MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tiến trình đàm phán TPP đang rất lạc quan

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã khẳng định như vậy trong cuộc trả lời phỏng vấn chúng tôi tại Hoa Kỳ.

“Khả năng có thể kết thúc thành công đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong thời gian tới là vẫn còn”. Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, Trưởng đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, trong cuộc trao đổi với chúng tôi thường trú tại Hoa Kỳ.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh là thành viên của đoàn công tác Chính phủ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu vừa kết thúc chuyến thăm Hoa Kỳ để thảo luận về đàm phán TPP song phương cũng như tiến trình đàm phán tổng thể giữa các nước về hiệp định này.

PV: Trước hết, xin Thứ trưởng cho biết về các nội dung cơ bản trong đàm phán TPP giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, một trong những đối tác lớn và quan trọng nhất trong hiệp định này?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Đàm phán song phương với Hoa Kỳ rất quan trọng vì Hoa Kỳ là một đối tác lớn trong TPP.

Cuộc đàm phán này tập trung vào một số nội dung, đầu tiên là tiếp cận mở cửa thị trường hàng hoá Hoa Kỳ, lĩnh vực chứa đựng các quyền lợi cốt lõi của Việt Nam, đặc biệt là hai mặt hàng quan trọng nhất là dệt may và giày dép.

Sau đó chúng tôi đàm phán về mở cửa thị trường Việt Nam cho Hoa Kỳ, ví dụ những mặt hàng mà họ rất quan tâm như sản phẩm công nghiệp, ô tô, sắt thép, thịt lợn, thịt bò, thịt gà...

Họ cũng quan tâm đến việc mở cửa thị trường dịch vụ, mua sắm chính phủ, cải thiện quy định đầu tư nước ngoài, quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp nhà nước hay các quy định về bảo tồn động vật hoang dã. Nhìn chung, cuộc đàm phán song phương với Hoa Kỳ là tương đối rộng và tương đối phức tạp.

PV: Theo ông, đâu là vấn đề gai góc nhất trong đàm phán song phương Việt Nam-Hoa Kỳ mà có khả năng chúng ta sẽ phải chờ tới phút cuối trong tiến trình đàm phán mới có thể giải quyết được?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Mỗi vấn đề có một sự phức tạp riêng, khó nói là vấn đề nào phức tạp hơn vấn đề nào. Chẳng hạn như Hoa Kỳ yêu cầu chúng ta đáp ứng các tiêu chuẩn cao về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thực thi một cách toàn diện vấn đề chống buôn bán động vật hoang dã, nghiêm túc thực hiện Công ước quốc tế về buôn bán các loài động vật, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng (CITES).

Hai bên rất thống nhất với nhau về nguyên tắc nhưng phải nói là chúng ta không có đủ nguồn lực để thực thi một cách hoàn hảo việc chống buôn bán động vật hoang dã. Nếu vì một lý do rất khách quan là thiếu nguồn lực để thực thi có hiệu quả, khi đó phía Hoa Kỳ lại đưa ra cơ chế tranh chấp và sau đó là trừng phạt thương mại, rút lại ưu đãi, ví dụ như về dệt may.

Đó là vấn đề mà chúng ta không muốn. Trong chuyện này, rõ ràng là phải có sự quan tâm đến khả năng thực thi của các nước đang phát triển. Hai bên cần xử lý vấn đề đó trên cơ sở hợp tác chứ không phải mang nhau ra cơ chế xử lý tranh chấp và sau đó tiến đến trừng phạt thương mại lẫn nhau.

Tóm lại, mỗi vấn đề đều khó nhưng vẫn có những vấn đề có tính chất quan trọng hơn các vấn đề khác. Ở đây tôi nghĩ đàm phán về tiếp cận thị trường là có ý nghĩa quan trọng nhất. Khi nào có một kết quả thoả đáng về mở cửa thị trường và chúng ta đạt được các quyền lợi của mình về xuất khẩu dệt may, giầy dép mà Hoa Kỳ cảm thấy yên tâm về mức độ mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ hay mua sắm chính phủ thì lúc ấy các vấn đề khác mới có thể xử lý được.

Theo tôi, trong đàm phán song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có lẽ đàm phán về mở cửa thị trường là khó khăn nhất và không loại trừ khả năng là chỉ kết thúc vào phút cuối cùng, khi có quyết định từ cấp cao nhất.

PV: Ông đánh giá như thế nào về tiến trình đàm phán TPP cho đến lúc này, đặc biệt sau vòng đàm phán tại Hà Nội vào đầu tháng 9 vừa qua?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh: Tiến trình đàm phán TPP đang tiến triển với tốc độ mà mọi người mong chờ.

Vòng đàm phán vừa qua tại Hà Nội được đánh giá rất thành công. Các nước liên quan đã thống nhất được với nhau về các gói để kết thúc đàm phán trong rất nhiều lĩnh vực, đồng thời xác định được những vấn đề còn lại để xây dựng các gói đánh đổi để hướng đến kết thúc hiệp định. Tuy nhiên, tất cả những vấn đề còn tồn tại lại là những vấn đề khó nhất. Cho nên việc xây dựng các gói đánh đổi vào lúc này, lấy cái gì đánh đổi cái gì là vấn đề cực kỳ khó khăn.

Dù vậy, các nước đều đánh giá rất cao kết quả vòng đàm phán vừa qua và thống nhất rằng sẽ có thêm một vòng đàm phán cấp trưởng đoàn nữa vào trước tháng 11 tới để cố gắng thu hẹp bất đồng và đưa các vấn đề còn lại dưới hình thức các gói đánh đổi khác nhau để các bộ trưởng có thể đưa ra quyết định chính trị ở phút cuối cùng.

Nếu các nước tiếp tục nỗ lực cũng như dành cho nhau một sự linh hoạt giống như tại Hà Nội, tôi nghĩ khả năng có thể đi đến một sự kết thúc thành công của Hiệp định TPP trong thời gian tới là vẫn còn.

Nói chung là chúng tôi lạc quan hơn với tiến trình đàm phán TPP sau vòng đàm phán Hà Nội vừa qua.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Nhật Quỳnh – Huy Hoàng

cucpth

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên