“Thiếu hụt nguồn cung” trong TPP
Mở cửa thị trường, tăng cơ hội xuất khẩu, giảm thuế… là những lợi ích mà Việt Nam đang kỳ vọng vào Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Năm 2014, dự kiến TPP sẽ được ký kết. TPP có tác động như thế nào đến các ngành hàng Việt Nam, đặc biệt là hàng dệt may, da giày, thưa ông?
Đối với TPP, việc Việt Nam quyết định tham gia đàm phán có nhiều lợi ích, trong đó lợi ích lớn nhất là mở cửa thị trường. Ví dụ như ngành hàng dệt may, giày dép. Dệt may là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất sang Hoa Kỳ, mỗi năm xuất khẩu khoảng 7,5 tỷ USD, chiếm 50% tổng xuất khẩu dệt may của Việt Nam ra nước ngoài; giày dép khoảng 2,2 tỷ USD/năm.
Trong đàm phán TPP, chương về mở cửa thị trường liên quan đến dệt may, các nước đang muốn áp dụng quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”, tức là các mặt hàng xuất khẩu vào các nước TPP phải mua nguyên liệu từ các nước TPP. Tuy nhiên, trong TPP nổi lên vấn đề là, nếu nguyên liệu như vải, sợi để làm các sản phẩm mà không mua được từ các nước TPP, phải mua từ nước khác thì sao?
Phía Hoa Kỳ đề xuất sáng kiến là “thiếu hụt nguồn cung”. Các bên định ra thiếu hụt nguồn cung thường xuyên và thiếu hụt nguồn cung tạm thời. Tạm thời là bao nhiêu năm? Trong bao nhiêu năm đó, các nước TPP sẽ vươn lên để cung cấp nguyên vật liệu đó? Hai vấn đề đó, Việt Nam đều tận dụng được.
Ngoài ra, mở cửa thị trường sẽ đi đôi với giảm thuế. Ví dụ như mặt hàng da giày của Hoa Kỳ, hiện chỉ còn 1 công ty với khoảng 1.200 công nhân nhưng vẫn muốn bảo hộ. Họ không muốn giảm thuế cho mặt hàng giày dép và vẫn muốn đánh thuế cao, có những mặt hàng đánh thuế lên đến 65%. Nếu như vào TPP, Hoa Kỳ buộc phải giảm thuế, thậm chí đề nghị đưa thuế suất bằng 0% ngay lập tức khi được tham gia. Khi giảm thuế, Việt Nam sẽ tăng được xuất khẩu.
Vậy Việt Nam liệu có được nghiêng về thiếu hụt nguồn cung thường xuyên không?
Không phải Việt Nam đàm phán được vấn đề đó mà phía Hoa Kỳ sẽ lấy thông tin từ những tập đoàn lớn đang đầu tư và có nhà máy sản xuất tại Việt Nam như GAP, Levi’s… Họ sẽ yêu cầu từng tập đoàn đó cung cấp danh sách thiếu hụt những gì, sau đó xem xét hiện nay nguyên liệu nào chưa sản xuất được, bao nhiêu năm nữa sản xuất được? Tự họ sẽ sắp xếp cái nào thiếu hụt thường xuyên, cái nào thiếu hụt tạm thời và hai bên đàm phán với nhau.
Có nghĩa là Việt Nam khó có thể tác động để tạo ra thay đổi, thưa ông?
Đoàn đàm phán là những người đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam khi đi đàm phán sẽ có tiếng nói để tác động. Nếu Hoa Kỳ đưa ra yêu cầu không phù hợp thì mình sẽ phản đối.
Xin cảm ơn ông!
Theo Phan Thu