Thu hút FDI vào nông nghiệp: Cơ hội lớn từ TPP và Nhật Bản
Các chuyên gia cho rằng ngành nông lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thu hút luồng vốn FDI lớn từ Nhật Bản khi gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
- 02-11-2013Gia nhập TPP-cơ hội để doanh nghiệp "làm mới mình"
- 27-10-2013Cây tràm sẽ là “Át chủ bài” trong cơ hội từ TPP của Trường Thành (Kỳ 3)
Theo nghiên cứu của Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc Nhật Bản gia nhập đàm phán TPP sẽ khiến ngành nông lâm nghiệp và thủy sản nước này đối mặt với sức ép lớn từ các nước thành viên trong khối do đặc tính nhỏ lẻ, kém hiệu quả, chi phí cao.
Thế nên, hiện có hai phương án mà Nhật Bản có thể chọn lựa để đàm phán TPP về nông nghiệp, bao gồm tiếp tục bảo vệ nền nông nghiệp và lợi ích của người nông dân nhưng đổi lại chỉ số phát triển GDP 2,5% sẽ là con số khó đạt được với tình hình kinh tế Nhật Bản hiện tại.
Phương án thứ hai là nhượng bộ, chấp nhận thách thức của nền kinh tế thị trường để gia nhập TPP nhưng nguy cơ nền nông nghiệp quốc gia và lợi ích của những người nông dân bị ảnh hưởng mạnh là hoàn toàn có thể xảy ra. Tất nhiên, nếu có thể Nhật Bản sẽ lựa chọn một phương án thứ ba để dung hoà lợi ích của người dân lẫn lợi ích chung của nền kinh tế quốc gia.
Vì vậy, các chuyên gia của Trung tâm WTO cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để cùng nước Nhật đạt được lợi ích cao nhất trong cộng đồng TPP. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi nước ta có đủ tiềm năng và nguồn lực phù hợp để phát triển ngành nông nghiệp xuất khẩu quy mô lớn. Trong khi đó ở chiều ngược lại nền nông nghiệp Nhật Bản mới chỉ đáp ứng được trên 45% nhu cầu tiêu dùng trong nước và Nhật Bản là quốc gia đứng thứ 3 trong các quốc gia TPP có nhu cầu nhập khẩu gạo, thứ 2 về nhập khẩu thủy sản …
GS.TS Bùi Chí Bửu - Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (Bộ NN & PTNN) dự báo, có ít nhất 3 khả năng hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong vấn đề nông nghiệp. Một là, Nhật Bản chuyển toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý nông nghiệp của mình sang Việt Nam để tiến hành sản xuất trong điều kiện giá cả lao động, chi phí sản xuất nông nghiệp thấp hơn nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh với các quốc gia khác.
Hai là, Nhật Bản có thể đặt hàng các DN Việt Nam sản xuất theo chuẩn mà thị trường Nhật ưa chuộng với giá cả hợp lý, số lượng phù hợp với nhu cầu thị trường. Ba là, hình thức thuê ngoài ngoại biên, theo đó các DN Nhật Bản sẽ chuyển việc sản xuất nông nghiệp sang Việt Nam. Ví dụ, DN sản xuất gạo của Nhật tiến hành qua Việt Nam đầu tư và đứng ra tổ chức sản xuất, thuê nông dân Việt Nam thực hiện sản xuất lúa gạo rồi XK về Nhật.
Các bước chuẩn bị
Nói về các bước chuẩn bị để hỗ trợ DN Nhật Bản khi đầu tư vào nông lâm nghiệp và thủy sản Việt Nam, ông Tsuno Motonori - Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho biết, đến nay Nhật Bản đã hỗ trợ cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn hơn 25 dự án hỗ trợ kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại, hỗ trợ khẩn cấp khoảng 120 triệu USD; 4 dự án vay vốn lớn trong lĩnh vực thủy lợi, lâm nghiệp khoảng 450 triệu USD góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng và giúp Việt Nam phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.
Dưới góc độ DN, theo ông Soichiro Kitamura - Giám đốc Công ty TNHH Vina Eco Board (thuộc Tập đoàn Sumitomo Forestry - Nhật Bản), nhà máy sản xuất ván gỗ nhân tạo với số vốn đầu tư là 100 triệu USD, công suất 250.000 m3/năm tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An hiện hoạt động rất hiệu quả nhờ gần 20 năm qua tỉnh Long An đã được Chính phủ chọn để triển khai các dự án trồng rừng với sự tài trợ và hợp tác của JICA.
“Đến nay, toàn tỉnh Long An có trên 60.000 ha rừng tràm, phần lớn đang ở độ tuổi khai thác, chế biến gỗ. Nhờ nguồn nguyên liệu này mà Công ty Vina Eco Board đã sản xuất và xuất khẩu được hàng hàng trăm ngàn m3 sản phẩm ván gỗ MDF từ khi đi vào hoạt động chính thức tháng 5-2012 đến nay”, ông Soichiro Kitamura cho biết.
PGS.TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) kiến nghị để thu hút FDI từ Nhật Bản và các quốc gia khác trong TPP vào nông nghiệp, Chính phủ cần nhanh chóng đưa ra những chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thích hợp.
Ngoài ra, cần sớm sửa đổi Nghị định số 61/2010/NĐ-CP về khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng cải thiện cơ chế về tín dụng, lãi suất, đất đai, mở rộng phạm vi chính sách bảo hiểm nông nghiệp theo hướng cho phép áp dụng hình thức người nông dân góp vốn bằng đất hoặc cho DN FDI thuê đất để cùng sản xuất kinh doanh nông nghiệp.
Theo Quang Duy