Thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ
2015 được đánh giá là một năm thành công, nhưng thu ngân sách vẫn không đủ chi thường xuyên và trả nợ...
- 13-02-2016Tăng thu ngân sách, TP.HCM sẽ được thưởng
- 03-02-2016Bộ Tài chính: Thu ngân sách từ dầu thô giảm gần 66% trong tháng 1/2016
- 25-01-2016Nhiều khoản không đạt, tại sao thu ngân sách vẫn vượt dự toán?
Một năm thành công, nhưng thu ngân sách vẫn không đủ chi thường xuyên và trả nợ. Những nhận định nói trên được nêu trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2015 và triển khai kế hoạch 2016, vừa được Chính phủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Theo chương trình kỳ họp Quốc hội khoá 11 sẽ khai mạc sáng 21/3 tới đây, nội dung này sẽ được Thủ tướng trình bày trước Quốc hội, trong phiên họp được truyền hình trực tiếp.
Tại các kỳ họp trước, Thủ tướng đều trình bày báo cáo được chuẩn bị riêng, còn bản báo cáo gửi trước đến các vị đại biểu thường do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký. Kỳ này, cũng vẫn là Bộ trưởng Bùi Quang Vinh ký báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội.
Một năm thành công
Kỳ họp Quốc hội thứ 10 (tháng 10/2015), với những con số được tính đến hết tháng 9, Chính phủ nhận định 2015 đạt được những kết quả đáng khích lệ về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Thời điểm này, những con số của cả năm trước đã khá rõ ràng. Chính phủ cho biết, trong tổng số 14 chỉ tiêu Quốc hội giao, có 12/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. 2 chỉ tiêu không về đích là tỷ lệ che phủ rừng và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu.
Một trong những kết quả nổi bật là tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt mức cao nhất trong 8 năm qua.
Nền kinh tế Việt Nam phục hồi rõ nét và đạt tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch đề ra và cao hơn so với dự báo trước đây, Chính phủ đánh giá.
Báo cáo cũng nêu bật những động lực tăng trưởng chủ yếu của năm 2015. Như sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sự tăng nhanh của sản xuất và xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó là tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu được cải thiện nhờ lòng tin vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và lạm phát thấp.
Ngoài ra còn có những tác động bước đầu của việc triển khai thực hiện các luật mới được Quốc hội thông qua liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi; các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và việc triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh theo nghị quyết số 19/ của Chính phủ.
Năm 2015, theo đánh giá của Chính phủ thì tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng được nâng cao, an ninh chính trị được giữ vững, chủ động ngăn chặn mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Bảo vệ vững chắc chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia, nhất là trên các vùng biển, đảo, thềm lục địa. Xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong giải quyết tranh chấp biển Đông và những vấn đề phức tạp, nhạy cảm liên quan đến lợi ích quốc gia
Chính phủ khái quát, với những kết quả đạt được trong năm vừa qua, có thể khẳng định, năm 2015 là một năm thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự điều hành, phối hợp trong công tác tốt hơn của các ngành các cấp, sự nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.
Chi đầu tư đều phải vay
Theo Chính phủ, trong năm 2015, vẫn còn một số mặt tồn tại, hạn chế, trong đó có hạn chế “thâm niên” là kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc.
Liên quan đến ngân sách, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Thủ tướng nói, cân đối ngân sách Nhà nước còn khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, bội chi còn cao. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn
Báo cáo vừa hoàn thành ngày 15/3/2016 vẫn đánh giá cân đối ngân sách trung ương khó khăn do giá dầu thô xuống thấp. Cơ cấu chi ngân sách Nhà nước chưa hợp lý.
Cụ thể, chi đầu tư phát triển giảm mạnh từ 30,6% tổng chi ngân sách trong giai đoạn 2001-2005 xuống còn 28,2% trong giai đoạn 2006-2010 và còn khoảng 23,6% trong giai đoạn 2011-2015.
Đáng chú ý là bản báo cáo này nói rõ, “tổng thu ngân sách Nhà nước không đủ bảo đảm nguồn chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư đều phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ. Nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn”.
Vẫn nằm trong phần hạn chế, báo cáo nêu: hoạt động của doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn thấp.
Kết quả ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Kết quả giảm nghèo chưa bền vững; tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo ở những nơi đặc biệt khó khăn và trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Tệ nạn xã hội, tội phạm, ô nhiễm môi trường còn diễn biến phức tạp.
Đánh giá chung, phần kết quả, Chính phủ cho biết công tác phòng chống tham nhũng được tăng cường, đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn. Tuy nhiên, trong phần hạn chế, không có chữ tham nhũng nào được nhắc đến.
VnEconomy