Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có cơ chế đặc biệt cho các nền kinh tế ở trình độ phát triển khác nhau. Cùng với đó, việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương liệu có làm cánh cửa hội nhập của Việt Nam trở nên quá mở; doanh nghiệp trong nước liệu có theo kịp tiến trình hội nhập trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Vì vậy doanh nghiệp nước ta phải nỗ lực rất lớn để giảm bớt những thách thức khi TPP chính thức ký kết.
Cửa to nhưng “người” còn nhỏ
TPP là một định chế thương mại đa phương giữa 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ, Việt Nam và Nhật Bản. Nếu được ký kết, TPP sẽ bao trùm một khu vực kinh tế rộng lớn chiếm khoảng hơn 40% GDP và 30% kim ngạch xuất nhập khẩu toàn cầu.
Tính đến nay, TPP đã trải qua 17 vòng đàm phán và hiện đang bước vào vòng đàm phán thứ 18 (từ ngày 15 đến 25-7-2013). Theo kế hoạch, các vòng đàm phán sẽ kết thúc cuối năm 2013, nhưng do có sự tham gia của thành viên thứ 12 là Nhật Bản nên có thể phải kéo dài sang năm 2014.
TPP được đánh giá là có sức hấp dẫn lớn đối với các thành viên tham gia kể cả những nước phát triển cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Song theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhất khi TPP được ký kết. Dự báo, GDP của Việt Nam từ khi TPP được ký kết đến năm 2025 sẽ tăng lên 37,5 tỷ USD.
TPP chủ yếu tác động đến doanh nghiệp. Vì vậy doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin, tham gia đóng góp ý kiến với đoàn đàm phán để có những bước chuẩn bị tốt nhất nhằm tận dụng cơ hội từ hiệp định này. Nếu chúng ta chấp nhận đối diện và vượt qua thách thức sẽ mang lại cơ hội lớn. Lợi ích trước mắt về xuất khẩu của TPP không dễ nhưng nhìn về lâu dài sẽ là cú hích cần thiết cho Việt Nam. Ông Phạm Bình An, |
Cho đến nay, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 2 trong 4 nước nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam. Cụ thể, năm 2012, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam qua Hoa Kỳ đạt 19,6 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam; với Nhật Bản là 13,1 tỷ USD, chiếm 11,4%.
Chỉ tính riêng mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là dệt may, 50% kim ngạch xuất khẩu là sang thị trường Hoa Kỳ. 6 tháng đầu năm 2013, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam khi đạt 3,94 tỷ USD, chiếm 44,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Khi TPP được ký kết, toàn bộ thuế quan nhập khẩu sẽ bị xóa bỏ, trừ những mặt hàng có lộ trình 3-5 năm hoặc 10 năm. Như vậy, thay vì phải chịu mức thuế suất 7% khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ, dệt may sẽ được hưởng thuế 0%, theo đó sẽ tăng khoảng 12-13% và mang về doanh thu khoảng 30 tỷ USD vào năm 2025.
Tương tự, những ngành như da giày, thủy sản, gỗ… cũng được hưởng lợi lớn trong xuất khẩu khi TPP được ký kết. Chẳng hạn, da giày thay vì chịu thuế xuất khẩu sang Hoa Kỳ là 12% sẽ được hưởng mức 0%. Không chỉ thế, để đón đầu cánh cửa TPP, khá nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đang muốn sang Việt Nam xây dựng nhà máy, đặc biệt là những tập đoàn từ những quốc gia thành viên.
Cơ hội thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam cũng đang rộng mở. Thế nhưng, cánh cửa thì to nhưng “người” vẫn quá nhỏ. Nếu nhìn vào thu nhập tính trên đầu người của các quốc gia thành viên, Việt Nam thấp nhất và có mức chênh rất lớn so với Hoa Kỳ và Canada.
Trong khi đó, TPP là một sân chơi bình đẳng, không có cơ chế riêng cho các nước có nền kinh tế ở các trình độ phát triển kém hơn. Đó là lý do không ít ý kiến ngờ vực việc tham gia TPP sẽ mang lại nhiều thách thức hơn là cơ hội cho chúng ta kể cả ở thị trường xuất khẩu hay thị trường trong nước.
Cú hích xuất khẩu
Nếu TPP được ký kết, cơ hội tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may. Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khẳng định khi chưa có TPP khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đã khá tốt, nên khi có TPP hẳn sẽ có nhiều tác động tích cực hơn nữa đến ngành này.
PSG.TS Phạm Duy Nghĩa, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng thị trường Hoa Kỳ rất rộng lớn và khi thuế suất giảm bằng 0%, dệt may là ngành lợi nhất từ hiệp định này. Thế nhưng nếu dệt may tiếp tục nhập nguyên vật liệu của Trung Quốc, chắc chắn chúng ta chỉ nhận được chút lợi nhuận từ gia công. Bởi thực tế tính đến hết năm 2012 ngành dệt may Việt Nam vẫn nhập khẩu hơn 86% nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.
