Tiếp tục lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu
Sáng 8-7, Cục Quản lý giá tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai chương trình công tác 6 tháng cuối năm. Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu dự và chỉ đạo hội nghị.
Với chức năng tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính, Chính phủ về công tác quản lý Nhà nước về giá, 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý giá đã chủ động bám sát chủ trương điều hành kinh tế của Chính phủ, kế hoạch hành động của Bộ, dự báo tình hình giá cả thị trường trong nước và thế giới, xây dựng chương trình công tác toàn diện cho năm 2013 trong đó trọng tâm là những định hướng điều hành giá để thực hiện mục tiêu Quốc hội đề ra nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội.
Giữ bình ổn giá các mặt hàng xăng dầu, điện, than
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước những tháng đầu năm 2013 có những diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác tham mưu về các giải pháp quản lý, điều hành và bình ổn giá phải linh hoạt kịp thời. Nhưng nhờ sự chỉ đạo trực tiếp sát sao của Bộ Tài chính; sự nỗ lực phấn đấu, phối kết hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương, 6 tháng đầu năm 2013, Cục Quản lý giá đã triển khai hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong công tác bình ổn giá, Cục Quản lý giá đã làm tốt nhiệm vụ hướng dẫn, tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định về quản lý giá. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy định về quản lý giá, thuế, phí đối với những mặt hàng thuộc danh mục nhà nước định giá, mặt hàng thực hiện bình ổn giá, những mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống.
Đồng thời thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh để giữ bình ổn giá những mặt hàng thuộc diện Nhà nước đang quản lý như điện, than cho sản xuất điện, nước sạch gắn với việc thực hiện lộ trình giá theo cơ chế thị trường, bảo đảm khuyến khích được đầu tư sản xuất và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với mặt hàng nhạy cảm như xăng dầu, Cục Quản lý giá đã kịp thời chỉ đạo tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá sau khi điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong nước, trong đó đề nghị Sở Tài chính chỉ đạo các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn, nhất là các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải và sử dụng nhiều nhiên liệu từ xăng dầu phấn đấu cải tiến công nghệ, áp dụng mọi biện pháp tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao năng suất lao động... để giảm giá thành, hạn chế tác động của việc điều chỉnh giá xăng dầu đến giá bán sản phẩm.
Giá xăng dầu, điện, than đang được điều hành linh hoạt. Ảnh Internet. |
Bên cạnh đó, thực hiện giám sát chặt chẽ đăng ký giá, kê khai giá những mặt hàng thuộc danh mục đăng ký giá, kê khai giá. Kiên quyết dừng các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với tác động của yếu tố đầu vào, kiểm soát chặt chẽ kênh chi tiêu từ ngân sách Nhà nước thông qua mức giá của hàng hoá, dịch vụ được Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ sản xuất.
Trong 6 tháng đầu năm, giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như xăng dầu, điện, than..., đặc biệt là giá xăng dầu đã được điều hành linh hoạt phù hợp với diễn biến giá thị trường thế giới và bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Công tác kiểm tra, thanh tra giá cũng được tăng cường, nhiều tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra việc sử dụng vốn hỗ trợ không lãi suất thực hiện bình ổn giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá…
7 giải pháp điều hành giá cuối năm
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu biểu dương những nỗ lực và thành quả đạt được của Cục Quản lý giá trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Hiếu lưu ý những người làm công tác điều hành giá không chủ quan trước những kết quả đạt được, bởi tình hình 6 tháng cuối năm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Thứ trưởng lưu ý công tác điều hành giá phải bám sát và kiên định mục tiêu thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Đối với các mặt hàng nhạy cảm, 6 tháng qua đã đẩy được một bước sát với giá thị trường nhưng vẫn giữ được sự ổn định là một trong những thành công của Bộ Tài chính.
Theo Thứ trưởng Trần Văn Hiếu, công tác điều hành giá các mặt hàng nhạy cảm đặc biệt là giá xăng dầu, giá điện, than những tháng cuối năm cần hết sức thận trọng, bởi vừa phải điều hành để tiến sát với giá thị trường nhưng cũng cần hết sức linh hoạt, bởi áp lực tăng giá dồn vào cuối năm sẽ ảnh hưởng tới các mục tiêu đề ra. Thứ trưởng đặc biệt lưu ý Cục Quản lý giá phải làm tốt công tác dự báo và nắm bắt thông tin từ phía các bộ, ngành, địa phương, kịp thời đưa ra những dự báo để tham mưu cho Bộ trong công tác điều hành.
Cục Quản lý giá đã đưa ra 7 giải pháp trực tiếp về quản lý, điều hành giá từ nay đến cuối năm. Trong đó, tiếp tục kiên trì cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, Nhà nước chỉ can thiệp vào thị trường bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô theo quy định của luật giá; Tập trung đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giá theo yêu cầu (xây dựng các Thông tư hướng dẫn các Nghị định hướng dẫn Luật giá; cơ chế xác định giá trong các lĩnh vực cụ thể…).
Ngoài ra, Cục sẽ chủ động tham mưu cho Bộ, Chính phủ tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường vào thời điểm thích hợp đối với giá một số mặt hàng, dịch vụ Nhà nước còn định giá. Tham mưu sử dụng linh hoạt các công cụ phí, thuế, quỹ bình ổn giá để bình ổn giá xăng dầu.
Tiếp tục tăng cường quản lý giá thông qua các biện pháp như đăng ký giá, kê khai giá, kiểm soát các yếu tố hình thành giá…đối với một số hàng hóa, dịch vụ thuộc diện bình ổn giá, đăng ký giá, kê khai giá. Thực hiện kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, chi từ nguồn ngân sách Nhà nước thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ mà Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất, hàng hóa dự trữ Nhà nước, hàng hóa, dịch vụ còn được trợ cước, trợ giá…
Các giải pháp tiếp theo được Cục Quản lý giá nhấn mạnh đó là: Đẩy mạnh và thường xuyên hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về cơ chế, chính sách và công tác quản lý điều hành về giá tới các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp; Chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước. Tham mưu kịp thời và có hiệu quả cho Bộ, Chính phủ về công tác chỉ đạo, điều hành giá, bình ổn giá; Thường xuyên phối hợp với các cơ quan thực hiện việc kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật Nhà nước về giá.
Theo Minh Anh