MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thực chất GDP là gì?

GDP theo giá so sánh (mà từ đó tính ra tốc độ tăng trưởng) được tính toán thế nào vẫn là một câu hỏi lớn.

Chỉ tiêu GDP ngày nay được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong các báo cáo thành tích cuối năm ở các địa phương. GDP tăng trưởng cao thường gắn liền với sự hãnh diện, GDP tăng trưởng thấp là một sự lo âu.

Nhiều nhà kinh tế “vung tay múa chân” khi bàn về con số tăng trưởng GDP, rồi hiến kế này kế nọ. Vậy thực chất GDP ở Việt Nam được tính toán thế nào?

Lịch sử ra đời của GDP

Thực ra, GDP là một chỉ tiêu trong hệ thống tài khoản quốc gia (System of National Accounts - SNA). SNA của Liên hiệp quốc được các nhà kinh tế hàng đầu thế giới, đứng đầu là Richard Stone (đoạt giải Nobel 1984) đưa ra. SNA đã tập hợp một cách hệ thống các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng nhằm mô tả, phân tích các hiện tượng kinh tế cơ bản.

Hệ thống SNA mô tả quá trình chu chuyển sản phẩm và tiền tệ trong một quốc gia, nó là một tập hợp đầy đủ, phù hợp và linh hoạt các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Những chỉ tiêu này được xây dựng dựa trên các khái niệm, định nghĩa và quy tắc chuẩn mực được thừa nhận trên phạm vi toàn thế giới.

Hệ thống SNA phục vụ nhiều mục đích khác nhau, trong đó mục đích cơ bản là cung cấp thông tin để phân tích và hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô làm cơ sở cho các nhà quản lý và lãnh đạo các cấp giám sát, nghiên cứu, điều hành và ứng xử với nền kinh tế.

Có thể coi việc tập hợp các chỉ tiêu kinh tế đã hình thành từ thế kỷ 17. Năm 1665, Wiliam Petty và Gregory King (1688) đã đưa ra các chỉ tiêu nhằm đánh giá thu nhập quốc gia và chi tiêu dùng cuối cùng.

Vào thế kỷ 18, các nhà kinh tế Pháp theo trường phái trọng nông làm giảm khái niệm về thu nhập quốc gia do họ quan niệm chỉ có ngành nông nghiệp và khai thác trực tiếp từ thiên nhiên mới thuộc phạm trù sản xuất, tuy nhiên đóng góp của trường phái này về mặt học thuật là rất quan trọng.

Năm 1758, Francois Quesnay một thành viên của phái trọng nông đã xây dựng “Lược đồ kinh tế” (tableou economique) mô tả mối quan hệ liên ngành trong nền kinh tế, và mô hình này được xem như tiền đề của bảng I/O (input-output table) của Leontief sau này.

Adam Smith đã phê phán tư tưởng của trường phái trọng nông và đề cao vai trò của công nghiệp chế biến trong nền kinh tế. Tuy vậy, Adam Smith cũng như Karl Marx, không thừa nhận vai trò của các ngành dịch vụ trong nền kinh tế.

Quan điểm này được thể hiện trong “Hệ thống các bảng kinh tế quốc dân - MPS” được áp dụng đối với các nước xã hội chủ nghĩa cho tới những năm 90 của thế kỷ 20.

Vào những thập niên 30 của thế kỷ trước, lý thuyết tổng quát của J.M.Keynes được đưa ra nhằm giải thích hiện tượng khủng hoảng kinh tế thế giới đã làm thay đổi quan niệm của các nhà kinh tế thời kỳ đó khi họ chỉ sử dụng ý niệm thu nhập quốc gia như là cách đánh giá duy nhất của một quốc gia (vấn đề này giống hệt Việt Nam hiện nay khi coi GDP như chỉ tiêu duy nhất đánh giá tình hình kinh tế của đất nước).

Dựa trên lý thuyết tổng quát của Keynes và lược đồ kinh tế của Francois Quensnay, năm 1941 Wassily Leontief đưa ra mô hình cân đối liên ngành (còn gọi là bảng I/O - được công bố trong công trình nghiên cứu “Cấu trúc của nền kinh tế Hoa Kỳ”).

Đầu những năm 1950, nhu cầu so sánh quốc tế đã thúc đẩy việc xây dựng hệ thống hạch toán quốc gia theo chuẩn mực quốc tế. Năm 1953, Hội Quốc Liên (tiền thân của tổ chức Liên hiệp quốc) xây dựng hệ thống tài khoản quốc gia đầu tiên dựa trên báo cáo của nhóm nghiên cứu trường Đại học Cambridge do Richard Stone đứng đầu. Đây cũng là phiên bản đầu tiên của Hệ thống tài khoản quốc gia, còn gọi SNA, 1953.

Sau một thời gian áp dụng, cơ quan thống kê Liên hiệp quốc đã sửa đổi và kết hợp toàn diện các lý thuyết kinh tế và công bố SNA, 1968. Phiên bản này cũng do chính Richard Stone đứng đầu nhóm sửa đổi (còn gọi nhóm Cambridge). Ông xây dựng hệ thống này với mô hình I/O là trung tâm về ý niệm cũng như cách hạch toán.

Sau đó, do kinh tế thế giới phát triển nhanh và tổ chức Thống kê Liên hiệp quốc cần thống nhất về ý niệm và định nghĩa với các tổ chức khác như WB, IMF, Ủy ban Thống kê châu Âu (EUROSTAT), Tổ chức Hợp tác và phát triển châu Âu (OECD), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)... những thành viên của các tổ chức này và chuyên gia kinh tế của các nước thành viên đã nhóm họp và SNA, 1993 ra đời.

Từ năm 1954-1975 đất nước Việt Nam chia làm hai miền thuộc hai chế độ chính trị khác nhau. Ở miền Bắc, ngành thống kê áp dụng phương pháp luận của “Hệ thống các bảng cân đối vật chất - MPS”. Ở miền Nam, Viện Thống kê thuộc chính quyền Sài Gòn áp dụng “Hệ thống các tài khoản quốc gia - SNA”. Thời kỳ 1976-1988 đất nước thống nhất, ngành thống kê áp dụng MPS cho phạm vi cả nước.

Từ 1989 đến nay, ngành thống kê Việt Nam áp dụng SNA trên phạm vi toàn quốc (ngày 25-12-1992, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 183/TTg về việc chính thức áp dụng hệ thống SNA trên phạm vi cả nước thay cho hệ thống MPS trước đây).

Những con số thiếu thông tin?

Hiện nay cơ quan thống kê Việt Nam tính toán GDP từ phía cung, tức là cộng tất cả giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế và thuế gián thu (trừ trợ cấp, trợ giá) và hầu hết các nhà thống kê cho rằng đó cũng là ý nghĩa của GDP.


Nguồn: TBKTSG

GDP theo tổng cầu cuối cùng chỉ được sử dụng như một sự đối chiếu với phía cung. Cách suy nghĩ này vẫn mang nặng ảnh hưởng về chỉ tiêu “thu nhập quốc dân” trong Hệ thống cân đối vật chất - MPS trước đây.

Từ cách tư duy này dẫn đến những phương pháp và khái niệm không đồng bộ trong các bộ phận chuyên ngành của cơ quan thống kê.

Ví dụ: giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp làm gia công như dệt may, giày da chỉ tính phần gia công, trong khi xuất khẩu lại tính cả giá trị sản phẩm. Như vậy về mặt kỹ thuật không thể cân đối vĩ mô nền kinh tế và thành tích xuất khẩu cũng chẳng có ý nghĩa gì.

Hơn nữa, khi cân đối nguồn và sử dụng GDP, phía sử dụng (demand size) bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, trong đó có cả chi tiêu từ nguồn chính thức và từ nguồn thu không chính thức của người dân, nhưng từ phía cung, nguồn thu không chính thức không được tính vào tổng giá trị tăng thêm.

