MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

​Thu thuế nợ đọng bù hụt thu do giá dầu giảm

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài chính, đã cho biết như vậy khi trao đổi xung quanh việc giá dầu thô giảm mạnh, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Bắt đầu từ quý 3 năm nay, giá dầu thô trên thế giới liên tục giảm, đến nay giảm hơn 30%. Tuy nhiên, đối với ngân sách năm 2014 cơ bản không ảnh hưởng vì thị trường dầu thô thế giới là giao dịch có kỳ hạn. Nghĩa là, như hôm nay trên thị trường thế giới công bố giá dầu thô là 72 USD/thùng, mức giá này sẽ được giao dịch sau ba tháng nữa.

Do vậy, giá dầu thô của VN xuất khẩu năm 2014 vẫn trên 100 USD/thùng so với giá dự toán quyết định là 98 USD/thùng.

Số liệu mà Bộ Tài chính, Chính phủ báo cáo Quốc hội đánh giá thu ngân sách năm 2014 sẽ đạt 112% so với dự toán. Hay nói cách khác, giá dầu thô suy giảm của quý 4 cơ bản không ảnh hưởng lớn đến ngân sách năm 2014.

Bộ Tài chính vừa tăng thuế nhập khẩu xăng dầu như xăng lên 27%, đồng thời cũng ban hành khung thuế nhập khẩu mặt hàng này với mức tối đa là 40%, cao hơn khá nhiều so với quy định trước đây. Có phải đây là căn cứ để bổ sung phần hụt thu ngân sách?

- Việc ban hành khung thuế nhập khẩu xăng dầu tương ứng với giá xăng dầu trên thị trường thế giới mới nhằm thay thế quy định cũ là để phù hợp hơn với diễn biến giá mặt hàng này. Đồng thời, khung thuế nhập khẩu xăng dầu cũng giúp các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh.

Mặt khác, khung thuế cũng chỉ là một trong những căn cứ để Bộ Tài chính xây dựng mức thuế nhập khẩu xăng dầu phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Còn cơ chế điều hành giá xăng dầu vẫn phải đảm bảo theo giá thế giới, nghĩa là giá xăng dầu thế giới giảm thì trong nước cũng phải giảm theo và ngược lại.

Theo cách tính này, liệu ngân sách năm 2015 sẽ bị ảnh hưởng nếu giá dầu thô tiếp tục sụt giảm?

- Quốc hội đã quyết định dự toán ngân sách năm 2015. Nguồn thu từ dầu thô trên cơ sở giá bình quân cả năm là 100 USD/thùng. Vừa rồi có rất nhiều ý kiến đánh giá tác động ngân sách khi giá dầu thô sụt giảm mạnh.

Tuy nhiên, theo tôi, cơ cấu thu ngân sách năm 2014-2015 có khác với các năm trước. Tỉ trọng thu ngân sách từ dầu thô chỉ chiếm 10,2% tổng thu ngân sách, khác với những năm trước đây khi tỉ lệ này là 20-25%.

Nhưng đến giờ phút này, thu từ thuế nội địa tức là từ sản xuất kinh doanh trong nước chiếm hơn 70% tổng thu ngân sách, nên tác động của thu từ dầu thô đến ngân sách không phải quá nghiêm trọng. Song, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành có các phương án để đảm bảo ngân sách.

Có một điều Bộ Tài chính xin khẳng định kể cả trong trường hợp giá dầu thô xuống 70-75 USD/thùng thì chúng tôi vẫn phải đảm bảo cân đối ngân sách. Không điều chỉnh thu chi ngân sách, cũng không tăng vay để tăng nợ công.

Theo ông, để đảm bảo nhiệm vụ thu và chi năm 2015 như Quốc hội giao, liệu chúng ta có nên tăng sản lượng khai thác dầu thô để bù đắp hụt thu?

- Quan điểm của Bộ Tài chính là không vì giá dầu thô giảm mà kiến nghị với các bộ ngành tăng sản lượng khai thác để bù đắp. Nếu chúng ta tăng sản lượng trong giai đoạn giá thấp sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Theo số liệu 10 tháng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu là 7,2 tỉ USD, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu dầu thô là 6,3 tỉ USD. Do vậy, về mặt kinh tế vĩ mô có thể nói khi giá dầu xuống thì thu ngân sách bị ảnh hưởng nhưng nền kinh tế có lợi khi chúng ta đang nhập với giá trị nhiều hơn xuất khẩu.

Khi giá dầu thô xuống, Bộ Tài chính kiến nghị với các bộ, với Chính phủ đối với những mỏ có chi phí cao thì không nên khai thác mạnh mà có thể tạm thời giữ tài nguyên. Đến khi giá dầu thô ở mức hợp lý, tăng cao trở lại, chúng ta khai thác.

Không tăng vay nợ, không tăng sản lượng khai thác dầu thô, Bộ Tài chính đưa ra giải pháp nào bù đắp hụt thu khi giá dầu xuống thấp?

- Giả sử giá dầu thô bình quân cả năm ở mức 70 USD/thùng thì chúng ta hụt thu khoảng 30.000 tỉ đồng, chỉ chiếm 3% tổng thu ngân sách. Ngoài những giải pháp vĩ mô, Bộ Tài chính sẽ rà soát lại số nợ đọng thuế hiện lên đến trên 60.000 tỉ đồng. Chúng ta cần phải siết lại để giảm nợ đọng thuế, cần thiết thì cơ quan thuế sẽ phải cưỡng chế thuế đối với doanh nghiệp để thu hồi nợ.

Mục đích của việc tăng cường thu hồi nợ đọng thuế ngoài chuyện tăng thu ngân sách còn đảm bảo công bằng với các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, thực hiện nghĩa vụ thuế đầy đủ.

Theo ông, giá xăng dầu giảm sẽ có lợi như thế nào đối với nền kinh tế?

- Đánh giá chung theo số liệu 10 tháng đầu năm như tôi nói ở trên, kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu dầu đều có xu hướng giảm, như vậy là có lợi cho nền kinh tế. Chính vì xăng dầu là đầu vào rất quan trọng của sản xuất kinh doanh trong nước. Doanh nghiệp có cơ hội để hạ chi phí, tăng sức cạnh tranh.

Còn đối với nền kinh tế, chúng ta càng có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế với tăng trưởng 6,2% như mục tiêu đề ra. Đồng thời, khi nguồn thu trong nước ổn định sẽ giúp chúng ta có dịp để giảm mạnh cơ cấu thu ngân sách từ 10% xuống 7% đối với thu ngân sách từ dầu thô.

Tôi cũng xin chia sẻ thêm, kinh tế năm 2014 đang phục hồi khá mạnh. Cụ thể, số thu thuế từ khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khoảng 16%, thu từ doanh nghiệp nhà nước khoảng 8%, còn thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 12% so với năm trước. Nói tóm lại, giá xăng dầu giảm mạnh là một động lực khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Nên cân nhắc việc tăng thuế


Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - cho rằng việc Bộ Tài chính trước đó không lâu thông báo là sẽ không thay đổi thuế xăng dầu, giờ trong bối cảnh xăng dầu thế giới giảm nhiều lại ra công văn này để thay đổi biểu thuế là việc làm thể hiện sự bất nhất trong điều hành.


“Với mức thuế phí hiện nay đã là cao lắm rồi. Trong bối cảnh doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn còn khó khăn, việc giá dầu giảm cần xem như là cơ hội cho doanh nghiệp, người dân giảm giá thành đầu vào, kích thích tăng trưởng kinh tế thay vì tăng thuế dễ dẫn tới hủy diệt nguồn thu lâu dài” - ông Long đánh giá.


Cũng theo chuyên gia này, khả năng cạnh tranh của VN trên thị trường quốc tế vẫn đang rất thấp, giờ lại tăng thuế như vậy sẽ khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh được, nhất là khi giá xăng dầu nhiều nước có hàng hóa xuất khẩu tương ứng và cạnh tranh với VN lại đang thấp hơn VN. Bởi thực tế hiện các loại thuế phí đã chiếm khoảng một nửa giá xăng dầu bán lẻ.


Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng nếu phản ứng năng động có thể hạn chế đáng kể thiệt hại, thậm chí còn có lợi, nhất là khi VN nhập rất nhiều xăng dầu và chất dẻo, phân bón, nhựa đường và các sản phẩm chiết xuất từ dầu mỏ.

HỒNG QUÝ

>>>Chính phủ chỉ đạo cân đối ngân sách năm 2015 khi giá dầu thô tiếp tục giảm

Theo C.V.Kình - L.Thanh

huongtt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên