Thoái vốn ngoài ngành: Cam kết giữa Bộ trưởng và Chính phủ!
Biện pháp cho thoái vốn thấp hơn giá trị ban đầu là cần thiết, phải làm như vậy các doanh nghiệp mới thoái vốn được.
Là quan điểm của GS TS Ngô Thế Chi – Giám đốc Học viện Tài chính về một trong những nội dung của Nghị quyết về các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mới được Chính phủ ban hành. Ngoài ra, ông cũng dự báo, nếu việc thoái vốn, cổ phần hóa hoàn tất, nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh và có khả năng phát triển được từ cuối năm 2015.
Giải pháp vĩ mô quan trọng
PV:- Sau hàng loạt phát biểu nhắc nhở về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, mới đây, Chính phủ đã ra Nghị quyết về các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ông bình luận như thế nào về sự quyết liệt lần này của Chính phủ? Trong tình hình như hiện nay, nếu không quyết liệt đẩy nhanh thoái vốn ngoài ngành, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ dẫn tới hậu quả gì?
GS TS Ngô Thế Chi:- Theo tôi, đây là biện pháp rất quyết liệt của Chính phủ mà chỉ trên cơ sở những biện pháp này mới làm cho nền kinh tế trở nên ổn định và phát triển được. Đây là một trong những giải pháp vĩ mô rất quan trọng. Các doanh nghiệp đầu tư tràn lan ra ngoài ngành không hiệu quả, gây hiện tượng chồng chéo thất thoát nên buộc phải có quy định thoái vốn trong một thời gian nhất định.
Công tác cổ phần hóa cũng phải tiến hành nhanh để đảm bảo hiệu quả trong kinh doanh. Nếu để các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước thì hiện nay theo tình hình chung hoạt động không hiệu quả thì đây là giải pháp quan trọng và cương quyết, những năm tới phải thoái được vốn của các tập đoàn.
PV:-Trong các giải pháp được đưa ra, đáng chú ý, Thủ tướng quy trách nhiệm cho người đứng đầu là các Bộ chủ quản. Theo đó, Bộ trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ chậm tái cơ cấu. Ông đánh giá như thế nào về việc quy trách nhiệm này? Để thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ trưởng có gặp khó khăn gì không và tại sao?
GS TS Ngô Thế Chi - Giám đốc Học viện Tài chính |
GS TS Ngô Thế Chi:- Việc quy trách nhiệm là cần thiết nhưng vẫn phải có những giải pháp mạnh, tức là những bộ nào không thực hiện được thì người đứng đầu Bộ phải chịu trách nhiệm từ đó các bộ mới xuống dưới các đơn vị và có quyết tâm cao được.
Nếu việc này không làm cương quyết và làm mạnh thì tình trạng như những năm trước đây sẽ lặp lại. Đây cũng là những động thái mạnh để nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu bộ ngành chứ không riêng cấp dưới.
Từng bộ ngành sẽ phải có những biện pháp cụ thể hơn, những doanh nghiệp thuộc bộ không làm được thì người đứng đầu doanh nghiệp có thể bị cách chức tùy mức độ.
Tất nhiên, để thực hiện được những điều này cũng sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn vì từ trước đến nay chúng ta có lề lối làm việc chưa công khai, minh bạch, vẫn tồn tại cơ chế xin – cho, nể nang nhau nên mặc dù có những quy định rất rõ từ ngày xưa ví dụ như trong Luật quy định giám đốc doanh nghiệp để xảy ra trường hợp lỗ liên tiếp 2-3 năm sẽ bị cách chức nhưng thực tế chưa gặp trường hợp nào như vậy.
Bởi vì trong quá trình thực hiện, các đơn vị thực tế là thua lỗ như vậy nhưng bằng những biện pháp nghiệp vụ lại giấu diếm kết quả, không công khai nên khó xử lý, xử lý chưa nghiêm. Nếu xử lý nghiêm những tồn tại trên thì tái cơ cấu, tái cấu trúc và thoái vốn ngoài ngành mới thành công.
PV:-Trong trường hợp việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ vẫn ì ạch, trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm các Bộ trưởng sẽ được xem xét thế nào, thưa ông? Ai là người sẽ có quyền xử lý trách nhiệm trong trường hợp này?
GS TS Ngô Thế Chi:- Thủ tướng đặt ra quy định đó nên Thủ tướng phải xử lý Bộ trưởng không hoàn thành. Đây là chỉ thị bắt buộc đồng thời cũng là cam kết giữa các Bộ trưởng với Chính phủ. Chỉ có thế mới thực hiện được, nếu nói mà không thực hiện thì tình trạng thoái vốn một cách ì ạch vẫn còn kéo dài.
Phải có cơ quan thẩm định giá công khai, minh bạch
PV:-Thưa ông, một vấn đề khác cũng được dư luận hết sức quan tâm là trong Nghị quyết lần này Thủ tướng cho phép thoái vốn dưới giá. Trong bối cảnh nhiều tập đoàn nước ngoài đang tham gia tích cực vào việc mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam, nếu không minh bạch và có biện pháp giám sát chặt chẽ, điều gì có thể xảy ra, đặc biệt khi dư luận cảnh báo việc các tập đoàn ngoại thâu tóm doanh nghiệp nội?
GS TS Ngô Thế Chi:- Biện pháp cho thoái vốn thấp hơn giá trị ban đầu là cần thiết, phải làm như vậy các doanh nghiệp mới thoái vốn được nhưng để làm được việc này, để không có những hiện tượng tiêu cực giữa các bên tham gia với bên có vốn thoái cũng cần phải có sự công khai, minh bạch, có thẩm định của cơ quan thẩm định giá, kiểm toán… Lúc ấy mới không làm thất thoát hoặc xảy ra hiện tượng tiêu cực.
Chúng ta cũng phải có những quy định chặt chẽ, không phải các doanh nghiệp nước ngoài muốn mua bao nhiêu thì mua. Doanh nghiệp nước ngoài sẽ chỉ tham gia vào quá trình quản lý, không thể dẫn đến việc thâu tóm, vì việc thâu tóm như vậy sẽ không có lợi cho kinh tế Việt Nam. Phải quy định rõ đối với doanh nghiệp nước ngoài mua bao nhiêu %.
PV:-Theo Nghị quyết của Chính phủ, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) lại được nhận nhiệm vụ mua lại cổ phần của những doanh nghiệp nào thoái vốn thất bại. Liệu theo cách làm này, phần kinh doanh không hiệu quả nhất có trở lại trở lại phía Nhà nước (SCIC)? Nếu yêu cầu SCIC mua lại cổ phần như vậy thì phải kèm theo cách xử lý như thế nào, thưa ông?
GS TS Ngô Thế Chi:- Hiện, SCIC là đơn vị được nhà nước giao cho chức năng và nhiệm vụ này là chức năng nhiệm vụ họ phải thực hiện. Tất nhiên, trong quá trình mua phải tính toán như thế nào để nhà nước vừa đảm bảo không bị thất thoát vẫn có thể đổi mới trong cơ cấu.
PV:-Ông có thể dự báo diện mạo khối doanh nghiệp nhà nước nói riêng và diện mạo nền kinh tế Việt Nam nói chung sau khi việc thoái vốn được hoàn tất theo chỉ đạo của Thủ tướng?
GS TS Ngô Thế Chi: -Nếu việc thoái vốn, cổ phần hóa hoàn tất và một số vấn đề chính sách khác công khai, minh bạch thì nền kinh tế sẽ phục hồi nhanh và có khả năng phát triển được từ cuối năm 2015, đặc biệt từ năm 2016, còn từ nay đến năm 2015 chỉ có mức độ, vì quá trình này cũng cần độ trễ do còn nằm trong bối cảnh kinh tế chung của nền kinh tế toàn cầu.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Tâm An