MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TP HCM: Có cần thành lập đặc khu kinh tế?

TP HCM vừa đề xuất thành lập một đặc khu kinh tế. Nhưng câu chuyện đặt ra là có cần thiết hay không, nhất là khi cho tới nay, chủ trương thành lập 3 đặc khu kinh tế ở Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn chưa có những tiến triển nào đáng kể?

Thực ra, câu chuyện thành lập đặc khu kinh tế ở Việt Nam có một nghịch lý là: cái mà chúng ta gọi là khu kinh tế, đặc khu kinh tế hầu như chưa có cái nào thành công một cách đúng nghĩa, nhưng mà những cái chúng ta không gọi khu kinh tế hay đặc khu kinh tế thì lại rất là thành công. Điển hình như khu Nam TP HCM và TP Mới Bình Dương. Ở một khía cạnh nào đó nó mang dáng dấp của những đặc khu kinh tế.

Ví dụ như khu Nam TP HCM, mặc dù nó chỉ là mô hình cấu trúc doanh nghiệp của một liên doanh, cộng với một số điều kiện hỗ trợ mà Cty CP Đầu tư hạ tầng Tân Thuận (IPC) và Cty TNHH Phú Mỹ Hưng đã tạo ra các nhân tố làm thay đổi hẳn bộ mặt của khu Nam TP HCM với tốc độ phát triển thần kỳ. Tương tự, trường hợp của tỉnh Bình Dương còn rõ nét hơn, trong địa giới hành chính của tỉnh, cùng chung một thể chế, chính sách của cả nước nhưng chính sự năng động, sáng tạo của tỉnh Bình Dương trong khoảng hai thập kỷ qua đã tạo ra sự phát triển thần kỳ cho tỉnh Bình Dương.

Yếu tố chính của đặc khu kinh tế là tạo ra môi trường để thử nghiệm chính sách, tức là nghiên cứu tạo ra một chính sách mới, sau đó nhân rộng ra. Nói cách khác đặc khu kinh tế là nơi ươm tạo áp dụng chính sách để phát triển những hướng tốt hơn chứ không phải là nơi tạo ra những “hàng rào”, hay được hưởng những điều kiện ưu đãi. Trước giờ, cách hiểu của Việt Nam vẫn coi đặc khu kinh tế theo chiều ngược lại.

Cơ chế của Nhà nước phải thay đổi để chuyển việc các địa phương trong nước đang ở vị trí đối mặt cạnh tranh nhau chuyển thành vị thế chung lưng, hướng mặt ra biển cạnh tranh với thế giới. Đó là việc tạo ra các cơ chế để liên kết vùng.

Việt Nam vẫn hay coi đặc khu kinh tế là nơi được bao quanh bởi bốn bức “tường rào” và trong đó được hưởng những chính sách ưu đãi. Cuối cùng mô hình cả hàng trăm khu công nghiệp của cả nước, đặc biệt là các khu kinh tế tại các tỉnh duyên hải miền Trung đều mọc lên theo ý tưởng đó. Tuy nhiên, mọi người quên mất rằng môi trường thể chế mới là yến tố quan trọng nhất. Dù có trong “hàng rào” hay không “hàng rào” nhưng nếu chính quyền địa phương quyết định hết thì cũng như không, nó chẳng có tác dụng gì cả. Cuối cùng là ban quản lý khu kinh tế hay ban quản lý khu công nghiệp cũng chỉ có nhiệm vụ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ, chứ không có quyền quyết.

Còn với TP Mới Bình Dương và khu Nam Sài Gòn nó không bị những yếu tố đó trong một thời gian. Tuy nhiên, khi đã trở lên thành công rồi thì lại gặp trục trặc, có nghĩa là những nhân tố mới, những tính sáng tạo, đột phá không được phát huy. Chính vì vậy, trong nghiên cứu của nhóm về trường hợp Nam Sài Gòn, chúng tôi đã đề xuất mô hình liên kết vùng. Có thể hình thành nên một thể chế đặc biệt ở khu Nam TP HCM nhưng đồng thời phía Cần Giuộc (Long An) cũng cần thành lập một cấu trúc thể chế đặc biệt. Để có sự kết nối thì Cty IPC cần có cả hoạt động ở cả hai phía là TP HCM và phía Cần Giuộc (Long An).

Lúc đó, bên khu Nam cũng có một ban quản lý, bên Cần Giuộc cũng có một ban quản lý. Sau đó, cùng phối hợp với nhau và tính tới việc xây dựng cơ sở hạ tầng chung. Bởi vì không chỉ có riêng khu Nam Sài Gòn mà còn có cả các địa phương khác. Quan điểm của chúng tôi là muốn xây dựng khu Nam Gài Gòn tạo thành cái mầm, cái nền tảng để tạo ra một sự liên kết vùng, chứ không phải là tạo ra một cái ốc đảo. Nếu tạo ra một cái ốc đảo như các khu kinh tế của Việt Nam thì khả năng thành công sẽ không cao. Còn nếu tạo được một sự liên kết vùng, tạo sự đột phá về mặt thể chế thì sẽ không chỉ tốt cho TP HCM, Long An mà còn tạo nên một mô hình mới cho cả nước.

Tuy nhiên, để thành công trong liên kết vùng vấn đề khó nhất vẫn là giải quyết được lợi ích của các bên liên quan. Không thể nói liên kết vùng chung chung mà cần phải có cơ chế rõ ràng. đáng lẽ ra, TP HCM cần phải phối hợp với các địa phương xung quanh để tạo ra một sự liên kết chặt chẽ cả về kinh tế, chính sách để tạo ra dòng chảy cho cả vùng kinh tế Đông Nam Bộ. Thế nhưng, với bối cảnh hiện tại rất khó để làm đại trà, đồng loạt với các địa phương vì lúc đó giải quyết câu chuyện lợi ích của mỗi bên sẽ rất khó. Cho nên cần phải thử những mô hình liên kết nhỏ trước, nếu thành công sẽ nhân rộng ra.

Theo TS Huỳnh Thế Du

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên