Thuế trợ giúp Doanh nghiệp gia nhập AEC
Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ được thành lập chính thức vào cuối năm nay. VN cũng đang đẩy nhanh đàm phán giai đoạn kết thúc để sớm ký kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước những cơ hội và thách thức về sức ép cạnh tranh, Chính phủ đã có nhiều chính sách và giải pháp nhằm trợ giúp cộng đồng DN phát triển, trong đó có các giải pháp về thuế.
- 20-03-2015Tự do dịch chuyển lao động trong AEC: Lợi, hại nào cho ngành CNTT?
- 11-03-2015AEC: “Đường lớn” đã mở, nên đi thế nào?
- 03-03-2015Hội nhập AEC: Điều gì đang chờ đợi các doanh nghiệp Việt Nam?
Tính đến hết năm 2014, mức độ tự do hóa trong khu vực ASEAN đạt tỷ lệ cao nhất với khoảng 75% số dòng thuế nhập khẩu đã được cắt giảm xuống mức 0%. Gia nhập AEC đòi hỏi cắt giảm thuế quan nhanh hơn và rộng hơn, theo đó các dòng thuế đã cam kết trong AFTA sẽ về mức 0% sớm hơn mà không nhất thiết phải đợi đến năm 2018. Riêng 2 nhóm hàng được loại trừ nghĩa vụ xóa bỏ thuế quan gồm: Các mặc hàng an ninh quốc phòng hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe… và các mặt hàng nông nghiệp nhạy cảm được duy trì mức thuế thấp 5%.
Hạ thuế suất và thay đổi chi phí hợp lý thuế TNDN
DN đã được hạ mức động viên từ 25% xuống còn 22% từ năm 2014 và xuống mức 20% từ năm 2016. Riêng các DN nhỏ và vừa (theo tiêu chí doanh thu năm từ 20 tỷ đồng trở xuống) được ưu tiên áp mức thuế 20% ngay từ nửa cuối năm 2013. Bên cạnh đó, DN được thực hiện các quy định về ưu đãi và bảo hộ đầu tư tại Hiệp định tránh đánh thuế hai lần mà VN đã ký kết với các nước. Những DN đầu tư vào nước chưa ký Hiệp định thuế với nước ta thì chỉ phải nộp phần chênh lệch nếu mức thuế suất thuế TNDN ở nước ngoài thấp hơn thuế suất của VN.
Điểm nhấn chú ý nhất trong chính sách thuế từ 2015 trở đi là gỡ bỏ hoàn toàn giới hạn đối với khoản chi về quảng cáo, tiếp thị, phát triển thị trường. Với khoản chi mua hàng hoá của người sản xuất trực tiếp bán ra không có hoá đơn, mua của người kinh doanh thuộc diện miễn thuế không có hoá đơn thì lập bảng kê chứng từ để tính vào chi phí. DN cũng được tính vào chi phí được trừ đối với các khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp, khoản chi thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh của DN theo quy định của pháp luật.
Ưu đãi thuế TNDN
Có 3 vấn đề trọng tâm mà DN cần tận dụng tối đa:
Thứ nhất, ưu đãi đối với DN có thu nhập từ nông nghiệp: Từ 2015 áp dụng các quy định mang tính đột phá và toàn diện nhằm thúc đẩy DN quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thông qua ưu đãi thuế: Hợp tác xã (HTX) được ưu tiên cao hơn DN; Hoạt động tại vùng khó khăn được ưu đãi hơn vùng thuận lợi; Thu nhập từ hoạt động chế biến nông sản, thuỷ sản cũng được ưu đãi ngang bằng với ưu đãi cho hoạt động trồng trọt, chăn nuôi tạo ra sản phẩm chưa qua chế biến, cụ thể là:
Miễn thuế TNDN đối với: Thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, sản xuất muối của HTX; thu nhập của HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc ở địa bàn đặc biệt khó khăn...
Áp dụng mức thuế ưu đãi 10% (mức thuế thấp nhất) trong suốt thời gian hoạt động đối với thu nhập của DN từ: trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; nuôi trồng, chế biến nông, thủy sản ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Thủ tướng Chính phủ được quyền quy định việc kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đến 15 năm.
Mức thuế suất ưu đãi 15% (mới) đối với đối với: thu nhập của DN trồng trọt, chăn nuôi, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản ở các địa bàn còn lại.
Thứ hai: Quy định mới về ưu đãi thuế cao hơn được áp dụng từ 2015 nhằm khuyến khích DN đầu tư vào các dự án công nghiệp hỗ trợ, dự án ứng dụng công nghệ cao. Mức thuế suất ưu đãi 10% trong thời hạn 15 năm áp dụng đối với thu nhập của DN được tạo ra từ các dự án đầu tư mới thuộc các trường hợp sau:
Dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển đáp ứng một trong các tiêu chí: (i) Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao theo quy định của Luật công nghệ cao; hoặc (ii) Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm các ngành: dệt - may; da - giầy; điện tử - tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo mà các sản phẩm này tính đến ngày 1/1/2015 trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng phải đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của Liên minh Châu Âu (EU) hoặc tương đương.
Dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng, sử dụng công nghệ phải được thẩm định theo quy định của Luật công nghệ cao, Luật khoa học và công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm kể từ ngày được phép đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vào sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và dự án khai thác khoáng sản thì không được hưởng ưu đãi này.
Thứ ba: Ưu đãi thuế nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn vào VN, các dự án sản xuất có tác động lan toả trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng miền và cả nước… Thủ tướng Chính phủ được quyền quy định việc kéo dài thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% đến 15 năm (tổng thời gian áp thuế suất 10% tối đa đến 30 năm) đối với các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất có quy mô vốn đầu tư tối thiểu mười hai nghìn tỷ đồng, sử dụng công nghệ được thẩm định theo quy định của Luật công nghệ cao, Luật khoa học và công nghệ, thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư đăng ký không quá 5 năm, đồng thời dự án này đáp ứng một trong các tiêu chuẩn: Dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa có khả năng cạnh tranh toàn cầu, doanh thu đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm chậm nhất sau năm năm kể từ khi có doanh thu từ dự án đầu tư; hoặc dự án sử dụng thường xuyên trên 6.000 lao động; hoặc dự án đầu tư thuộc lĩnh vực hạ tầng kinh tế kỹ thuật như: đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước, cầu, đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, cảng sông, sân bay, nhà ga, năng lượng mới, năng lượng sạch, công nghiệp tiết kiệm năng lượng, dự án lọc hóa dầu.
Nguyễn Văn Phụng
Chuyên gia cao cấp,Vụ trưởng Quản lý thuế
doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế
Diễn đàn doanh nghiệp