Thị trường hàng không: Tăng trưởng thấp nhất trong 20 năm qua
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng hy vọng năm 2013 ngành hàng không sẽ không quá khó khăn như năm 2012. Bởi dự báo nửa sau của năm 2013 nền kinh tế sẽ được phục hồi."
Ông Võ Huy Cường - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, thừa nhận tốc độ tăng trưởng của thị trường hàng không đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Tuy nhiên, sự cạnh tranh của các hãng hàng không ngày càng khốc liệt.
- Ông đánh giá như thế nào về thị trường hàng không năm 2013?
Thị trường rất khó khăn. Năm 2012, mức độ tăng trưởng của thị trường hàng không nội địa chỉ đạt 2% so với năm 2011. Đây là lần đầu tiên kể từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước đến nay, thị trường hàng không tăng trưởng thấp như vậy.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng hy vọng năm 2013 ngành hàng không sẽ không quá khó khăn như năm 2012. Bởi dự báo nửa sau của năm 2013 nền kinh tế sẽ được phục hồi.
Tôi nhớ Báo Thanh Niên cũng có bài viết đặt vấn đề kinh tế đã đến đáy rồi và sẽ phục hồi. Hàng không cũng thế, khi đã tụt xuống đến đáy cũng phải phục hồi chứ.
- Sau sự kiện Air Mekong ngừng bay và trước đó, một số hãng cũng gặp phải khó khăn, có vẻ như ngành hàng không đang thụt lùi. Chưa kể Vietnam Airlines chi phối phần lớn cổ phần của Jetstar Pacific. Ông đánh giá sao về nhận định này?
Nếu nhận định thế, trước tiên, chúng ta cần phải làm phép cộng đã. Hãng Indochina Airlines thuê hai tàu bay. Air Mekong thuê bốn tàu bay. Vietnam Airlines trong vòng mấy năm gần đây tăng thêm mấy chục tàu bay. Jetstar Pacific đang chuyển đổi sang khai thác tàu bay Airbus A320 và không chỉ dừng lại ở 5 tàu mà tăng lên 8-10 tàu. Đặc biệt là Vietjet Air lúc đầu chỉ có 3 tàu nay tăng lên 6 tàu và cũng có kế hoạch tăng lên 8 tàu trong năm nay.
Cần phải có đánh giá toàn diện cả ngành mới thấy toàn ngành không có thụt lùi. Hàng không cũng như trong kinh doanh thôi. Cũng có người vào và có người không chịu nổi phải thoát ra, hoặc tạm dừng để tái cơ cấu, chuyển đổi chiến lược kinh doanh của mình.
Điểm lại có thể thấy rất nhiều đường bay được mở mặc dù mức độ tăng trưởng không được như kỳ vọng. Về toàn cục, việc mở thêm nhiều đường bay không chỉ các hãng tăng sức cạnh tranh mà còn thêm cơ hội để các cảng hàng không làm ăn có lãi như ở Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Vinh, Phú Quốc…
Quan trọng hơn việc có nhiều đường bay sẽ kích thích nhu cầu đi lại, từ đó, các hãng tăng doanh thu và có thêm điều kiện giảm giá vé
- Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến bỏ giá trần vé máy bay để các hãng hàng không đỡ khó khăn?
Trong năm 2010, có một đợt điều chỉnh mức giá trần rất lớn và hiện nay chưa một hãng nào bán vé với giá trần đó cả. Bởi thực tế các hãng cũng phải tính đến khả năng thanh toán của hành khách.
Ngay như Vietnam Airlines chiếm thị phần rất lớn trong toàn ngành cũng phải có nhiều mức giá khác nhau để tối ưu hóa đội tàu bay và cạnh tranh với Jetstar Pacific, Vietjet Air, trước đây thêm cả Air Mekong. Cho nên có thể khẳng định việc chưa bỏ giá trần không có nghĩa bóp nghẹt sự phát triển của hàng không.
- Nhân chuyện ông nhắc đến việc các cảng hàng không có lãi, hiện các hãng hàng không đang thua lỗ một phần do phí và dịch vụ ở các sân bay quá cao. Vậy cơ quan quản lý có tính đến phương án giảm phí ở sân bay để hỗ trợ các hãng hay không?
Trong những lúc khó khăn, các sân bay cũng có sự hỗ trợ và giảm giá cho các hãng. Thời gian tới chúng tôi cũng sẽ có sự tính toán và điều chỉnh thích hợp để giảm bớt khó khăn cho các hãng chừng nào hay chừng đó.
Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Jetstar Pacific: Dù một “mẹ” nhưng khai thác phân khúc riêng Sự kiện Air Mekong ngừng bay không làm cho thị trường bớt sự cạnh tranh đi đâu. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định năm nay là năm cực khó đối với ngành hàng không. Có người cho rằng việc gần 70% cổ phần của Jetstar Pacific được chuyển về cho Vietnam Airlines là bước thụt lùi cho thị trường bởi dù sao hai hãng này chung một “mẹ”. Tuy nhiên, dù là chung một “mẹ” nhưng hai hãng khai thác phân khúc khác nhau. Vietnam Airlines theo phân khúc truyền thống, giá cao còn Jetstar Pacific theo phân khúc giá rẻ. |
Theo Trung Hiếu