MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam: Hướng mốc 10 tỷ USD vào năm 2020

Từ năm 2016 đến năm 2020 và thậm chí có thể kéo dài đến năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn với tốc độ khoảng trên 30%/năm.

 

Theo nhận định của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), Sở Công Thương TP.HCM và một số doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến của Việt Nam ước đạt 10 tỉ USD, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ.

Giai đoạn phát triển mạnh của thương mại điện tử Việt

Nhận định về thị trường thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam trong năm 2016 và các năm tiếp theo, ông Nguyễn Vinh Nhung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết: “Theo dõi xuyên suốt chương trình phát triển TMĐT từ năm 2006 đến nay, tôi có một niềm tin vững chắc rằng TMĐT là xu hướng phát triển tất yếu và chắc chắn sẽ phát triển nhanh, mạnh trong thời gian tới”.

Ở góc độ của Hiệp hội, ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VECOM cho rằng, TMĐT Việt Nam đã qua giai đoạn phổ cập kéo dài từ năm 2006 đến năm 2015. Đến nay,các yếu tố tạo cơ sở phát triển cho TMĐT như nguồn nhân lực, hạ tầng công nghệ, môi trường pháp lý… đã đầy đủ để tạo đà phát triển sang một giai đoạn mới.

Ông Hưng nhận định: “Từ năm 2016 đến năm 2020 và thậm chí có thể kéo dài đến năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn với tốc độ khoảng trên 30%/năm.”

Ông Hưng cho biết, cuối năm 2015, hãng nghiên cứu thị trường Ken Research đã đưa ra dự đoán quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2019 sẽ đạt 7,5 tỉ USD. Tuy nhiên, xem xét từ thực tế phát triển tại Việt Nam, trong kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT năm năm từ 2016 – 2020 đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và VECOM nhận định đến năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam sẽ đạt 10 tỉ đô la Mỹ, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ Việt Nam.

Cùng quan điểm với đại diện Sở Công Thương TP.HCM, ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty CP Công nghệ DKT, đơn vị sở hữu bizweb.vn, nền tảng bán hàng online đang cung cấp cho khoảng 15.000 doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam phân tích, trong tổng số 90 triệu dân Việt Nam hiện đã có 40 triệu người sử dụng Internet. “Rõ ràng một thị trường 40 triệu khách hàng là cực kỳ khổng lồ. Để tiếp cận 40 triệu người đó, các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng thương mại điện tử. Nếu các doanh nghiệp bỏ qua thị trường có tới 40 triệu khách hàng tiềm năng thì đó là một sự lãng phí rất lớn. Thị trường TMĐT Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển”, ông Tuyến nói.

Cũng theo ông Tuyến, hiện 75% thị phần thương mại điện tử đang tập trung ở Hà Nội và TP.HCM; 61 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 25%. Trong vòng 3 – 5 năm tới, nếu như thị trường TMĐT tại những tỉnh, thành lân cận phát triển đạt được mức độ gần tương đương với Hà Nội và TP.HCM hiện nay thì chắc chắn quy mô thị trường TMĐT Việt Nam có thể tăng từ 3 – 5 lần. Điều đó có nghĩa doanh số từ TMĐT mang lại cho các doanh nghiệp bán lẻ có thể tăng lên khoảng 5 lần.

TMĐT sẽ thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương

Trong giai đoạn tới, đại diện VECOM cho rằng, nhà nước đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển của TMĐT. Không chỉ có chức năng tạo môi trường thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển TMĐT mà nhà nước cần trở thành người mua lớn nhất (mua sắm Chính phủ qua đấu thầu trực tuyến) và bán (cung cấp dịch vụ công trực tuyến thu phí) hàng đầu.

Từ các kết quả khảo sát gần 5.000 doanh nghiệp trên cả nước và Chỉ số TMĐT năm 2015, đại diện VECOM nhấn mạnh, tới đây nhà nước cần ban hành kịp thời các chính sách phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng, thu thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh trực tuyến, bao gồm cá nhân kinh doanh thường xuyên và các giao dịch mua bán trực tuyến xuyên biên giới.

Theo VECOM, số lượng và quy mô giao dịch trực tuyến tăng lên cũng như nhiều hình thức kinh doanh trực tuyến mới xuất hiện sẽ dẫn tới số lượng và sự phức tạp của các tranh chấp trong TMĐT tăng theo. Các cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT, quản lý thị trường và bảo vệ người tiêu dùng, các tổ chức trọng tài và tòa án cần nâng cao năng lực xây dựng và thực thi chính sách pháp luật.

Bên cạnh việc nhấn mạnh vai trò của nhà nước, đại diện VECOM và lãnh đạo các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến như Sendo, Lingo, Công ty CP công nghệ DKT (bizweb.vn) đều cho rằng để gia tăng quy mô thị trường TMĐT Việt Nam thì cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp TMĐT và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để phát triển TMĐT ở các tỉnh, thành phố khác ngoài Hà Nội và TP.HCM, tiến tới thu hẹp dần khoảng cách số nói chung và sự sẵn sàng cho TMĐT nói riêng giữa các địa phương.

Trong kế hoạch phát triển năm 2016, cả Lingo, Sendo và Bizweb.vn đều cho biết sẽ chú trọng mở rộng thị trường tới các tỉnh, thành phố khác ngoài Hà Nội và TP.HCM.

Theo chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2015 vừa được VECOM công bố, Hà Nội và TP.HCM hiện vẫn là hai thành phố có thị trường TMĐT sôi động nhất Việt Nam. Năm 2015 TP.HCM đứng thứ nhất với chỉ số tổng hợp là 73,3 điểm, đứng thứ hai là Hà Nội, cách khá xa so với 3 địa phương khác là Đà Nẵng, Bình Dương và Hải Phòng cũng nằm trong Top 5 địa phương dẫn đầu về mức độ sẵn sàng về TMĐT. Như vậy, hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM đã liên tiếp đứng thứ nhất và thứ hai về chỉ số TMĐT trong suốt năm qua, và điều này tạo nên sự  khác biệt rất lớn đối với các địa phương còn lại.

Theo Vũ Hiền

Diễn đàn doanh nghiệp

Trở lên trên