TPP đang cấp bách
Nói đến Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhiều chuyên gia bày tỏ những quan ngại về các thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt khi hiệp định này được ký kết.
- 15-05-2014TPP - một “phiếu tín nhiệm” với Việt Nam
- 12-05-2014Đang diễn ra cuộc họp đàm phán TPP ở TP Hồ Chí Minh
- 10-05-2014Đầu tư đón TPP: Bàn về câu chuyện nguyên liệu trước sợi
TS.Phạm Đỗ Chí, chuyên gia kinh tế:
3 thách thức
Thách thức đầu tiên là Việt Nam sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với các nước trong khối khi thuế nhập khẩu giảm về 0%; thị trường dịch vụ, đầu tư phải mở cửa, mua sắm chính phủ sẽ phải tuân theo khuôn khổ TPP. Sức ép liên quan đến giảm thuế nhập khẩu về 0% sẽ chủ yếu đến từ các nước Việt Nam chưa có quan hệ FTA, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico và Peru. Những ngành sản xuất của Việt Nam thực sự gặp khó khăn sẽ là ô tô, thịt lợn, thịt bò, đường. Tiếp sau là thực phẩm chế biến, rượu và hóa phẩm tiêu dùng. Liên quan đến mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư, sức ép cạnh tranh đến từ 3 ngành chính là ngân hàng, thương mại bán lẻ và viễn thông. Về mua sắm chính phủ trong khuôn khổ TPP, tác động của việc mở cửa thị trường tuy có nhưng ở mức chấp nhận được.
Thách thức thứ hai liên quan đến rủi ro thất thu ngân sách do giảm thuế nhập khẩu. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ dẫn tới giảm thu ngân sách nhưng thách thức này không lớn vì 2 lý do. Một là việc giảm thu sẽ diễn ra từ từ vì Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình. Hai là khi Việt Nam giảm thuế nhập khẩu, hàng nhập từ Hoa Kỳ và các nước TPP có khả năng tăng lên và số thu từ thuế giá trị gia tăng vì vậy cũng tăng lên.
Thách thức thứ ba, quan trọng nhất là việc tiến hành thành công cải cách DNNN để thu lợi tối đa từ TPP. Kinh tế Việt Nam đang ở thời kỳ khó khăn nhất vì sự suy kiệt của DN nói chung gây nên bởi các mối nợ to lớn cũng như quản trị thiếu hiệu quả của các DNNN. Cuộc đàm phán khó khăn với TPP đã xoay quanh không ít vấn đề trong địa hạt này. Trong hiện trạng nền kinh tế đang khó khăn và thực tế dù lãi suất đã nỗ lực hạ nhiều nhưng gần như chỉ có các DNNN mới được dành sự ưu đãi đặc biệt qua chính sách tín dụng và hơn nữa các món nợ ngân hàng của nhiều DNNN lại thiếu tài sản thế chấp hay nếu có tài sản đó phần lớn lại thuộc sở hữu nhà nước. Đây chính là lỗ hổng lớn trong khối nợ xấu và tài sản thế chấp “tồn kho” của hệ thống ngân hàng Việt Nam và xử lý như thế nào 153.000 tỷ đồng nợ xấu của các tập đoàn, tổng công ty là một câu hỏi đầy thách đố.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan:
Thách thức sản xuất nông nghiệp-nông thôn
Đối với thị trường trong nước, Việt Nam phải mở cửa thị trường tức phải loại bỏ 100% dòng thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp trong khi rào cản kỹ thuật chưa có hoặc không cao nên thị trường nội địa gặp bất lợi. Với tính chất là một nước có khu vực sản xuất nông nghiệp khá lớn, Việt Nam có nhu cầu cao trong việc yêu cầu các đối tác mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam. Vấn đề khó khăn là các nước TPP đều có xu hướng đàm phán hạn chế, giữ bảo hộ với nông sản nội địa (không mở cửa).
Đối với thị trường xuất khẩu, rào cản kỹ thuật của các nước sẽ khắt khe hơn trong khi năng lực cạnh tranh của Việt Nam không cao dẫn đến khó tận dụng lợi ích từ việc giảm thuế quan. Điều này gây bất lợi cho nông sản Việt Nam dù thuế suất có là 0%. Nông sản là một vấn đề rất khó đàm phán vì từ xưa đến nay trong khuôn khổ đàm phán các hiệp định thương mại hay gia nhập WTO… nông sản luôn là lĩnh vực được các nước bảo hộ mạnh mẽ. Vấn đề TBT (hàng rào kỹ thuật thương mại) và SPS (biện pháp vệ sinh dịch tễ) rất quan trọng với khả năng tiếp cận thị trường các nước của nông sản Việt Nam. Dù thuế quan có được cắt bỏ hết nhưng việc kiểm dịch, kiểm tra dư lượng kháng sinh… của các nước vẫn ngăn chặn khả năng xuất khẩu của Việt Nam, thậm chí còn nhiều rủi ro hơn so với thuế quan.
Luật sư Phạm Mạnh Dũng, Văn phòng luật sư LCT Lawyers:
Lo ngại đầu tư bị thu hẹp
Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với những “người khổng lồ” từ các nước TPP ngay ở thị trường trong nước. Việc giảm thuế sẽ dẫn đến việc gia tăng các luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cạnh tranh. Hệ quả tất yếu là DN sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thị phần hàng hóa, đầu tư có nguy cơ bị thu hẹp. Sự yếu kém về cơ sở hạ tầng và hạ tầng chính sách pháp luật, quản lý điều hành, cải cách hành chính cũng là rào cản, thách thức cho Việt Nam khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Một khó khăn nữa có thể gặp phải là trong khi TPP còn đang đàm phán, nhiều DN nước ngoài đã mạnh tay rót vốn vào những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhằm đón đầu cơ hội, trong khi hầu hết DN Việt Nam còn rất mơ hồ về TPP.
Đối với hoạt động đầu tư tại Việt Nam từ các nước không phải thành viên của TPP cũng có ảnh hưởng không nhỏ. Bởi nguyên tắc xuất xứ nội khối tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với DN có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các DN xuất khẩu sang các quốc gia thành viên TPP. Nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan là những quốc gia có tỷ trọng đầu tư lớn tại Việt Nam mà nguồn đầu vào không có đủ hàm lượng xuất xứ từ TPP không được hưởng ưu đãi từ hiệp định này sẽ tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm từ các nước thuộc khối TPP. Dịch vụ là mảng hoạt động đầu tư mà mức độ mở cửa thị trường của Việt Nam hạn chế và dè dặt nhất. Với TPP, sự tham gia mạnh mẽ và tự do hơn của các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm lâu năm, có ưu thế về dịch vụ trên thế giới có thể khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ của Việt Nam và các nhà đầu tư đến từ ngoại khối TPP gặp khó khăn trong cạnh tranh do có sự giới hạn phạm vi hoạt động dịch vụ.