MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Vượt xa mong đợi

10 tháng qua, các dự án ĐTNN đã giải ngân được 9,58 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả thu hút nguồn vốn ngoại đang "nở rộ" trong bối cảnh nhiều quốc gia đang thu hẹp hoạt động đầu tư để khắc phục khó khăn trong nước. Các chuyên gia nhận định, thực tế này cũng là diễn biến trái chiều đối với đời sống kinh tế toàn cầu. 

Những con số ấn tượng

Tính chung, 10 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn bổ sung tăng thêm là 19,234 tỷ USD, tăng 65,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 1.050 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 13,077 tỷ USD, tăng 79% so với cùng kỳ năm 2012 và 393 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 6,158 tỷ USD, tăng 42,5% so với cùng kỳ năm 2012. Những con số trên đã vượt mức chỉ tiêu kế hoạch xác định từ đầu năm, vượt xa những dự báo lạc quan nhất của cơ quan hữu quan.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Sumitomo Việt Nam (KCN Thăng Long) 100% vốn của Nhật Bản. Ảnh: Yến Ngọc
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Sumitomo Việt Nam (KCN Thăng Long) 100% vốn của Nhật Bản. Ảnh: Yến Ngọc


Đáng ghi nhận hơn là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm nhất từ phía nhà đầu tư thông qua tổng số vốn cấp mới và tăng thêm gần 15 tỷ USD, chiếm 77,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của toàn quốc. Như vậy, trong tương lai gần, lượng vốn nói trên sẽ từng bước hòa nhập, trở thành những cơ sở sản xuất, từ đó nâng cao năng lực sản xuất cũng như xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Một điểm nổi bật nữa là thời gian qua đã xuất hiện trở lại của một số dự án quy mô lớn hoặc rất lớn sau một thời gian khá dài vắng bóng. Đơn cử, như các dự án: Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam tại Hải Phòng của Hàn Quốc, với tổng vốn đầu tư 1,5 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện, điện tử; Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên của Singapore với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD để sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử… Do tình hình đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tăng trưởng mạnh, nên đã tạo ra sức lan tỏa, thúc đẩy nhịp độ phát triển ở các lĩnh vực khác ở nhiều địa phương. Sự xuất hiện của những dự án lớn sẽ tạo điều kiện thu hút thêm các dự án vệ tinh quy mô nhỏ, vừa để nhận hợp đồng sản xuất các loại linh kiện chất lượng cao, mang tính chuyên nghiệp. Từ đó, DN trong nước cũng có thể tận dụng cơ hội, áp dụng dây chuyền công nghệ hiện đại để "lấn sân" tham gia vào đội ngũ nhà cung cấp linh kiện. Qua những động thái đó sẽ tác động, hỗ trợ ngành công nghiệp hỗ trợ nội địa phát triển.

Chủ động "đánh bắt xa bờ"

10 tháng qua, các dự án ĐTNN đã giải ngân được 9,58 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, xét về cả hai tiêu chí là vốn cấp mới và giải ngân đều đạt mức cao. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 25 năm mở cửa, thu hút vốn ĐTNN, Việt Nam đã đạt nhiều thành công cũng như kinh nghiệm để chuyển sang giai đoạn mới là chủ động nâng cao chất lượng dự án thông qua những biện pháp tổng thể, như không ngừng cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh theo hướng thông thoáng và phù hợp với thông lệ quốc tế; nâng cao chất lượng đánh giá, thẩm định dự án; chủ động tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư; làm tốt công tác xúc tiến đầu tư từ cấp vĩ mô đến địa phương…

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho biết, Việt Nam rất quan tâm, mời gọi các tập đoàn xuyên quốc gia bởi thế mạnh về vốn, công nghệ và tầm ảnh hưởng của họ. Tuy nhiên, cần phải có sự lựa chọn kỹ để tìm ra đối tác có năng lực thật sự. Ngược lại, ngành chức năng không chấp nhận sự né tránh, xin cấp phép rồi để đấy hoặc trì hoãn triển khai mà không có lý do hợp lý. Các tỉnh, thành phố cũng sàng lọc, kiên quyết xử lý những dự án chây ì, chậm tiến độ để tạo cơ hội cho nhà đầu tư khác có tiềm năng hơn. 

Đáng lưu ý, 3 năm gần đây, một số tỉnh, thành phố đã chủ động nghiên cứu, triển khai các chương trình "gọi" ĐTNN một cách bài bản, có trọng tâm, nhất là tập trung vào những đối tác hoặc dự án ra tấm, ra món. Đại diện một số địa phương gọi đó là chuẩn bị kỹ để "đánh bắt xa bờ", tức là nhằm vào dự án lớn, có thể tạo sức bật cho phát triển kinh tế trên địa bàn, tạo việc làm và nguồn thu tại chỗ… Trong đó, tỉnh Quảng Ninh vừa giới thiệu một số dự án xây dựng khu đô thị và khu công nghệ cao trị giá 2 tỷ USD với Tập đoàn Amata (Thái Lan), đồng thời cũng đón tiếp các đoàn doanh nhân từ Mỹ, Canada và EU đến tìm hiểu môi trường, cơ hội đầu tư. Đại diện tỉnh Quảng Ninh cho biết sẽ chú trọng vào các dự án quy mô lớn, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai dự án một cách suôn sẻ.

Những động thái tương tự cũng diễn ra tại một số địa phương đã, đang nổi lên trên bản đồ ĐTNN, như Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai và Vĩnh Phúc. Căn cứ vào số lượng đoàn DN "ngoại" vào tìm cơ hội đầu tư, nhất là sự quan tâm của những tập đoàn lớn cũng như xu hướng dịch chuyển của dòng vốn quốc tế, giới chuyên gia dự báo kết quả thu hút vốn ĐTNN 2 tháng cuối năm sẽ tiếp tục khả quan. Thậm chí, năm 2014 cũng đang được kỳ vọng là thời điểm tốt để dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam dưới tác động của quá trình cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế; cải thiện sức cạnh tranh về môi trường kinh doanh ở nước ta kết hợp với mục tiêu phân tán nguồn vốn, nhằm tránh rủi ro ở các địa bàn đã "bão hòa" trên phạm vi toàn cầu của giới đầu tư quốc tế.

Theo Anh Minh

thunm

Hà Nội mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên