MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPP có dành cho doanh nghiệp gia công?

Làn sóng đầu tư vào VN để hưởng lợi ích từ TPP không còn là dự báo, mà đang “nóng dần” lên với hàng loạt dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực da giày, dệt may.

Trở về từ Malaysia, nơi vừa diễn ra vòng đàm phán thứ 18 của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Diệp Thành Kiệt - phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN (Lefaso) - không giấu được lo lắng khi doanh nghiệp (DN) VN vẫn rất thờ ơ, lạ lẫm với cái gọi là TPP. Trong khi đó, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang tăng tốc tối đa để tận dụng cơ hội một khi TPP được thông qua vào cuối năm nay.

Ông Kiệt cho rằng làn sóng đầu tư vào VN để hưởng lợi ích từ TPP không còn là dự báo, mà đang “nóng dần” lên với hàng loạt dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực da giày, dệt may - hai ngành được cho là VN sẽ hưởng được nhiều lợi ích từ TPP mang lại - càng cho thấy sự hiểu biết và tận dụng cơ hội của nhiều nhà đầu tư quốc tế rất nhanh nhạy, kịp thời. Chính vì vậy, dù cơ hội dành cho VN đã được mở ra, nhưng các doanh nghiệp FDI với sự nhanh nhạy và nhiều kinh nghiệm sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều từ TPP.

Trong khi đó, với hơn 500 DN sản xuất giày nội địa hiện nay, có 50% DN xuất khẩu giày theo hình thức gia công, chỉ hưởng 10-15% giá trị sản phẩm/đơn hàng; 50% còn lại theo hình thức FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và hưởng 25-30% giá trị sản phẩm/đơn hàng. Nhưng đáng nói hơn cả là dù khối DN FDI chỉ chiếm 23% về số lượng DN hoạt động trong ngành, nhưng lại chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành và hầu hết đều làm theo phương thức FOB.

“DN gia công chẳng được lợi gì từ TPP, mà chỉ những DN làm hàng theo phương thức FOB mới có thể được hưởng lợi từ việc thuế sẽ giảm” - bà Trương Thúy Liên, giám đốc Công ty TNHH giày Liên Phát (Bình Dương), thừa nhận. Theo bà Liên, với những DN làm hàng gia công theo kiểu “ai kêu gì làm đó, chỉ làm theo mẫu có sẵn”, chỉ có thể sẽ có thêm được nhiều đơn hàng hơn bởi các nhà đặt hàng chắc chắn sẽ tăng lượng sản xuất tại VN hòng tận dụng được ưu đãi về thuế, thay vì đặt hàng tại Trung Quốc. “Tôi nghĩ chính là các doanh nghiệp FDI đang đặt nhà máy sản xuất trực tiếp tại VN mà thôi” - bà Liên chia sẻ.

Khối DN làm hàng gia công, theo ông Kiệt, chắc chắn sẽ càng khó khăn hơn về mọi mặt, có thể thấy rõ nhất là việc đầu tư của nhiều tập đoàn quốc tế sẽ tạo nên sự cạnh tranh mạnh trong thu hút lao động và các lợi thế khác để khai thác tài nguyên trong nước. Thế nhưng, một thực tế đáng lo ngại là không có nhiều doanh nghiệp tham dự các cuộc họp giới thiệu đầy đủ về TPP. “TPP là một “sân chơi” mà nhiều chuyên gia đánh giá là một cơ hội lớn, thậm chí còn hơn cả WTO, nhưng xem ra vẫn còn rất xa lạ đối với DN trong nước thì thật đáng buồn” - giọng ông Kiệt đầy trăn trở.

Theo QUỲNH KHÔI


thanhhuong

Tuổi trẻ

Trở lên trên