Như vậy, sự sai số giữa nguồn và sử dụng sẽ bị dồn vào tích lũy, nhưng càng ngày tỷ lệ tích lũy tài sản/ vốn đầu tư ngày càng thấp đi. Hiện tượng này rất khó lý giải về độ chính xác của số liệu (xem bảng 1).

Ngay như về phía cung bao gồm các yếu tố rất cơ bản của nền kinh tế như lao động (L) và vốn (tư bản - capital stock), đặc biệt là chỉ tiêu vốn, cũng không được cơ quan thống kê tính đến.

Định nghĩa tổng quát nhất về đầu tư: “Đầu tư là phần sản lượng được tích lũy nhằm tăng năng lực sản xuất tương lai của nền kinh tế” (xem Sachs-Larrain, 1993). Còn vốn tại một thời điểm nào đó được định nghĩa bằng giá trị tổng các đầu tư qua các năm tính đến thời điểm đó trừ đi phần hao mòn tài sản cố định lũy kế. Theo quốc tế, để tính toán giá trị vốn tại thời điểm nào đó người ta cộng tất cả các đầu tư trước đó, rồi trừ đi khấu hao tài sản cố định hàng năm.

Một phương pháp khác để xác định giá trị của vốn tại một thời điểm nào đó người ta căn cứ vào giá thị trường hiện tại của khối lượng vốn này. Phương pháp này rất khó thực hiện bởi muốn xác định cần phải có tổng điều tra (kiểm kê) tài sản trên phạm vi toàn quốc.

Hai ý niệm cơ bản trên hoàn toàn xa lạ với cơ quan thống kê và nhiều nhà kinh tế Việt Nam. Hiện nay, cơ quan thống kê Việt Nam có chỉ tiêu “vốn đầu tư...”, nhưng thực chất chỉ tiêu này không phải vốn cũng không hoàn toàn là đầu tư. Tỷ lệ tích lũy tài sản trên “vốn đầu tư” được thể hiện trong bảng 2.

Tốc độ tăng trưởng GDP thường được tính từ GDP theo giá so sánh. Vấn đề chuyển GDP từ giá thực tế về giá so sánh là một vấn đề không đơn giản, khi Việt Nam tính GDP từ phương pháp sản xuất (là cơ bản) việc tính chuyển GDP về giá so sánh theo quốc tế cần lấy trọng số (quyền số) từ bảng I-O, nhưng một điều kỳ lạ là năm gốc mà Tổng cục Thống kê chọn lại là những năm không có bảng I-O (giá 1994).

Vậy GDP theo giá so sánh (mà từ đó tính ra tốc độ tăng trưởng) được tính toán thế nào vẫn là một câu hỏi lớn. Điều này là một khó khăn lớn cho những người sử dụng số liệu thống kê cũng như các nhà hoạch định chính sách vĩ mô.

Các chỉ tiêu cân đối trong SNA gồm tổng sản phẩm trong nước (GDP), thu nhập quốc gia (GNI), thu nhập quốc gia khả dụng (NDI) và để dành (savings) của các khu vực thể chế.

• GDP = tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình + tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước + tích lũy tài sản + xuất khẩu - nhập khẩu (phương pháp sử dụng cuối cùng); hoặc = tổng thu nhập của người lao động từ sản xuất + tổng thặng dư sản xuất + tổng khấu hao tài sản cố định + tổng thuế gián thu và thuế sản xuất khác + thuế nhập khẩu - trợ cấp cho sản xuất (phương pháp phân phối); hoặc = tổng giá trị sản xuất - tổng chi phí trung gian + thuế nhập khẩu (phương pháp sản xuất)

• GNI = GDP + thu nhập từ sở hữu thuần

• NDI = GNI + thu nhập từ chuyển nhượng hiện hành thuần

• Để dành = NDI - tiêu dùng cuối cùng


Theo Hàn Trầm Tưởng
TBKTSG

phuongmai

Trở lên trên