MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Phải giảm 10% biên chế đến năm 2021

Mỗi cơ quan đơn vị phải đảm bảo xác định rõ tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% trong giai đoạn 2015 – 2021. Như vậy, trung bình mỗi năm mỗi cơ quan đơn vị tinh giản tối thiểu đạt 1,5% biên chế.

Đó là thông tin được ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2015.

Trước quan điểm của đại biểu Quốc hội cho rằng cần giao toàn quyền cho người đứng đầu để giảm biên chế 40%, ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng việc xác định tỷ lệ bao nhiêu % để tinh giảm biên chế, cần phải căn cứ vào việc phân loại chất lượng cán bộ viên chức của từng cơ quan đơn vị, do chất lượng mỗi cơ quan đơn vị là khác nhau.

Thứ trưởng cũng cho rằng, việc tinh giản biên chế thông thường là có tư duy giảm về số lượng. Song với đợt tinh giản biên chế lần này, không chỉ giảm số lượng mà mục tiêu tinh giản biên chế là để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.

“Việc tinh giản biên chế hiện đã được triển khai và Chính phủ đã ban hành Nghị định 108 về chính sách tinh giản biên chế, hướng dẫn thực hiện tinh giản biên chế” – Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Theo đó, mỗi cơ quan đơn vị phải đảm bảo xác định rõ tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu là 10% trong giai đoạn 2015 – 2021. Như vậy, trung bình mỗi năm mỗi cơ quan đơn vị tinh giản tối thiểu đạt 1,5% biên chế.

Để đảm bảo có được kết quả tinh giản biên chế tốt, Thứ trưởng Bộ Nội vụ thông tin, có ba điểm mấu chốt: Thứ nhất là gắn thẩm quyền trách nhiệm người đứng đầu trong tinh giản;

Thứ hai, để triển khai có hiệu quả, hàng năm cơ quan đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế, xác định chỉ tiêu tinh giản mức độ tối thiểu từ 1,5% năm trở lên và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lhi được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì người đừng đầu phải triển khai thực hiện và không hoàn thành sẽ được xem là yếu tố đánh giá cơ quan không hoàn thành nhiệm vụ;

Thứ ba, là thực hiện tinh giản biên chế theo quy luật “ra hai vào một”. Tức là trong tổng số người tinh giản và người nghỉ hưu đúng tuổi, đơn vị chỉ được tuyển mới vào 50%, còn lại 50% thì đưa vào tỷ lệ cắt giảm biên chế.

“Đó là 3 điểm mấu chốt, trách nhiệm và thẩm quyền người đứng đầu được đề cao và nhấn mạnh. Việc tinh giản bao nhiêu % còn phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ công chức viên chức mỗi cơ quan đơn vị, và không phải cơ quan nào tỷ lệ cũng như nhau mà phụ thuộc vào đánh giá phân loại cán bộ”, Thứ trưởng nói.

Theo đó Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành tiêu chí phân loại đánh giá công chức viên chức, tạo cơ sở pháp lý cho người đứng đầu triển khai, tiến hành đánh giá phân loại cán bộ theo thẩm quyền. Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Tuấn thì để tinh giản được biên chế đòi hỏi người đứng đầu phải có bản lĩnh mới thực hiện được.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc nhiều lãnh đạo trước khi nghỉ chế độ đã bổ nhiệm tràn lan, Thứ trưởng Tuấn cho biết Bộ Nội vụ sẽ lắng nghe và nghiên cứu ý kiến này. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng khẳng định việc bổ nhiệm lãnh đạo quản lý, việc tuyển dụng là nội dung bình thường trong hoạt động xây dựng đội ngũ công chức viên chức.

“Việc này dựa trên nhu cầu của từng cơ quan đơn vị, quy định Nhà nước về bổ nhiệm. Do đó, ngay cả khi lãnh đạo chuẩn bị nghỉ hưu, thì họ cũng phải hoàn thành trách nhiệm, trường hợp có sai phạm thì vẫn phải xử lý ngay cả khi nghỉ hưu”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên