương trả cho Cty Metro Cash & Carry Đức để thanh toán cho nhân viên nước ngoài làm việc tại Metro Việt Nam khoảng 62 tỷ đồng.
Điều chỉnh giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với khoản tiền thu hỗ trợ quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại từ các nhà cung cấp (chi phí in mã vạch, vận chuyển, lắp đặt sản phẩm, kiểm tra chất lượng, chương trình tiếp cận khách hàng, quảng cáo…) là 110 tỷ đồng.
Ngoài ra, điều chỉnh giảm lỗ đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại, chi phí không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho, chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa đảm bảo các điều kiện, thủ tục là 335 tỷ đồng.
Điều đáng nói là dù báo lỗ triền miên, nhưng Metro Việt Nam vẫn không ngừng mở rộng hệ thống. Giai đoạn 2010-2012, đơn vị này đã mở rộng hơn gấp đôi mạng lưới kinh doanh (từ 9 lên 19 trung tâm siêu thị). Tổng cục Thuế đánh giá, bình thường phải cần từ 3 đến 5 năm để một trung tâm thương mại xây mới có thể hòa vốn, nên Metro Việt Nam “ồ ạt” mở rộng đã làm các chi phí khấu hao, tiện ích, tiền thuê đất rất lớn, dẫn đến thua lỗ.
Làm sao truy thu được thuế?
Chiều 21/4, trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Nam, Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế cho biết: Điều đó phụ thuộc chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là hoạt động thanh tra bình thường của cơ quan thuế. Một trong những lý do khác làm Metro Việt Nam lỗ là vì áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và an ninh cao từ Đức, đẩy chi phí lên cao. Ví dụ năm 2013, tỷ lệ hao hụt tổn thất chiếm 1,15% tổng doanh thu, chi phí cho anh ninh chiếm 0,3%...
Kết luận thanh tra của Tổng cục Thuế cũng cho thấy chi phí Metro Việt Nam trả cho các công ty liên kết ở Đức từ năm 2001-2013 khá lớn. Đơn cử như chi phí nhượng quyền thương mại 731 tỷ đồng, chi phí lương, thưởng và phụ cấp cho ban giám đốc và chuyên gia nước ngoài trả cho các cá nhân thông qua Metro Cash & Cary GmbH (MCC) tại Đức là 699 tỷ đồng...
Tuy nhiên, ông Nam đánh giá cần nhìn nhận khách quan vấn đề này. “Doanh nghiệp nào cũng muốn có lợi nhuận, cơ quan thanh tra thuế có nhiệm vụ chỉ ra sai phạm để doanh nghiệp chỉnh sửa”. Vị này còn đưa ra ví dụ khác rằng, hệ thống siêu thị Metro đã làm thay đổi tích cực các địa phương.
Hiện có thông tin Metro Việt Nam đang đàm phán chuyển nhượng toàn bộ 19 trung tâm siêu thị tại 16 tỉnh, thành phố cho đối tác nước ngoài. Câu hỏi đặt ra, liệu cơ quan thuế có truy thu được các khoản thuế mà Metro Việt Nam đã vi phạm? Người đứng đầu ngành thuế cho biết: Điều đó phụ thuộc vào các hiệp định thuế quan, thương mại giữa Việt Nam với nước ngoài, nơi tập đoàn mẹ của Metro Việt Nam đóng trụ sở. “Các hiệp định luôn tôn trọng nguyên tắc tránh đánh thuế hai lần”, ông Nam nói.
Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc, nói: Về nguyên tắc, doanh nghiệp tự khai tự nộp thuế. Đối với các nghĩa vụ thuế đã nộp mà qua thanh tra, kiểm tra phát hiện sai phạm, cơ quan thuế có quyền truy thu tiền thuế và tiền phạt. “Trường hợp doanh nghiệp không kê khai thuế, gian lận toàn bộ, cơ quan thuế có thể truy thu bất cứ lúc nào cả tiền thuế lẫn tiền phạt”. Hiện Metro Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thuế tại Cục Thuế TPHCM.
Từ khi đi vào hoạt động ngày 28/3/2002 đến 31/12/2014, Cty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam kê khai và nộp vào ngân sách nhà nước khoảng 1.015 tỷ đồng. Trong đó, thuế thu nhập cá nhân 260 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng 370 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp khoảng 127 tỷ đồng, thuế khác (thuế môn bài, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp…) 258 tỷ đồng.
>>>Metro Việt Nam bị truy thu thuế hơn 507 tỷ đồng
Theo Tuấn Đức