Sau 5 năm gia nhập WTO, doanh nghiệp FDI đã hưởng được lợi lớn nhất |
Trong khi đó, theo quy định đang được các thành viên TPP bàn thảo về xuất xứ hàng hóa được đề xuất ở TPP, các sản phẩm xuất khẩu của các nước thành viên phải có xuất xứ nội khối TPP mới được hưởng ưu đãi. Như vậy, nếu không chuyển đổi được vùng nguyên liệu và không thoát ra khỏi chiếc áo gia công, nước ta sẽ không được hưởng lợi ích từ thuế.
Đó là chưa kể các nước cũng sẽ lập ra những rào cản kỹ thuật hết sức khắt khe và với sức cạnh tranh vẫn còn yếu như hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của nước ta chưa chắc đã đáp ứng được những yêu cầu này. Chẳng hạn mặt hàng nông sản muốn vào thị trường Hoa Kỳ rất có thể sẽ vướng vào các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ.
Trên thực tế nông sản luôn là mặt hàng được các nước ra sức bảo hộ trong khuôn khổ đàm phán các FTA. Những yêu cầu về dư lượng kháng sinh cho phép trong một số mặt hàng thủy sản của một số nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản thời gian qua có thể là thí dụ cho những biện pháp bảo hộ của các quốc gia thành viên.
Việc cắt bỏ hoàn toàn thuế quan nhập khẩu giúp đẩy mạnh xuất khẩu của Việt Nam vào các nước thành viên trong đó có Nhật Bản và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, việc này cũng dễ đẩy doanh nghiệp phải đối mặt với những vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp.
Bên cạnh đó, khi TPP được ký kết, chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng, trong bối cảnh doanh nghiệp nước ta đang yếu liệu có chịu được? TPP giúp Việt Nam thu hút thêm nhiều nhà đầu tư đến từ các nước, cụ thể thời gian qua có khá nhiều nhà đầu tư Singapore, Hàn Quốc muốn đến Việt Nam đầu tư lĩnh vực dệt may. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, rất có thể chúng ta lại tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp FDI mà thôi.
Bởi kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO cũng như ký kết nhiều FTA song phương, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tăng mạnh hàng năm do tận dụng tốt các lợi thế, còn doanh nghiệp trong nước tăng chậm hơn nhiều. Cụ thể, năm 2012, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 114,6 tỷ USD, khối FDI chiếm 73,2 tỷ USD, doanh nghiệp nội địa chỉ có 42,3 tỷ USD. Rất có thể một kịch bản tương tự sẽ lặp lại khi TPP được ký kết.
Vỡ trận thị trường nội địa?
Mức thuế trung bình cho các mặt hàng của các nước thành viên TPP nhập vào Việt Nam hiện nay khoảng 11%. Tuy nhiên khi TPP được ký kết rất nhiều mặt hàng sẽ được hưởng thuế 0%. Như vậy hàng hóa sẽ ào ạt tràn vào thị trường nội địa. Trong khi đó hàng rào kỹ thuật của chúng ta lại chưa nhiều để có thể bảo hộ hàng hóa trong nước.
Hàng rào kỹ thuật khi áp dụng với hàng nhập khẩu cũng phải áp dụng với hàng trong nước để đảm bảo nguyên tắc công bằng, không phân biệt đối xử. Đặc biệt hàng rào này phải phù hợp với các quy định trong nước cũng như trên thế giới. Ông Phạm Ngọc Hưng, |
Thực tế này đang đòi hỏi Việt Nam phải lập ra một bộ tiêu chuẩn mới phù hợp để làm hàng rào kỹ thuật ngăn cản bớt dòng chảy ồ ạt của hàng ngoại nhập trong những năm tới. Nhưng như vậy liệu sản phẩm của doanh nghiệp trong nước có đáp ứng được nhu cầu.
Điều này đang đặt ra yêu cầu đã đến lúc nước ta phải mạnh tay buộc doanh nghiệp phải đổi mới để tồn tại. Vì TPP là một sân chơi bình đẳng không có cơ chế riêng cho từng nền kinh tế nên cũng cần sòng phẳng với doanh nghiệp trong nước.
“Thử nhìn đến năm 2015 khi hàng hóa ASEAN ồ ạt tràn vào Việt Nam, rồi khi TPP được ký kết có lẽ đến người nông dân trồng củ hành, củ tỏi cũng bị cạnh tranh vì hàng của nước khác rẻ hơn” - PGS.TS Phạm Duy Nghĩa băn khoăn.
Bên cạnh đó, việc doanh nghiệp Việt chưa tận dụng tốt các biện pháp phòng vệ thương mại do thiếu tính liên kết, cũng sẽ là một bài toán cần có lời giải nhanh chóng.
Khi TPP được ký kết cũng là lúc cuộc đua chính thức bắt đầu và doanh nghiệp là những đối tượng phải tự thân vận động.
TS. Lương Văn Lý phân tích: “Cũng như trước khi nước ta gia nhập WTO, rất nhiều thông tin đưa về cơ hội, thách thức… Nhưng sau khi gia nhập rồi không còn nhiều người nói về WTO nữa, chỉ còn lại doanh nghiệp phải tự thân. TPP sẽ cũng như vậy. Tất nhiên vai trò của Nhà nước vẫn luôn quan trọng. Theo đó, Nhà nước phải xây dựng một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp, tích cực nghiên cứu các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp”.