MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thủ tướng dự kiến 2016 sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tỷ?

Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn Thủ tướng về vấn đề chống lãng phí...

Xin Thủ tướng cho biết năm 2016, Thủ tướng dự kiến chúng ta sẽ tiết kiệm được bao nhiêu tỷ trong vấn đề chống lãng phí, đại biểu Quốc hội Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn.

Bà An còn muốn biết, Chính phủ có giải pháp cụ thể và hữu hiệu nào để cho chúng ta thực hiện việc chống lãng phí?

Bởi bà cho rằng “đây là loại kẻ thù rất khó tiêu diệt, nếu không tiêu diệt sẽ làm cho nước ta đã nghèo lại nghèo thêm, đã nợ lại nợ thêm và khó khăn lại khó khăn thêm”.

Trong văn bản trả lời mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, tiết kiệm được khẳng định là quốc sách. Quốc hội đã ban hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Chính phủ đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện luật và tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra để các quy định của pháp luật về lĩnh vực này thực sự phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những năm qua, mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế, nhưng nhìn chung, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã có những chuyển biến tích cực; nhiều vụ việc vi phạm pháp luật gây lãng phí lớn có gắn với yếu tố tham nhũng đã được phát hiện và xử lý, Thủ tướng hồi âm.

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, Chính phủ đã dự thảo chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2016, trong đó xác định mục tiêu của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là “tiếp tục đẩy mạnh công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội”.

Dự thảo chương trình quy định rõ những chỉ tiêu tiết kiệm cụ thể trong từng lĩnh vực như: quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước; quản lý, sử dụng các quỹ tài chính của nhà nước; quản lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công; quản lý, khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản.

Dự thảo chương trình tiếp tục kế thừa các nhóm giải pháp đã thực hiện có hiệu quả trong những năm trước và còn phù hợp như: đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường thực hiện công khai, giám sát thực hiện trên các lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đồng thời, dự thảo chương trình bổ sung thêm những giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác này như: phân công rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cán bộ công chức, viên chức; gắn kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí với công tác thi đua, khen thưởng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.

Thủ tướng cho biết thêm: Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát các cơ chế chính sách có liên quan, trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, chế độ đã lạc hậu, sơ hở... để bảo đảm chính sách, chế độ ngày càng chặt chẽ công khai, minh bạch phù hợp với thực tế..., hạn chế tối đa việc lợi dụng gây thất thoát lãng phí.

Tuy nhiên, theo Thủ tướng thì do phạm vi, tính chất, hình thức của lãng phí rất đa dạng và ngày càng tinh vi, nên chống lãng phí là việc khó khăn, phức tạp đúng như nhận định của đại biểu.

Vì thế đòi hỏi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân. Chính phủ mong muốn cử tri trong cả nước cùng các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, phát hiện, phản ánh để các hành vi vi phạm, lãng phí được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, Thủ tướng trả lời đại biểu An.

Theo Nguyễn Lê

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên