MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu chi ngân sách: Không thể dàn trải, đốt cháy giai đoạn

Nếu cứ trông chờ vào các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên... thì có thể làm cho số thu ngân sách tăng cao nhưng thiếu vững chắc, không bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế.

Liên tiếp các thông tin hụt thu ngân sách 6 tháng đầu năm từ các địa phương đem lại đã khiến kế hoạch thu ngân sách ngày càng trở nên khó khăn. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, TS Phùng Quốc Hiển cho rằng: Không nên ỉ vào tài nguyên, đất đai… để tăng thu ngân sách mà phải tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì nguồn thu mới bền vững.

Tại cuộc họp về tình hình thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm do Bộ Tài chính tổ chức mới đây đã vạch rõ tình hình thu ngân sách rất khó khăn. Có nên bi quan với thông tin này không thưa ông?


Ông Phùng Quốc Hiển
 - Tôi cho rằng, khi nền kinh tế gặp khó khăn thì thu ngân sách cũng không thể nào lạc quan được. Gốc của thu ngân sách bắt nguồn từ sản xuất kinh doanh. Sản xuất mà khó khăn thì thu sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, cũng không nên quá bi quan mà phải nỗ lực đưa sản xuất kinh doanh phục hồi trở lại. Nếu chúng ta giải quyết tốt vấn đề phát triển của doanh nghiệp, tăng thu nhập của doanh nghiệp, của người dân thì rõ ràng ngân sách nhà nước sẽ có nguồn để thu. 

Còn nếu cứ trông chờ vào các nguồn thu từ đất đai, tài nguyên... thì có thể làm cho số thu ngân sách tăng cao nhưng thiếu vững chắc, không bắt nguồn từ nội lực của nền kinh tế. Cho nên, quan trọng nhất hiện nay, như tôi vừa nói, là phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp có sản xuất kinh doanh được thì mới có nguồn bảo đảm  thu ngân sách nhà nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh hiện đang có chuyển biến biến bước đầu, số doanh nghiệp giải thể giảm so với cùng kỳ, số doanh nghiệp ngừng hoạt động tuy vẫn tăng nhưng tốc độ tăng đang có xu hướng giảm dần…

Hai nhiệm kỳ QH giữ trọng trách quản thu chi ngân sách, theo ông để giải bài toán hụt thu trong bối cảnh khó khăn thế này đâu là giải pháp căn cơ?

- Theo tôi, trước hết, Chính phủ  phải rất thận trọng trong việc ban hành các chính sách thu. Trong khi chưa có phương án thu bù đắp thì phải giữ được chính sách thu hợp lý theo nguyên tắc: vừa không tạo gánh nặng về thuế đối với người dân, doanh nghiệp, vừa không tạo sức ép đối với việc cân đối ngân sách nhà nước, tránh để xảy ra tình trạng hụt thu lớn do điều chỉnh chính sách thuế và phải bảo đảm thuế thực sự là đòn bẩy của nền kinh tế và là công cụ để quản lý nền kinh tế.

Sau đó, việc chi ngân sách thế nào, cũng phải được cân đo đong đếm chi li. Tất cả các chính sách liên quan đến chi ngân sách phải được tính toán kỹ lưỡng, cân nhắc thấu đáo lợi và hại, không nên có sự đột biến, nhảy từ cực nọ sang cực kia. Phải cơ cấu lại chi, tiết kiệm những khoản chi phí không cần thiết như chi cho khánh tiết, lễ hội... 

Tiếp đó, phải thực hiện cơ chế khoán chi để các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách nhà nước thực hành tiết kiệm tốt hơn nữa, nhiều hơn nữa. Đồng thời, mỗi khi ban hành chính sách chi mới thì phải cân nhắc, phải biết nguồn để chi ở đâu? Nguyên tắc là nguồn để chi phải căn cứ trên nguồn thu để quyết định chi. Trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay thì có thể thấy đất nước còn nhiều nhu cầu phải chi và nhu cầu nào cũng hợp lý, quan trọng. Nhưng phải có trật tự ưu tiên, không thể dàn trải, đốt cháy giai đoạn. 

Ông vừa nói phải tiết kiệm chi, giảm đầu tư công, tuy nhiên mới đây Chính phủ vẫn phê duyệt những dự án lớn như dự án mở rộng quốc lộ 1A. Như vậy liệu có là "vung tay quá trán” không khi nền kinh tế của chúng ta hiện nay đang trong tình trạng rất khó khăn?

- Để phục hồi nền kinh tế, chúng ta thắt lưng buộc bụng, nhưng phải có sự tính toán, sắp xếp các nhiệm vụ chi theo tính hợp lý và cấp bách. Tinh thần là dù khó khăn nhưng vẫn phải dành nguồn lực để tạo ra những cú hích cho nền kinh tế một cách có chọn lọc. Chúng ta không dàn hàng ngang để kích cầu mà phải có sự lựa chọn, phải kích cầu vào những khu vực cần kích cầu. 

Xem xét đầu tư vào dự án mở rộng Quốc lộ 1A và một số dự án khác tôi cho là các dự án đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và đưa lại hiệu quả ngay. Đối với những dự án này, chúng ta có thể huy động nguồn lực từ trái phiếu công trình và nguyên liệu trong nước (đang bị tồn kho) để xử lý được ngay, tạo ra cú hích. Tương tự như vậy, chúng ta cũng cần tạo ra những cú hích thông qua chi cho chương trình mục tiêu quốc gia để giải quyết vấn đề lao động, việc làm, xóa đói giảm nghèo...

Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Lục Bình (thực hiện)

thunm

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên