MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thấy gì từ tăng trưởng GDP và lạm phát quý I?

Tăng trưởng GDP quý I được công bố ở mức 4,96%, mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây nhưng sự tăng trưởng diễn ra không đồng đều giữa các khu vực.

Trong khi đó, CPI tăng thấp trong ba tháng đầu năm đang mang đến nhiều lo ngại.

Tăng trưởng GDP: không đồng đều giữa các khu vực kinh tế

Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng GDP quý I/2014 đạt mức 4,96%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010 (tăng 5,97%) và năm 2011 (tăng 5,9%) nhưng cao hơn so với hai năm trở lại đây (năm 2012 tăng 4,75%; năm 2013 tăng 4,96%).

Tăng trưởng có sự cải thiện là điều đáng mừng tuy nhiên tốc độ cải thiện còn khiêm tốn và không đồng đều giữa các khu vực kinh tế, khiến thành quả tăng trưởng có thể không đến được với đại đa số người dân.

Nổi bật trong tăng trưởng GDP quý I là sự đóng góp của khu vực dịch vụ (tăng tới 5,95%) với các lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn (tạm lấy số liệu cuối năm 2013) là bán buôn bán lẻ (chiếm 13,43% GDP); tài chính ngân hàng bảo hiểm (5,53%); kinh doanh bất động sản (5,38%).

Đặc biệt so với cùng kỳ năm 2013 (chỉ tăng 4,68%) thì khu vực dịch vụ trong quý I năm nay có sự khởi sắc hơn hẳn. Với tỷ trọng trong GDP lớn (khoảng 43%), chỉ riêng khu vực dịch vụ đã đóng góp hơn một nửa vào tăng trưởng GDP trong ba tháng đầu năm.

Tuy vậy, hai khu vực còn lại là công nghiệp- xây dựng và nông lâm nghiệp thủy sản lại không có được mức tăng trưởng ấn tượng như thế, nếu không muốn nói là tiếp tục dậm chân tại chỗ và kéo dài xu hướng tăng trưởng chậm lại kể từ năm 2011.

Khu vực công nghiệp và xây dựng chỉ tăng 4,69% trong quý I, không cải thiện nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 4,59%) và cách khá xa so với mức tăng 5,15% của quý I/2012 và 6,66% của quý I/2011.

Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản cũng có diễn biến tương tự khi chỉ tăng 2,37% trong quý I năm nay, gần như không thay đổi so với quý I/2013 và thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,8% của quý I/2012 và 3,35% của quý I/2011.

Đáng chú ý, khu vực công nghiệp-xây dựng và nông lâm nghiệp thủy sản đều bao gồm những ngành nghề thâm dụng lao động lớn (ước tính trên 80% tổng số lao động) nên sự tăng trưởng chậm lại của hai khu vực kinh tế trên có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống đại đa số người dân, chưa nói đến sự phân hóa giảu nghèo trong xã hội sẽ ngày càng trở nên sâu sắc.

Thu nhập của số đông dân chúng bị ảnh hưởng khiến sức mua trong nền kinh tế hồi phục chậm (tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2013 nếu loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 5,6%). Chừng nào sức mua chưa hồi phục, giới doanh nghiệp sẽ vẫn thận trọng với các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh. Khi đó, cho dù lãi suất tiếp tục hạ, nợ xấu được giải quyết, các ngân hàng rộng cửa cho vay cũng không dễ để tín dụng tăng trưởng mạnh được.

CPI tăng thấp: nên mừng hay lo?

Nếu như các năm trước đây, lạm phát tăng thấp trong các tháng có Tết Nguyên Đán được coi là tín hiệu tích cực nổi bật của nền kinh tế thì đến năm nay, việc chỉ số CPI tháng 3 giảm 0,44% so với tháng 2, giúp lạm phát cuối quý I chỉ tăng 0,8% so với cuối năm ngoái và tăng 4,39% so với cùng kỳ năm 2013 đang mang đến nhiều lo ngại hơn sự lạc quan.

Mức tăng 0,8% trong ba tháng đầu năm là thấp nhất kể từ năm 2006 trở lại đây. Việc CPI giảm trong tháng 3 không phải điều lạ khi đã xảy ra nhiều lần do yếu tố thời vụ nhưng mức giảm tới 0,44% cũng là mức giảm sâu nhất trong vòng 7 năm trở lại đây.

Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức giảm lên tới gần 1% trong tháng 3. Với tỷ trọng lớn (chiếm 40% trong rổ tính CPI), sự hạ nhiệt của giá cả lương thực thực phẩm đã đóng góp đáng kể vào mức giảm CPI chung. Tuy nhiên, điều này càng cho thấy cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu hiện vẫn khá yếu, lúc cao điểm (Tết Nguyên Đán), CPI chỉ tăng thấp (tháng 1 tăng 0,69%; tháng 2 tăng 0,55%) trong khi các tháng sau Tết lại quay đầu giảm mạnh.

Trung bình lạm phát quý I trong các năm gần đây chiếm khoảng 30% tổng mức tăng lạm phát trong cả năm. Nếu xu hướng này tiếp diễn và cầu không sớm được cải thiện trong các tháng tới, nhiều khả nănh lạm phát trong cả năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7% của Chính phủ.

Nhưng khi đó, thành tích kiểm soát lạm phát ở mức thấp rất có thể sẽ sớm được thay thế bằng lo ngại giảm phát, nền kinh tế rơi vào trạng thái trì trệ trong một thời gian dài.

Linh Trang

cucpth

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên