Thị trường logistics: Đón "sóng" thương mại điện tử
Kết quả từ Khảo sát Logistics 2015 do Vietnam Supply Chain thực hiện với 100 đại điện bộ phận logistics từ các doanh nghiệp (DN) hoạt động tại Việt Nam cho thấy, phần lớn DN đều có chi phí logistics/doanh thu chiếm từ 5% đến trên 10%. Đây là một trong những ngành tiềm năng nhưng đáng tiếc lại không nằm trong tay các DN trong nước.
- 16-09-2015Sắp khởi công dự án đường sắt Trung tâm Logistics-ga Yên Viên
- 14-09-2015Cổ phiếu Vinalines Logistics chào sàn Upcom ngày 18/9 với giá tham chiếu 12.600 đồng
- 26-08-2015Logistics khi hội nhập: Trước đã yếu thế, sau sẽ hụt hơi?
- 18-08-2015Logistics: "Cuộc chiến vương quyền" 3PL
Thị trường phân mảnh
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư, Bộ Công Thương, hiện nay, tại Việt Nam có hơn 1.200 DN cung cấp dịch vụ logistics, chủ yếu tập trung tại TP.HCM và Hà Nội. Trong số đó, khoảng 900 DN là đại lý vận tải (khoảng 70% là DN vừa và nhỏ).
Hiện đang có 25 DN logistics đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam nhưng các DN này nắm giữ 70 - 80% thị phần của ngành.
Các DN cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam chủ yếu làm đại lý, hoặc đảm nhận từng công đoạn như nhà thầu phụ trong dây chuyển logistics cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics nước ngoài.
Thị trường logistics Việt Nam được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng với tốc độ phát triển đạt 16 - 20%/năm. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của ngành logistics còn thấp, chi phí còn cao.
Điểm đặc biệt là thị trường vận tải logistics của Việt Nam còn nhiều phân mảnh, với 92%/700.000 xe tải đăng ký kinh doanh vận tải thuộc về các chủ xe cá thể.
Và đại đa số các công ty vận tải vẫn còn quy mô nhỏ với trung bình 10 xe tải. Cách thức tổ chức vận tải vẫn còn thiếu hiệu quả, với hơn 70% lượt xe không có hàng chở trong chuyến về, và 30% thời gian sử dụng xe bị hao hụt do phân bổ không hợp lý và chờ đợi chất xếp hàng hóa.
Giao hàng hiệu quả cho kênh bán hàng tiện lợi
Trong 5 năm vừa qua, mô hình kinh doanh cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử (TMĐT) đang dần xâm nhập thị trường Việt Nam.
Một loạt các chuỗi cửa hàng tiện lợi đã và đang tiếp tục được mở tại các điểm dân cư đông đúc ở các thành phố lớn. Hiện nay, với dân số 90 triệu người, Việt Nam đang có khoảng 400 cửa hàng tiện lợi.
Nếu so với Thái Lan, một nước láng giềng với 60 triệu dân có 10.000 cửa hàng tiện lợi, hay so với 50.000 cửa hàng tiện lợi cho 130 triệu dân Nhật Bản, thì có thể thấy xu hướng phát triển kinh doanh cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam là điều tất yếu.
Theo báo cáo của Nielsen, trong năm 2014, số người mua hàng tại kênh chợ truyến thống giảm 5%, giảm 17% đối với cửa hàng tạp hóa truyền thống và 22% người tiêu dùng có thói quen mua hàng ở kênh cửa hàng tiện lợi.
Sự phát triển của kênh cửa hàng tiện lợi yêu cầu ngành logistics phải có khả năng giao hàng nhỏ lẻ, thường xuyên và đúng hẹn, cho phép loại bỏ hàng tồn kho tại cửa hàng và tối ưu hóa diện tích bán hàng nhưng không để xảy ra mất doanh số do hết hàng.
Ngoài việc tối ưu hóa năng lực giao nhận, việc đầu tư trang thiết bị và phát triển quy trình cho kho bãi dành riêng cho việc đáp ứng kênh cửa hàng tiện lợi vẫn chưa được quan tâm thực hiện tại nhiều DN bán lẻ và logistics.
Song song với cửa hàng tiện lợi, mô hình TMĐT cũng đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Hiện Việt Nam là nước đứng thứ 4 về tốc độ phát triển TMĐT tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Theo Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin, trong năm vừa qua, doanh số bán hàng của kênh TMĐT đạt 2,97 tỷ USD, tương đương 2,12% tổng doanh thu bán lẻ.
Đặc thù của kênh TMĐT là khả năng bán hàng phủ rộng từ thành thị đến nông thôn thông qua internet. Tuy nhiên, cũng chính vì độ phủ lớn mà gánh nặng về chi phí logistics cũng là một bài toán khó đối với DN TMĐT.
Tần suất giao hàng nhỏ lẻ lớn, độ phủ của dịch vụ rộng khắp các tỉnh - thành là đặc điểm quan trọng của logistics phục vụ cho kênh TMĐT.
Xây dựng mạng lưới logistics hiện đại
Trong bối cảnh các kênh phân phối hiện đại đang phát triển mạnh tại Việt Nam cũng như đặc thù địa lý của đất nước, các DN trong các ngành sản xuất, bán lẻ và logistics đều có chung một câu hỏi, đó là làm thế nào để xây dựng mạng lưới logistics hiệu quả cao, sát với thực tế nhất có thể nhằm giảm thiểu sai số, giảm rủi ro trong đầu tư và phát triển.
Hiện đã có những giải pháp được đánh giá là "best practice" của các DN tiên phong trong ngành.
Cụ thể như "CELSim" - môt mô hình công nghệ cao có chức năng mô phỏng vận hành của mạng lưới phân phối, logistics để đưa ra dự báo giảm thiểu sai số, phục vụ nhu cầu phát triển mạng lưới hoặc tối ưu hóa mạng lưới hiện tại.
Mô hình này do Công ty CEL Consulting triển khai, có khả năng mô phỏng chính xác mạng lưới logistics của DN, sử dụng kết hợp những tham số chuẩn và những tham số riêng của từng loại hình, ngành nghề kinh doanh để đưa ra những mô phỏng sát với thực tế.
Từ đó chạy mô hình mô phỏng theo những trường hợp giả định, lượng hóa kết quả đạt được ở từng KPI và giúp DN lựa chọn hướng đi phù hợp nhất.
Một điểm sáng khác là quy trình "City Logistics", được định nghĩa là quy trình cho phép tối ưu hóa phân phối hàng hóa tại nội thành, được cân nhắc và điều chỉnh với các yếu tố về giao thông, ùn tắc và nguy cơ cháy nổ, cho phép giảm lượng xe lưu thông trong thành phố nhưng vẫn đạt hiệu quả vận hành cần thiết.
Quy trình này được phát triển, ứng dụng bởi các công ty như Gemadept Logistics, Geodis Wilson...
Mới nhất là quy trình "Ahamove", có nền tảng công nghệ tương tự như GrabTaxi, Ahamove, được phát triển nhằm phục vụ cho giao hàng trong thành phố và được kỳ vọng có khả năng đáp ứng cho kênh TMĐT.
Công nghệ này được phát triển dưới dạng ứng dụng cho smartphone, cho phép đặt giao hàng qua ba bước thao tác với một danh sách các lái xe tự do được kiểm soát bằng hệ thống định vị GPS, cho phép quản lý tiến độ giao hàng bằng thời gian thực và được đánh giá bởi khách hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Chấp nhận đầu tư, ứng dụng công nghệ, các DN logistic Việt Nam đang kỳ vọng sẽ sớm vượt thoát được tình trạng phân mảnh, tạo bứt phá.
Doanh nhân Sài Gòn