MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành: Nhiều vướng mắc “hậu” tái cơ cấu

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chính thức thừa nhận: Việc tái cơ cấu DNNN ngành Công Thương đang bị chậm lại do những khó khăn cả chủ quan và khách quan.

Sau 1 năm thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm các tập đoàn kinh tế (TĐKT), TCty Nhà nước (TCtyNN) theo chỉ đạo của Chính phủ, nhiều tập đoàn, TCty thuộc ngành Công thương đang gặp phải khá nhiều vướng mắc thời “hậu” tái cơ cấu. Không ít TĐ, TCty như “gà mắc tóc” vì thoái không được, giữ không xong.

    Tiến thoái lưỡng nan

    Tại hội nghị đánh giá công tác tái cơ cấu DNNN và thực hiện Nghị định 99/NĐ-CP của Chính phủ về quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN do Bộ Công Thương chủ trì ngày 30.11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chính thức thừa nhận: Việc tái cơ cấu DNNN ngành Công Thương đang bị chậm lại do những khó khăn cả chủ quan và khách quan.

    Là bộ có nhiều nhất số tập đoàn, TCty đang hoạt động, quản lý phần lớn các DNNN lớn nắm giữ vai trò then chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện, than, dệt may, hoá chất, xăng dầu... thời gian qua, đây cũng là bộ có nhiều nhất số lượng DNNN buộc phải tái cấu trúc theo Quyết định 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

    Ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí VN (PVN) cho biết: Sau khi thực hiện đề án tái cấu trúc, hiện tập đoàn này còn nắm giữ 1 TCty 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực cốt lõi là thăm dò, khai thác dầu khí, 24 DN cấp 2, 126 DN cấp 3 và không có DN cấp 4.

    Tập đoàn vừa hoàn thành sáp nhập TCty Tài chính CP Dầu khí với Ngân hàng Phương Tây để thành lập NH cổ phần Đại chúng (PVcom Bank), bán cổ phần cho đối tác Nga trong Cty Lọc hoá dầu Bình Sơn và dự kiến CPH hầu hết các TCty trực thuộc.

    Tuy nhiên, theo ông Thực, trong bối cảnh thị trường chứng khoán gặp khó khăn, việc thoái vốn nhưng phải đảm bảo nguyên tắc bảo toàn vốn đang đặt PVN trước áp lực rất lớn. “Đặc biệt với các DN đang thua lỗ thì thoái vốn vào thời điểm này là không thể”, ông nói.

    Hàng loạt các “ông lớn” đã chót đầu tư khủng vào các lĩnh vực đầu tư nhạy cảm như ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bất động sản đang bị vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

    Báo cáo của Ban chỉ đạo tái cơ cấu DNNN Bộ Công Thương cho biết: Tập đoàn Điện lực VN (EVN) mới hoàn thành việc chuyển nhượng 1 triệu cổ phần tại Cty CP bảo hiểm Toàn Cầu (GIC) sang Cty International ERGO, giảm tỉ lệ sở hữu của EVN từ 22,5% xuống còn 20%, thu về 26 tỉ đồng.

    Nhưng số vốn góp tại Ngân hàng CP An Bình, Cty chứng khoán An Bình và các DN thuộc lĩnh vực bất động sản thì gần như giậm chân tại chỗ.

    Tương tự, với Tập đoàn Than- Khoáng sản VN (Vinacomin) việc thoái vốn tại Ngân hàng SHB, Cty Cổ phần SHB, Cty CP đầu tư phát triển Khu kinh tế Hải Hà cũng chỉ tiến hành thủ tục kiểm kê, định giá tài sản để chuyển nhượng, mà chưa thể chuyển nhượng trên thực tế do thị trường chứng khoán kém khởi sắc, nhiều khả năng dẫn đến nguy cơ... mất vốn Nhà nước.

    Kiên quyết đẩy mạnh thoái vốn

    Sau tái cơ cấu, vấn đề đau đầu nhất mà các DN đang phải đối mặt là khả năng mất vốn luôn hiện hữu, thị trường chứng khoán ảm đạm, khủng hoảng kinh tế khiến các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, BĐS gần như đóng băng khiến việc thoái vốn của các DN không khả thi. Trong khi đó, các DN đều cho rằng, các văn bản hướng dẫn hiện hành quá cứng nhắc như quy định “Việc thoái vốn đầu tư của các Cty nhà nước không được thấp hơn giá trị sổ sách”.

    Hoặc “ đối với những Cty Cổ phần chưa niêm yết, việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính có giá trị tính theo mệnh giá trên 10 tỉ đồng phải đấu giá qua Sở Giao dịch chứng khoán”, khiến gây nên tâm lý lo ngại, chần chừ, sợ thất thoát vốn nhà nước, sợ trách nhiệm.. của không ít người đại diện phần vốn Nhà nước tại DN.

    Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu VN (Petrolimex) Bùi Ngọc Bảo lại cho rằng, hành lang pháp lý sau tái cấu trúc cũng còn bỏ ngỏ đối với DN nhà nước đã cổ phần hoá, Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn.

    Trên thực tế, Petrolimex đã chuyển đổi thành mô hình tập đoàn hoạt động đa ngành, đa sở hữu nhưng sau 2 năm chuyển đổi, vẫn không quyết toán được cổ phần hoá, chia cổ tức cho cổ đông.

    Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Theo lộ trình Chính phủ phê duyệt, từ nay đến 2015, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các tập đoàn, TCty kiên quyết đẩy mạnh thoái vốn, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải; đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước...

    Đối với việc quản lý các tập đoàn, TCty thời gian qua chưa phân định rõ trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước tại DN, còn để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý nhất là công tác đầu tư, quản lý dự án, tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương đã ban hành tạm thời quy chế chủ sở hữu vốn đầu tư của DNNN thuộc bộ và có cơ chế giám sát hiệu qủa hoạt động của DN./.

    Theo Hồng Quân

    thunm

    Lao động

    CÙNG CHUYÊN MỤC

    XEM
    Trở lên trên