Thuế rượu, bia, thuốc lá… đang đóng góp bao nhiêu vào thu NSNN?
Số thu thuế TTĐB hàng năm chiếm khoảng 8-9% trong tổng thu NSNN và khoảng 1,8-2,6% GDP. Trong tổng thu từ thuế TTĐB thì số thu từ các mặt hàng ô tô, thuốc lá, rượu, bia chiếm tỷ trọng lớn nhất…
- 24-07-2015Vụ Sabeco bị truy thu 408 tỉ đồng thuế TTĐB: Có không việc kiểm toán vi phạm chuẩn mực?
- 10-07-2015Dù là “lỗ hổng” thì Sabeco vẫn phải nộp 408 tỷ đồng tiền thuế TTĐB
- 19-05-2015Điều chỉnh thuế TTĐB cho xe nhập, tạo công bằng hay tăng nhập nhèm?
Mới đây, việc Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị Bộ Tài chính truy thu 408 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) gây nhiều tranh cãi.
Và cũng chính lúc này đây TTĐB đã thực sự thu hút sự quan tâm của mọi người.
Q: Thuế TTĐB đánh vào các mặt hàng nào?
A: Luật thuế TTĐB quy định đối tượng chịu thuế là những hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng như nhóm hàng hóa có hại cho sức khỏe (thuốc lá, rượu, bia,...) hoặc cần tiêu dùng tiết kiệm (như xăng gốc hóa thạch), và những nhóm hàng hóa, dịch vụ được bộ phận người có thu nhập cao tiêu dùng cần phải điều tiết thu nhập (như ô tô, máy bay, du thuyền, chơi gôn,...).
Thuế TTĐB đã cùng với các sắc thuế khác như thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng tạo nên một hệ thống chính sách thuế đồng bộ để áp dụng có hiệu quả vào việc điều tiết nhập khẩu hàng hoá, vừa tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách, vừa thể hiện được vai trò của hệ thống thuế là một trong những công cụ ổn định kinh tế vĩ mô.
Q: Thuế TTĐB đóng góp như thế nào vào ngân sách nhà nước?
A: Thuế TTĐB là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước (NSNN) trong nhiều năm nay. Số thu thuế TTĐB hàng năm chiếm khoảng 8-9% trong tổng thu NSNN và khoảng 1,8-2,6% GDP.
Q: Các mặt hàng nào đang đóng thuế TTĐB lớn nhất?
A: Trong tổng thu từ thuế TTĐB thì số thu từ các mặt hàng ô tô, thuốc lá, rượu, bia chiếm tỷ trọng lớn nhất. Dự báo thuế TTĐB tiếp tục là nguồn thu ổn định trong những năm tới của NSNN.
Q: Luật thuế TTĐB hiện nay có những bất cập gì?
A: Thứ nhất, luật thuế TTĐB hiện hành quy định 16 nhóm hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên, việc thu thuế TTĐB đối với nap-ta (bao gồm cả con-đen-sát), chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng đã không còn phù hợp với thực tế do những mặt hàng này không chỉ dùng để sản xuất ra xăng mà còn sản xuất ra dung môi và một số sản phẩm khác không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB.
Thứ hai, luật thuế TTĐB hiện hành quy định 5 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên, cần sửa đổi, làm rõ đối với trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu tàu bay không sử dụng cho mục đích tiêu dùng thuộc diện thu thuế TTĐB mà sử dụng cho an ninh, quốc phòng.
Thứ ba, thuế suất thuế TTĐB đối với thuốc lá, rượu và bia hiện nay còn thấp, chưa bảo đảm được mục tiêu hạn chế tiêu dùng những mặt hàng có hại cho sức khỏe. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và Ngân hàng thế giới thì cần thiết phải điều chỉnh thuế suất đối với những mặt hàng này.
Thứ tư, để khuyến khích hơn nữa việc sử dụng nhiên liệu sinh học từ sản xuất trong nước, góp phần bảo vệ môi trường cần thiết phải quy định mức thuế suất thuế TTĐB ưu đãi đối với xăng sinh học (E5, E10).
Thứ năm, để đảm bảo đồng bộ với nội dung dự kiến sửa đổi về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là không thu thuế đối với cá nhân trúng thưởng casino, trò chơi điện tử có thưởng (do không thể xác định được thu nhập của người chơi khi thắng) thì cần thiết phải tăng thuế suất thuế TTĐB đối với hoạt động kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng.
Q: Kiến nghị sửa thuế TTĐB đối với các mặt hàng trong thời gian tới theo hướng nào?
A: Theo tờ trình Quốc hội về dự thảo sửa đổi cách tính thuế TTĐB, Bộ Tài chính kiến nghị điều chỉnh thuế TTĐB đối với các mặt hàng chính theo hướng như sau.
Thuốc lá: Đề nghị tăng thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá thêm từ 20%-30% so với mức thuế suất hiện hành vào năm 2018 (nghĩa là thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá tăng từ mức 65% lên mức 85% hoặc 90% vào năm 2018). Tuy nhiên, để doanh nghiệp có thể thích ứng được thì cần nghiên cứu lộ trình tăng thuế cho phù hợp, nghĩa là mỗi năm tăng 5% hoặc 10%.
Rượu: Đối với rượu dưới 20 độ, đề nghị nghiên cứu tăng thuế suất từ mức 25% lên mức 35% hoặc 40% (thêm 10% hoặc 15%). Đối với rượu trên 20 độ, đề nghị nghiên cứu tăng thuế suất từ mức 50% lên mức 65% (thêm 15%).
Bia: Mức thuế suất tăng thêm cần đạt khoảng từ 15% đến 20% so với mức thuế suất hiện hành (nghĩa là tăng từ mức thuế suất 50% lên mức thuế suất 65% hoặc 70%). Tuy nhiên cũng cần tính toán đến lộ trình tăng thuế để tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng này, theo đó mỗi năm nên tăng khoảng 5%.
Xăng sinh học E5: Chính phủ đề nghị quy định mức thuế suất thuế TTĐB ưu đãi là 9% đối với E5 và 8,5% đối với E10 (ưu đãi giảm thêm 5% trên mức thuế suất của xăng khoáng truyền thống tương ứng với mỗi 5% lượng nhiên liệu sinh học pha trộn ngoài tỷ lệ pha trộn 95% đối với E5 và 90% đối với E10 theo quy định).
Kinh doanh casino: Nhằm bảo đảm đồng bộ với nội dung sửa đổi về thuế TNCN, đề nghị tăng thuế suất thuế TTĐB đối với kinh doanh casino từ 30% lên 35%. Theo đó cùng với mức thuế suất thuế GTGT là 10%, tỷ lệ thuế trên doanh thu từ hoạt động casino xấp xỉ 40% phù hợp với thông lệ quốc tế (Macao thu các loại thuế với tỷ lệ thuế trên doanh thu khoảng 39%).
Liệu các mức thuế suất điều chỉnh này có cao so với các nước trong khu vực không? Đặc biệt là mặt hàng bia dự kiến sẽ chịu mức thuế suất 65 – 70% trong thời gian tới?
Trí Thức Trẻ